(ĐSPL) - Liên quan đến việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sau ngay 1/6, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có 2 đề xuất quan trọng.
Thông tin trên Trí thức trẻ, Ngân hàng Nhà nước vừa có Công văn số 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 trình Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn Chương trình theo hai điểm chính:
Thứ nhất, cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016. Tổng số tiền tái cấp vốn khoảng 32.738 tỷ đồng (bao gồm dự kiến số tiền tái cấp vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến thời điểm 1/6/2016 và số tiền cam kết nhưng chưa giải ngân hết của khách hàng cá nhân).
Thứ hai, dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/5/2016 Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 3955/NHNN-TD chỉ đạo các ngân hàng tham gia Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP: kể từ ngày 01/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và ngân hàng theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016...(Ảnh minh họa). |
Thông tin trên báo VTC News, Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), đề xuất nêu trên của Ngân hàng Nhà nước rất tích cực, nhưng đối chiếu với tình hình thực tế thì chưa đầy đủ và chưa giải quyết được hết các nhu cầu chính đáng của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi.
Chính vì thế, HoREA đề nghị cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình theo điều kiện và tiến độ giải ngân của hợp đồng tín dụng (không giới hạn đến ngày 31/12/2016 như đề xuất của Ngân hàng Nhà nước).
Bởi lẽ có nhiều dự án có thời hạn giao nhà sau ngày 31/12/2016, nếu không được giải ngân thì người vay sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn vì khó tìm được nguồn vốn vay thay thế; nếu chuyển sang vay theo phương thức thương mại thì lãi suất vay có thể tăng gấp đôi; nếu vay ngoài xã hội thì lãi suất còn cao gấp nhiều lần.
Hơn nữa, theo Luật Kinh doanh bất động sản, sau khi nhận nhà thì người mua phải thanh toán đến 95\% giá trị hợp đồng; 5\% còn lại chỉ thanh toán sau khi người mua nhà nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Do vậy, nếu kết thúc giải ngân vào ngày 31/12/2016 thì không phù hợp với thực tế vận hành của thị trường bất động sản và chưa đảm bảo được quyền lợi của người vay gói tín dụng ưu đãi.
Thứ hai, HoREA đề nghị cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/03/2016 đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với điều kiện căn hộ của dự án đó đã bán cho khách hàng mà người mua nhà đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016.
Bởi hầu hết các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội thuộc diện nêu trên đều đã được chủ đầu tư ký hợp đồng bán nhà cho người tiêu dùng, trong đó có nhiều người đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng. Do vậy, cần kiểm tra nắm chắc tình hình thực tế của từng dự án để xử lý cho phù hợp.
Nếu chủ đầu tư chưa bán căn hộ cho người tiêu dùng thì có thể dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng và hướng dẫn chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn đầu tư nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; và Thông tư 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu chủ đầu tư đã bán căn hộ cho người tiêu dùng và người tiêu dùng đã ký hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng trước ngày 31/03/2016 thì tùy theo số lượng hợp đồng tín dụng đã ký để xem xét giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng với giá trị phù hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành công trình để bàn giao nhà cho khách hàng.
Hơn nữa, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này; và trên thực tế theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước thì cho đến ngày 10/05/2016 các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng, vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên. Do vậy, Hiệp hội kính mong Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận ý kiến đề xuất của Hiệp hội để giải quyết có lý có tình và người vay gói tín dụng ưu đãi yên tâm.
Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 10/05/2016, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỷ đồng với 56.240 khách hàng; Tính đến ngày 20/05/2016, tổng số tiền đã giải ngân là 26.733 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho khách hàng cá nhân là 21.667 tỷ đồng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin