Tuổi trẻ đưa tin, tối 14/5, trao đổi với truyền thông, đại diện UEH cho hay: "Nhà trường vừa chấp thuận đơn của GS.TS Võ Xuân Vinh xin rút tên khỏi hội đồng liêm chính học thuật tại UEH và không tham gia hội đồng giáo sư cơ sở UEH năm 2024".
UEH đã thành lập hội đồng liêm chính học thuật từ năm 2020. Đây là đơn vị thực hiện vai trò thẩm định các khía cạnh đạo đức, khoa học của nghiên cứu, từ đó phê duyệt, nghiệm thu; hỗ trợ các công trình nghiên cứu hàn lâm; cảnh báo thường xuyên những danh mục tạp chí bị loại khỏi Scopus, danh mục nhà xuất bản săn mồi, giả mạo; "bẫy nghiên cứu" có thể mắc phải.
Đơn vị này cũng có trách nhiệm ban hành và chuẩn hóa "Bộ quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học" được áp dụng đối với cộng đồng nhà nghiên cứu trực thuộc UEH và hơn 100 nhà khoa học nước ngoài cộng tác.
Trước đó, ông Võ Xuân Vinh là tác giả thứ 5 trong số 9 tác giả của bài báo khoa học bị tạp chí quốc tế trên gỡ bỏ. UEH đã họp, làm rõ và có biên bản kết luận đối với vụ việc từ tháng 3/2024.
Theo kết luận ban đầu nhà trường cho biết: "UEH đã cân nhắc kỹ càng các luận cứ, bằng chứng và kết luận bài báo bị rút liên quan đến quy trình xử lý của biên tập viên khách mời và hoạt động bình duyệt của tạp chí.
Cá nhân ông Vinh không nhận tài trợ/thưởng từ nhà trường cho bài báo này. Ông Vinh cũng đã đưa được các minh chứng về việc bị lạm danh. Đây là trường hợp rút bài báo nghiên cứu có liên quan đến quyền tác giả".
Nhà trường đề nghị ông Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác công bố quốc tế của cá nhân. Ông Vinh cần có chính sách quản lý và cơ chế kiểm soát chặt chẽ mạng lưới các chuyên gia nghiên cứu cộng tác rộng khắp của đơn vị trên cơ sở bộ quy tắc của hội đồng liêm chính học thuật để tránh xảy ra vụ việc tương tự.
Tuy nhiên sau đó, dữ liệu một số bài báo của các nhà khoa học, trong đó có ông Vinh là tác giả liên quan đến những bài báo bị tạp chí quốc tế gỡ bỏ bất ngờ biến mất trên thư viện online UEH.
GS.TS Võ Xuân Vinh là "nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam", 1 trong 4 người Việt Nam lọt "top 1% được trích dẫn nhiều nhất thế giới" của Clarivate.
Đồng thời, ông nằm ở vị trí thứ 8 trong danh sách 47 người Việt vào "top nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới" trong bảng xếp hạng của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Hoa Kỳ).
Giáo sư là thành viên hội đồng biên tập nhiều tạp chí khoa học quốc tế có uy tín có xếp hạng cao như International Review of Financial Analysis (ISI, Scopus, hạng A), Journal of Behaviorial and Experimental Finance (ISI, Hạng A), Singapore Economic Review (ISI, hạng B), Eurasian Economic Review (Scopus), Journal of Economic Development (Scopus), Journal for Global Business Advancement (Scopus).
Ngoài ra, Giáo sư cũng là đồng tổng biên tập của chuỗi sách chuyên khảo quốc tế: Vietnam and the Global Economy được công bố bởi nhà xuất bản World Scientific Singapore nhằm mục tiêu giới thiệu các nghiên cứu kinh tế của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
GS.TS Võ Xuân Vinh là thành viên ban điều hành của nhiều Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực khoa học kinh tế và kinh doanh.
Ông Vinh từng là thành viên Hội đồng khoa học ngành kinh tế của Quỹ Nafosted giai đoạn 2016-2021.
GS.TS Võ Xuân Vinh đã từng tham gia nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học New South Wales, Australia và Đại học Western Sydney, Australia. Ông cũng đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở các vị trí quản lý cấp cao ở các công ty, tập đoàn và các ngân hàng lớn, theo Dân Trí.