Nguyên nhân khiến thời tiết bất thường
Thời gian vừa qua, nhiều tỉnh thành trên khu vực cả nước (đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa to đến rất to với tổng lượng từ 300 - 400 mm.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), mưa lớn gây lũ cục bộ trên sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực miền núi phía bắc, gây thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất, cơ sở hạ tầng, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai...
Cụ thể, tại khu vực miền núi phía bắc có 11 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 3 người bị thương; hơn 300 ngôi nhà; hơn 170 ha cây trồng và 11 ha nuôi trồng thủy sản, hàng loạt công trình thủy lợi, trường học bị thiệt hại…
Tại khu vực Tây nguyên, mưa lũ, sạt lở đất tàn phá hàng loạt các công trình, đường giao thông tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào chiều 30/7, vùi lấp 3 cán bộ cảnh sát giao thông hy sinh và một người dân thiệt mạng.
Thực tế, thực trạng những năm trở lại đây, tình hình mưa lũ xảy ra liên tiếp và ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở đất, sụt lún đồi núi ở các tỉnh thành trên cả cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây nguyên.
Nguyên nhân đầu tiên là do yếu tố bất thường về thời tiết, tại khu vực Tây nguyên, do nắng nhiều khiến lực dính của đất sét khô và giảm đi. Sau khi nắng, gặp mưa nhiều ngày thì dẫn đến sạt trượt, sạt lở đất.
“Ở miền Bắc nguyên nhân được các chuyên gia đo đạc được là do hiện tượng El Nino. Tuy nhiên ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung thì không đo đạc được sạt lở do hiện tượng trên”, GS Hồng nói.
Tiếp đó, ông Hồng phân tích nguyên nhân sâu sa và được xem là nguyên nhân quan trọng, đó là do tác động của con người.
Hiện nay, tình trạng chuyển đổi đất rừng sang trồng cây lâu năm, phá rừng làm đất ở, xây nhà cửa, công trình; phạt núi làm đường, thiết kế độ dốc không hợp lý cũng gây sạt lở đất, đá về mùa mưa.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng đất phục vụ mục đích nông nghiệp của người dân vô cùng cao. Nhiều người dân có suy nghĩ canh tác nơi nay không hiệu quả thì chuyển nơi khác, đất nhiều đặc biệt là rừng khiến người dân vô tư canh tác mà không nghĩ đến hậu quả. Việc này, cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NN-PTNT nên vào cuộc điều tra, làm rõ.
GS.TS. Vũ Trọng Hồng khẳng định, việc người dân phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đất, lũ lụt. Rừng có chức năng giữ nước, khi rừng không bị tác động thảm thực vật sẽ phát triển. Từ đó khi mưa xuống thì từ những thảm thực vật đó có thể giữ được nước trôi chảy, hạn chế sói mòn gây ra lũ lụt.
"Những điểm sạt lở ở Tây nguyên phần lớn đều không còn rừng nguyên sinh. Thay vào đó là đồi núi trơ trọi hoặc lưa thưa vài cây lấy gỗ, cây ăn quả. Những loại cây này có vòng đời ngắn, dưới gốc chưa kịp hình thành thảm thực vật đã bị chặt hạ. Thực tế câu chuyện này đã được cảnh báo cách đây 20 năm trước”, ông Hồng nói.
Bảo vệ rừng nguyên sinh... hạn chế sạt lở
Từ những nguyên nhân trên, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần đặt ra câu hỏi về vấn đề quản lý rừng và quản lý của địa phương. Khi người dân xâm lấn vào rừng, thậm chí là xây dựng những công trình ở trong rừng thì địa phương phải nắm được.
“Tôi cho rằng, khu vực nào bị sạt lở, lũ quét nhiều thì cần tìm rừng đầu tiên xem rừng có bị mất không? Rừng càng bị thu hẹp thì hậu quả càng khôn lường. Vậy nên đừng đổ lỗi cho thiên nhiên mà hãy xem con người tác động vào rừng thế nào. Các địa phương sẽ nắm rất rõ việc sử dụng đất, khai thác đất bừa bãi của người dân", GS-TS Vũ Trọng Hồng phân tích.
Trần Mỹ Trang