(ĐSPL) - Không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ mà ngay cả những "ngân hàng 0 đồng", ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt cũng đã đẩy lãi suất lên mức cao và luôn nằm trong top 5 các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất hiện nay.
Thông tin trên báo Trí thức trẻ, lãi suất huy động đang rục rịch tăng trở lại. Cụ thể, từ ngày 14/6, Viet Capital Bank đồng loạt tăng lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7\% mỗi năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2\% một năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05 - 0,3\% một năm.
Trong biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 8/6, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động (nhận lãi cuối kỳ) kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1\%, từ 5,4\% lên 5,5\%.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi (nhận lãi trước) kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng từ 5,7\% lên 5,8\%. Tương tự, VIB đã áp mức lãi suất huy động mới cho khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng, tăng 0,15\% từ 4,75\% lên 4,9\%.
Tuy nhiên, theo đại diện các ngân hàng, đợt tăng lãi suất lần này không thể hiện xu hướng tăng của thị trường mà mới chỉ manh nha ở một vài ngân hàng và với mức độ tăng rất nhỏ khiến khung lãi suất vẫn chưa thể hồi phục lại như thời điểm trước đó.
Các ngân hàng nhỏ thường đẩy lãi suất huy động lên cao. (Ảnh minh họa). |
Hồi đầu tháng 4, một vài ngân hàng đã gây sốc khi đưa lãi suất lên mức 8,4\%/năm cho kỳ hạn 36 tháng thì tới nay sau nhiều lần điều chỉnh, lãi suất đã về dưới 8\%/năm. Chẳng hạn dù Eximbank nâng lãi suất nhưng mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng chỉ còn 7,5\%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, với điều kiện khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên. Còn ngân hàng OCB, hồi tháng 4 lãi suất cao nhất ở mức 8\%/năm song hiện mức lãi cao nhất chỉ còn là 7,7\%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và 13 tháng.
Thực tế cho thấy, người có tiền nhàn rỗi có thói quen đem gửi các ngân hàng lớn có tiếng tăm quy mô lớn, uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao chẳng hạn như nhóm ngân hàng quốc doanh: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, mặc dù chấp nhận lãi suất thấp hơn.
Đó là nguyên nhân lý giải vì sao số liệu thống kê trong các BCTC, lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng lớn vẫn bỏ xa các ngân hàng top dưới. Vì sao lại như vậy?
Theo tâm lý đám đông, người dân hiện vẫn lo sợ mất tiền nếu chẳng may gửi vào nhóm ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Tuy nhiên, thực tế là dù gửi tiền ở ngân hàng nào, quyền lợi của người gửi luôn được đảm bảo, NHNN sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Chị Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho biết từ trước chị vẫn gửi tiết kiệm vào các ngân hàng lớn bởi theo tâm lý nếu "có chuyện gì xảy ra" thì những ngân hàng bé sẽ dễ bị hơn nên cứ gửi vào ngân hàng lớn cho chắc.
Tuy nhiên thời gian gần đây, khi tìm hiểu kỹ hơn về thị trường, đặc biệt có thêm niềm tin vào thanh khoản của các ngân hàng nhỏ, chị Bình đã mạnh dạn gửi tiền vào các ngân hàng này để hưởng lãi suất cao hơn.
Theo thống kê của người viết, không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ mà ngay cả những "ngân hàng 0 đồng", ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt cũng đã đẩy lãi suất lên mức cao và luôn nằm trong top 5 các ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn nhất hiện nay.
Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những ngân hàng này đang ở tình trạng khát vốn và muốn tạo dựng niềm tin từ phía khách hàng.
Trong khi đó, những ngân hàng lớn có vốn Nhà nước từ trước đến nay khung lãi suất luôn thấp hơn từ 1-1,5\%/năm và khoảng cách ấy ngày càng nới rộng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin