+Aa-
    Zalo

    Gửi tiết kiệm online: Những điều cần biết

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trước khi muốn gửi tiết kiệm online ở một ngân hàng, người gửi cần chú ý những vấn đề cơ bản dưới đây.

    (ĐSPL) - Trước khi muốn gửi tiết kiệm online ở một ngân hàng, người gửi cần chú ý những vấn đề cơ bản dưới đây.

    Gửi tiết kiệm online là gì

    Tiết kiệm online là một hình thức mà thay vì phải đến quầy giao dịch, khách hàng có thể thực hiện các thao tác từ mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán, tái tục… trên các thiết bị điện tử có kết nối Internet mọi lúc mọi nơi.

    Để gửi tiết kiệm online ở một ngân hàng, trước hết bạn phải có tài khoản thanh toán và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking) tại chính ngân hàng đó. Ví dụ: bạn đang có tài khoản thanh toán tại ngân hàng VPBank, bạn có thể đăng ký mở tài khoản tiết kiệm online với ngân hàng VPBank bằng cách đăng nhập vào Internet Banking. Sau đó bạn có thể lựa chọn kỳ hạn gửi, số tiền gửi để bắt đầu gửi tiết kiệm. Các thao tác như tái tục, tất toán đều có thể thực hiện trên Internet Banking.

    Để đa dạng hóa sản phẩm gửi tiết kiệm online và tạo tiện ích cho khách hàng, một số ngân hàng đã đưa ra hình thức gửi tiết kiệm trả góp. Qua đó, khách hàng có thể gửi góp tiền vào tài khoản trong suốt thời gian kỳ hạn. Lãi sẽ tính trên từng món gửi thêm ngay từ ngày gửi.

    Ảnh minh họa.

    Thao tác gửi tiền

    Chỉ bằng cú click chuột trên điện thoại hoặc máy tính là có thể mở hay tất toán với kỳ hạn 1-36 tháng.

    Các bước thực hiện: đăng nhập tài khoản, chọn mục tiết kiệm trực tuyến với kỳ hạn tương đương, chọn lãi nhập gốc hay tái tục một kỳ hạn bằng kỳ hạn cũ hoặc tự động tất toán chuyển vào tài khoản thanh toán.

    Mọi thao tác hoàn tất trong vài phút mà không cần đòi hỏi bất kỳ một chữ ký nào của người giao dịch.

    Vấn đề bảo mật

    Mọi khoản tiền gửi online được chứng thực bằng các sao kê điện tử, nên dễ kiểm soát tài chính của cá nhân cũng như thực hiện các thao tác tất toán tự động khi đáo hạn. Tất cả bản sao kê chứng thực của ngân hàng trên dịch vụ ngân hàng điện tử cũng có giá trị tương tự như các loại hình tiết kiệm thông thường trực tiếp tại quầy.

    Thông tin về tài khoản và thao tác tiết kiệm đều được quản lý trên ngân hàng điện tử với nhiều lớp bảo mật.

    Khi có thắc mắc hay xảy ra sự cố, bạn chỉ cần liên hệ ngay với trung tâm dịch vụ khách hàng của ngân hàng để được hỗ trợ và giải đáp một cách kịp thời.


    Tiết kiệm online có an toàn?

    Dù gửi tiết kiệm online đang ngày càng được nhiều khách hàng biết tới, nhưng an toàn, bảo mật vẫn là vấn đề khiến nhiều người dân vừa gửi tiền vừa run, bởi khi gửi tiết kiệm online, người gửi tiền không cầm trong tay chứng từ nào. Nỗi lo của người gửi tiền là có cơ sở, bởi thời gian qua, rất nhiều vụ việc “bốc hơi” sổ tiết kiệm của người gửi đã diễn ra, ngay cả với tiền giao dịch tại quầy.

    Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Dự án EBank (Ngân hàng VPBank) khẳng định, gửi tiết kiệm trực tuyến là hoàn toàn an toàn, vì lệnh giao dịch được thực hiện bởi chính khách hàng, nhân viên ngân hàng không thể can thiệp được. Hơn nữa, khi thực hiện giao dịch gửi tiền online, hệ thống của VPBank đã xác thực người dùng nhiều lớp và gửi thông tin xác thực cho khách hàng. Thông tin xác thực này không thể giả mạo được và không hề có sự can thiệp của con người mà tự sinh từ hệ thống.

    “Các thao tác giao dịch của khách hàng đều được lưu vết trên hệ thống và dữ liệu được backup thông suốt ở quy mô toàn cầu. Về lý thuyết, các dữ liệu này được lưu lại hoàn toàn và được khôi phục tuyệt đối, cho dù có những thảm họa xảy ra”, ông Thắng nói.

    Nhận định về những rủi ro liên quan đến gửi tiền của khách hàng, ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Vietnam cho rằng, trong các trường hợp cán bộ ngân hàng lợi dụng ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt sổ tiết kiệm có cả lỗi của ngân hàng và của người gửi tiền. “Nếu ngân hàng có chốt kiểm soát nội bộ hiệu quả, thì có thể phát hiện và phòng chống được gian lận. Việc đào tạo gian lận và quản trị rủi ro gian lận chưa được các ngân hàng chú ý đúng mức”, ông Saman nói.

    Về phía khách hàng, theo ông Saman, nếu mở tài khoản tiết kiệm online mà không bao giờ kiểm tra số dư, thì cũng sẽ đối mặt với rủi ro mất tiền. Nói cách khác, khách hàng cũng phải có “chốt kiểm soát” để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

    Trên thực tế, ngay cả các ngân hàng lớn trên thế giới, thì các trường hợp rò rỉ thông tin khách hàng, thông tin khách hàng bị đánh cắp… vẫn thường xuyên diễn ra. Do đó, ông Nguyễn Chiến Thắng khuyến cáo, khách hàng cần bảo quản điện thoại di động, email và các mật khẩu đăng nhập một cách chặt chẽ nhất, không nên lưu các thông tin này tại một chỗ, trường hợp thất lạc cần thực hiện thay đổi hoặc báo ngân hàng khẩn cấp.

    Đồng thời, theo ông Thắng, khách hàng cũng nên thường xuyên đăng nhập Internet banking hoặc mobile banking để tra cứu và theo dõi các tài khoản của mình và báo ngay cho ngân hàng nếu thấy có dấu hiệu bất thường.

    Lãi suất

    Cách gửi tiết kiệm online thường có lãi suất cao hơn so với cách gửi truyền thống. Nguyên nhân là vì các ngân hàng trực tuyến có chi phí hoạt động thấp hơn.

    Khi một ngân hàng truyền thống cung cấp lãi suất cao cho tài khoản tiết kiệm, thường sẽ yêu cầu khách hàng đáp ứng được những tiêu chí nhất định như số tiền gửi phải đủ lớn, phải duy trì số dư tối thiểu, phải có thêm một tài khoản tại ngân hàng hoặc hạn chế việc giao dịch bằng tài khoản tiết kiệm.

    Khi mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến, hãy so sánh lãi suất giữa các ngân hàng để chọn ngân hàng nào có lãi suất ở mức cao nhất đồng thời có yêu cầu và chi phí ở mức thấp nhất.

    TUYẾT MAI (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gui-tiet-kiem-online-nhung-dieu-can-biet-a135163.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.