(ĐSPL) - Sau cái chết của thợ lặn Lê Văn Ng. (47 tuổi, trú thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), gần 100 thợ lặn làm việc tại KCN Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đồng loạt nghỉ việc... Trở về quê hương, họ làm đủ nghề để mưu sinh, cũng có người không chịu nổi cuộc sống cơ cực, cảnh đàn con thơ nheo nhóc đói khổ đành bất chấp Giúp đỡ gia đình nguy hiểm trở lại Vũng Áng tiếp tục lặn biển kiếm sống.
Anh Lê Văn Thanh, một thợ lặn từng làm việc ở KCN Vũng Áng nay vẫn đang thất nghiệp. |
Những ánh mắt buồn nơi miền biển nghèo
Trở về miền biển Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, một buổi sáng đầu tháng Bảy, đập vào mắt chúng tôi là những mẻ lưới xanh rì trải dài khắp con đường bê tông liên thôn. Mặc ánh nắng chói chang phủ kín người, những người đàn ông miệng phì phèo điếu thuốc, tay thoăn thoắt đan lưới... Tưởng như nhịp sống đã trở lại bình thường nơi vùng quê nghèo, nhưng dường như trong ánh mắt họ vẫn chất chứa đầy tâm sự, những mũi kim đôi lúc lại lạc nhịp, đành gỡ ra, cặm cụi xâu lại từ đầu. Hỏi ra mới biết, họ là những người thợ lặn mới trở về từ KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) cách đây mấy tháng và họ chỉ mới bắt đầu tập tành công việc mới mẻ này...
Hướng ánh mắt nhìn về phía bờ biển, anh Nguyễn Văn Trung (41 tuổi, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) trải lòng: “Ở đây nghề lặn được truyền từ đời này qua đời khác. Chúng tôi theo nghề thợ lặn từ khi mới 16, 17 tuổi. Hết Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) lại ra Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Phú Quý (tỉnh Quảng Ngãi) lặn sò, ốc tai tượng... Khoảng mấy năm trở lại đây, thu nhập từ nghề lặn khá bấp bênh, nên khi nghe KCN Vũng Áng ở Hà Tĩnh tuyển thợ lặn, trả lương cao, anh em liền rủ nhau ra đó nộp đơn xin việc và được công ty CP Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế - Nibelc (đóng tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nhận vào làm. Sau khóa đào tạo ngắn hạn, chúng tôi được cấp chứng chỉ rồi vào làm việc chính thức”.
Đội lặn gồm 80 người, chia ra nhiều ca, kíp được trang bị đầy đủ trang thiết bị đồ lặn, thay nhau lặn xuống độ sâu khoảng 10-13m. Công việc chính là dọn quang đáy biển, đá sau khi đổ xuống biển được thợ lặn san phẳng để làm sàn đổ bê tông phục vụ làm công trình đê chắn sóng cho cảng Sơn Dương thuộc KCN Formosa – Vũng Áng. Nói chung, phương tiện bảo hộ tương đối an toàn, công nhân được lo chỗ ăn, chỗ ở, công việc tuy vất vả, nhưng lương mỗi tháng tầm 20 triệu đồng/người nên nhờ đó cuộc sống vợ con ở quê cũng đỡ khổ hơn, nhiều người còn xây được nhà, mua được xe máy...
Tuy nhiên đó chỉ là ảo ảnh của quá khứ, hiện tại phũ phàng hơn nhiều. “Khoảng đầu tháng Tư, tất cả thợ lặn trực tiếp tham gia lặn thi công đê chắn sóng tại KCN Vũng Áng đều cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, ngực đau tức dữ dội. Cùng với việc cá chết hàng loạt, đặc biệt những loại cá tầng đáy như cá chình, cá đuối... cũng chết khiến tâm lý anh em dao động, bất an nên đồng loạt nghỉ việc. Để trấn an công nhân, lãnh đạo công ty Nibelc hứa hẹn ngày 25/4 sẽ đưa công nhân đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên chưa kịp thực hiện thì chiều 24/4, anh Lê Văn Ng. đã tử vong. Quá hoảng sợ nên anh em thợ lặn đồng loạt nghỉ việc trở về quê sinh sống”, anh Trung nhớ lại.
