(ĐSPL) - Đề nghị giải ngân tiếp gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở của NHNN vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Tại văn bản của văn phòng Chính phủ nêu rõ: Xét đề nghị của NHNN Việt Nam tại công văn số 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 và ý kiến của Hiệp hội Bất động sản TP HCM ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của NHNN tại công văn nêu trên.
Thủ tướng cũng giao NHNN chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.
Trước đó, ngày 30/5/2016, NHNN đã có công văn số 3954/NHNN-TD trình Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Cụ thể, NHNN đề xuất: Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016. Tổng số tiền tái cấp vốn khoảng 32.738 tỷ đồng (bao gồm dự kiến số tiền tái cấp vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến thời điểm 1/6/2016 và số tiền cam kết nhưng chưa giải ngân hết của khách hàng cá nhân).
Đề nghị giải ngân tiếp gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở của NHNN vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. (Ảnh minh họa). |
Chương trình tín dụng 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP trong thời gian qua đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho các cá nhân, hộ gia đình cải thiện về chỗ ở. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ này là cần thiết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 1013/2016 về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Cụ thể lãi suất cho vay ưu đãi là 4,8\%/năm, tương đương 0,4\%/tháng. Đối với khoản nợ quá hạn, lãi suất được tính bằng 130\% lãi suất khi cho vay.
Theo quyết định trên, đối tượng được vay ưu đãi là người thu nhập thấp, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức… Người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80\% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70\% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70\% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Theo chương trình cho vay nhà ở xã hội, thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; trường hợp khách hàng vay muốn vay với thời hạn ngắn hơn có thể thỏa thuận với ngân hàng. Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp, không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là năm năm; chỉ được bán lại, cho thuê sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nhiều ý kiến đánh giá Quyết định số 1013 là kịp thời bởi những người mua nhà ở xã hội là những đối tượng có nhu cầu thật. Đồng thời qua đó cũng góp phần kích cầu thị trường bất động sản. Chị Tuyết Lan, nhân viên một công ty da giày ở quận 2, TP.HCM, chia sẻ: “Ngay khi biết thông tin có gói tín dụng mới, gia đình tôi thật sự mừng. Bởi với lãi suất thấp hơn cả gói 30.000 tỉ đồng thì những gia đình có thu nhập thấp như chúng tôi vẫn có cơ hội để sở hữu căn hộ.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay người mua nhà vẫn chưa thể tiến hành vay vốn được do cả Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng được chỉ định cho vay nói trên chưa triển khai cho vay. Trong khi đó, thời gian để vay ưu đãi không còn nhiều, chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là hết hạn.
Theo Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến chương trình nhà ở xã hội chưa triển khai được là do vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, mặc dù đã có quy định mức lãi suất cho vay 4,8\%/năm nhưng hiện vẫn chưa có nguồn vốn thực hiện.
Còn các ngân hàng khác thậm chí chưa biết mức lãi suất là bao nhiêu vì NHNN chưa thông báo và có các văn bản hướng dẫn cụ thể. Sự chậm trễ trong việc đưa ra mức lãi suất, ban hành các văn bản hướng dẫn của NHNN đang khiến doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà gặp khó.
Tuyết Mai
Nguồn: Người đưa tin