Theo Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek... hay còn gọi là đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh, sẽ thay đổi.
Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
Trao đổi với Truyền hình Đời sống Pháp luật, Luât sư Lê Văn Kiên - Trưởng phòng văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý chia sẻ: “Như Grab hoặc Be,...trước đây họ đánh thuế 3% đối với tài xế. Hiện nay theo nghị định 126, tất cả cuốc xe các tài xế sẽ phải chịu 10% thuế. Thực ra, nếu đánh thuế như vậy so với trước thì đương nhiên đội ngũ xe ôm công nghệ sẽ rất khó, vì bản chất việc đánh thuế VAT 10% là xử lý vào doanh nghiệp, là những người kê khai thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại trừ trực tiếp vào doanh thu của những người tài xế. Rõ ràng trong trường hợp này, khi giá xe công nghệ cao hơn giá của xe ôm truyền thống thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn xe ôm truyền thống".
Luật sư Lê Văn Kiên: "Những người lái xe ôm công nghệ sẽ vào thế bất lợi và theo đó doanh thu sẽ bị giảm”. |
Khi nghị định được đưa ra lại gặp phải những phản đối vô cùng mạnh mẽ, từ những lái xe ôm công nghệ. Các lái xe đã có một cuộc biểu tình để phản đối doanh nghiệp tăng chiết khấu VAT từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mới đây nhất là tại Đà Nẵng. Nhiều tài xế chạy xe công nghệ cho rằng, thực chất họ chỉ là người chạy xe ôm, đi bán sức lao động kiếm tiền nên thu thuế 10% trên doanh thu là bất công. 90% xe ôm công nghệ đang có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Mức thu nhập, nếu trừ chi phí, thậm chí, chỉ đủ sống. Nhưng từ lâu, họ đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân - không giảm trừ gia cảnh như những ngành nghề khác.
Một tài xế taxi Grab trao đổi với phóng viên Truyền hình Đời sống Pháp luật cho biết: “Khi tính ra phí chiết khấu quá cao sẽ tạo ra một làn sóng mà nhiều anh em làm tài xế xe công nghệ sẽ cảm thấy bất mãn vì thu nhập giảm đi nhiều. Cái tăng một chút của khách hàng không thấm vào đâu so với cái phí mà lái xe đang phải chịu, tính ra là khá nhiều".
Và giờ đây, cách đánh thuế mới, doanh thu sẽ giảm tiếp 7,3%, mồ hôi và công sức của những người lái xe công nghệ sẽ còn rẻ hơn nữa.
Giáo sư Bích San - Chuyên viên kinh tế cho hay: “Tôi cho rằng để có sự bình đẳng giữa các ngành khác nhau, giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ thì tất cả mọi người cần phải đóng thuế. Người ta phải đóng thuế để đóng góp xây dựng đất nước. Đặc biết nhất là trong thời buổi dịch Covid như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phá sản khá nhiều và suy thoái khá mạnh, cơ hội việc làm theo đó mà mất rất nhiều. Vậy bây giờ việc đánh thuế VAT 10% vào tài xế công nghệ có thể làm hạn chế sự phát triển hay gây sự khó khăn thêm cho nền kinh tế trong đại dịch Covid là điều tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ cần phải tính toán cho đúng thời điểm và mức đánh thuế là bao nhiêu cho phù hợp.
Giáo sư Bích San: "Mức độ đóng thuế là bao nhiêu và khi nào là điều mà các cơ uqan phải cân nhắc kỹ lưỡng" |
Ngoài ra, Luật sư Lê Văn Kiên chia sẻ thêm: “Thực tế Nhà nước đánh thuế vào doanh nghiệp kê khai thuế, nhưng thực chất người chịu thuế suy cho cùng chính là khách hàng sử dụng dịch vụ”.
Khi chúng ta đang phải đối mặt với dịch Covid, bức tranh kinh tế cũng vì thế mà trở nên u ám hơn. Song song với việc thực hiện các quy định của Nhà nước doanh nghiệp cũng cần đặt lợi ích của người lao động sao cho thật hài hòa và hợp lý. Tuy nhiên sau mỗi Nghị định được ban hành đều sẽ còn những bất cập nhất định khi chưa đi vào thực tiễn. Vậy nên bản thân người lao động cũng cần bình tĩnh, đóng góp ý kiến đến với Cơ quan truyền thông để sau mỗi quy định có thể hoàn chỉnh một cách phù hợp nhất.
Để tiếp tục với những vấn đề xoay quanh Nghị định 126, Truyền hình Đời sống Pháp luật sẽ gửi đến quý vị và các bạn trong bài tiếp theo.