Trao đổi với PV, anh Lê Văn Thanh (37 tuổi, trú thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy), một thợ lặn từng làm việc tại Vũng Áng trình bày, một số ít trong đội lặn chúng tôi được công ty Nibelc đưa vào bệnh viện Trung ương Huế khám. Kết quả khám cho thấy chỉ số đồng trong máu của một thợ lặn cao gấp đôi so với người bình thường. Nghe vậy, anh em chúng tôi kẻ ra Huế, Đà Nẵng người vào Sài Gòn khám xem như thế nào. Bác sỹ bảo chưa phát hiện điều gì quá bất thường, nhưng về lâu về dài cũng chưa chắc có ảnh hưởng gì không. Cũng vì lo cho tính mạng mình nên anh em đành nghỉ việc, thà ở nhà kiếm đường khác mưu sinh còn hơn “bán mạng” mưu sinh.
Chị Đỗ Thị Hòa (47 tuổi, trú thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy), vợ thợ lặn Lê Văn Ng., mếu máo: “Anh ấy là lao động chính trong gia đình, anh ra đi để lại hai con nheo nhóc, nhà cửa thì xập xệ xuống cấp trầm trọng, cuộc sống hiện tại của gia đình chỉ trông chờ vào gánh hàng ăn vặt mỗi buổi sáng của tôi nên rất khó khăn. Trong khi đó, từ khi sự việc xảy ra, phía Công ty chỉ hỗ trợ chi phí mai táng, còn hứa sau này sẽ hỗ trợ thêm nhưng từ đó đến nay đại diện Công ty cũng biệt tăm... Không biết cuộc sống của mấy đứa con, cháu sẽ trôi về đâu đây...”.
Vạn nẻo mưu sinh...
Anh Nguyễn Văn Truân (41 tuổi, trú tại phường Ninh Thủy, một thợ lặn từng làm việc tại KCN Vũng Áng), phản ánh, sau cái chết của anh Ng., ai mà chẳng sợ, sợ đến nỗi lúc đó tất cả thợ lặn chúng tôi đều đồng loạt bỏ việc “chạy” về quê. Ai cũng tất tưởi đi vào Nam, ra Bắc khám bệnh... “Lúc mới từ Hà Tĩnh về, toàn thân tôi ngứa ngáy, đau tức ngực nghe nói uống rễ cây, thuốc bắc, đậu xanh trị ngứa, đỡ tức ngực liền làm theo. Song, chúng tôi không hết chứng bệnh. Vậy là, người khoẻ thì đi làm phụ hồ nuôi con, người thì đi đan lưới thuê còn lại đa số đang thất nghiệp ở nhà... đời sống rất khó khăn”, anh Truân thật thà nói.
Chị Nguyễn Thị Thủy (36 tuổi, trú thôn Thủy Đầm, phường Ninh Thủy), vợ một thợ lặn làm việc tại Vũng Áng cho biết, đợt trước chồng chị làm ngoài đó lương cũng khá, nhưng mấy tháng trước anh điện vào kêu đi làm về ngứa, rồi nằm ngủ đau tức ngực. Chị gửi thuốc trị ngứa ra cho anh nhưng anh bôi vào cũng không hết. Nên đến cuối tháng Tư thì anh nghỉ việc về đây ở hẳn, sức khỏe cũng chưa ổn định hẳn nên bữa giờ ở nhà trông con, chứ cũng chưa tìm được việc làm mới...
Trao đổi qua điện thoại, anh Lê Văn Giờ (44 tuổi, trú thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy) chia sẻ: “Gương anh Ng. rành rành ra đó nhưng lực bất tòng tâm. Bởi nếu về quê thì chẳng có việc gì làm, thất nghiệp ngồi không một chỗ, bao nhiêu khoản phải lo toan mà tiền đâu ra. Mẹ thì già yếu, con thì đông, không đi làm lại lấy gì để sống... Vậy nên tôi đành quay trở lại làm việc chứ biết sao giờ...”.
Nghe con trai nói qua loa điện thoại, bà Mông Thị Nhiễu (76 tuổi, trú thôn Bá Hà 1, phường Ninh Thủy) không cầm được nước mắt: “Mẹ mất đi một đứa con ở biển Vũng Áng rồi, nghe thằng Giờ đòi đi làm lại nước mắt ngắn, mắt dài ngăn cản nhưng không được. Nó bảo biết là nguy hiểm đến sức khỏe chả biết đâu mà tính nhưng mà không đi làm thì vợ con lấy chi ăn... Nghe vậy, tôi đành để nó đi chứ không biết làm sao hết...”.
Theo tìm hiểu của PV, cả thôn Bá Hà có 38 thợ lặn từng làm việc tại Vũng Áng, sau sự việc liên quan đến thợ lặn Ng. thì tất cả họ đều trở về quê sinh sống. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng đã có khoảng 10 người trở lại nghề cũ để mưu sinh.
NGUYỄN HƯNG