Ngày 21/4, tòa án quận Tagansky ở Moscow, Liên bang Nga, Nga, thông báo đã phạt hãng công nghệ Google 11 triệu ruble (137.763 USD) vì không xóa các thông tin "giả" và video do các nhóm cực hữu của Ukraine đăng tải.
Trước đó, hồi đầu tháng 4, Cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor của Nga cho biết cơ quan này đang triển khai các bước để trừng phạt Google vì đã "phát tán tin giả" trên nền tảng chia sẻ video YouTube, và trước đó đã cảnh báo hãng công nghệ của Mỹ rằng Moscow sẽ áp đặt hình phạt nếu công ty này không tuân thủ luật pháp Nga.
Theo TASS, Moscow cho rằng Google phát tán nội dung không chính xác về tổn thất của quân đội Nga và thương vong dân sự ở Ukraine, cũng như những video trên YouTube do các nhóm cực hữu thân Ukraine sản xuất.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 4/3 cũng đã ký ban hành luật áp dụng các án phạt tù lên đến 15 năm đối với đối tượng đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga.
Hồi tháng 12/2021, một tòa án ở Moscow cũng từng phạt “gã khổng lồ tìm kiếm” Google số tiền lên đến 7,2 tỷ RUB (98 triệu USD) vì liên tục phớt lờ yêu cầu xóa bỏ nội dung bị Nga coi là bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, tòa án Nga đã phạt Meta (và công ty con là Instagram) số tiền 2 tỉ rúp (27,15 triệu USD) vì các tội danh tương tự. Theo Reuters, Meta bị cáo buộc không xóa khoảng 2.000 mục bị cấm trong khi Google được cho là đã không gỡ xuống được 2.600 mục nội dung bất hợp pháp. Các nội dung này bao gồm các bài đăng quảng bá việc sử dụng ma túy hoặc các hành vi nguy hiểm, hướng dẫn chế tạo vũ khí và chất nổ tùy biến, cũng như bất kỳ thứ gì liên quan đến các phần tử cực đoan hoặc khủng bố. Bên cạnh đó, Google cũng để lan truyền các nội dung tuyên truyền đồng tính.
Trong năm 2021, Nga đã áp dụng nhiều khoản phạt nhỏ đối với các công ty công nghệ nước ngoài, tuy nhiên án phạt này đánh dấu lần đầu tiên nước này xác định mức phạt dựa trên doanh thu hàng năm của các công ty tại Nga, qua đó làm tăng đáng kể số tiền phạt.
Tháng 7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua luật mới, yêu cầu các công ty công nghệ thông tin nước ngoài phải mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Nga. Nếu vi phạm sẽ bị chặn một phần hoặc toàn bộ hoạt động. Quy định mới sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Mộc Miên (T/h)