Bộ Y tế vừa phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức hội thảo góp ý Hồ sơ xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính vào ngày 8/12 nhằm hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam; các cơ quan Bộ/ ngành; các Vụ, Cục, bệnh viện thuộc bộ Y tế, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe đại diện bộ Y tế (vụ Pháp chế) trình bày nội dung chính của dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và một số vấn đề cần xin ý kiến; nghe chia sẻ một số nội dung của các chuyên gia trong và ngoài nước như:
Tổng quan chung pháp luật các nước quy định về chuyển giới tính; Tiêu chuẩn quốc tế và pháp luật một số nước trên thế về chuyển đổi giới tính; Hiện trạng thừa nhận giới tính pháp lý của người chuyển giới trên thế giới; chia sẻ Pháp luật của nước CHLB Đức về vấn đề chuyển đổi giới tính; Pháp luật của Cộng hòa Argentina về vấn đề chuyển đổi giới tính…
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng bộ Y tế cho biết, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới (viết tắt tiếng Anh: LGBT) là vấn đề không còn quá mới mẻ trong đời sống xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, việc nhận thức một cách đầy đủ về cộng đồng LGBT trong xã hội còn nhiều hạn chế. Mặt khác, các yếu tố chính trị, lịch sử, truyền thống văn hóa, xã hội, định kiến, sự kỳ thị… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cộng đồng LGBT.
Ngày 21/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) công nhận quyền được chuyển đổi giới tính.
Tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong đó có sự thay đổi tư duy về công nhận sự đa dạng về giới. Quy định đó cũng là thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 tôn trọng quyền con người. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự chưa đề cập đến điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền được chuyển giới, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khoẻ người chuyển giới như thế nào...
“Đây là cả vấn đề lớn liên quan đến quyền con người, là đối tượng điều chỉnh của một luật riêng. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, nhân văn của hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến người chuyển giới cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm tạo sự bình đẳng về các quyền, lợi ích hợp pháp của con người”, lãnh đạo bộ Y tế nhấn mạnh,
Tại Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 đã giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi giới tính.
Hiện nay, Dự thảo Luật Chuyển đối giới tính đang trong giai đoạn xây dựng Hồ sơ đề nghị Chính phủ thông qua chính sách để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022-2023.
Theo đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ tập trung vào các thành phần hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, ý kiến góp ý về các chính sách của Luật, để khi Luật Chuyển đối giới tính được ban hành sẽ có thể đi vào cuộc sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.
PV