+Aa-
    Zalo

    Góc khuất sau đám cưới chồng ngoại: Ứng viên lấy chồng Hàn bật mí kỹ nghệ trúng tuyển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần đây, các cô gái Việt lấy chồng ngoại không còn xa lạ. Tuy nhiên, nhiều cặp đến với nhau không từ tình yêu mà thông qua môi giới bất hợp pháp ẩn chứa quá nhiều rủi ro.

    Những năm gần đây, các cô gái Việt lấy chồng ngoại không còn xa lạ. Ở một vài vùng miền chuyện này còn là mốt, là cuộc làm ăn sòng phẳng. Đã có hàng nghìn cô dâu kết hôn và sống hạnh phúc nơi xứ người.

    Tuy nhiên, nhiều cặp trai Hàn, gái Việt đến với nhau không từ tình yêu mà thông qua môi giới bất hợp pháp ẩn chứa quá nhiều rủi ro. Không ít cô gái chưa kịp đổi đời đã phải chịu kiếp bẽ bàng.

    Trong đợt công tác các tỉnh miền Nam, tôi tình cờ gặp Thảo. Biết tôi đăm đắm với chuyện các cô gái lấy chồng Hàn chỉ “sau 1 nốt nhạc”, Thảo chẳng nói chẳng rằng kéo tôi đến một nhà hàng tiệc cưới tại quận 11 (TP. HCM).

    Phỏng vấn chớp nhoáng

    Địa điểm Thảo chọn là một nhà hàng có cái tên khá dài (H.V.N.B) trên đường Hòa Bình, quận 11. Lúc đó chừng 10h sáng, phòng tiệc đã dập dìu các bóng hồng trang điểm lòe loẹt, trong những bộ váy áo nhiều màu sắc nhưng vẫn lộ vẻ chân chất đến tội nghiệp. Cô bạn tôi ghé tai: “Các ứng viên cô dâu Hàn đấy”.

    Các cô gái đang chờ rể đến chọn.

    Tôi chợt thấy xót xa, nhiều em còn rất trẻ, đang độ trăng tròn, nguyên do gì để phải vào chỗ này cho người ta chọn lựa như chọn một món hàng. Rồi cuộc sống xứ người sẽ ra sao sau cái gật đầu của người đàn ông xa lạ đáng tuổi cha chú, thậm chí tuổi ông mình?

    Chúng tôi lặng lẽ bước vào phòng gặp mặt. Trong lúc chờ đến lượt phỏng vấn, các cô gái nói chuyện rôm rả, mách nhau những kinh nghiệm để “trúng tuyển”. Tôi chợt chú ý đến một cô gái da ngăm ngăm, dáng đậm nhưng tỏ vẻ sành sỏi.

    Cô gái giới thiệu mình là Hồng, (SN 1997, quê Bến Tre). 3 lần tham gia “dự tuyển” trước, cô đều bị loại. Lần này, bỏ công tắm trắng, tẩy răng, học tiếng, cô bảo tự tin hẳn.

    Theo lời ứng viên “toàn trượt” này, phần đông chú rể Hàn đều căn cứ vào ngoại hình, tuổi tác để chọn vợ. Có ông thích gái trẻ chưa có gia đình, có vị lại thích phụ nữ từng trải để được chiều chuộng. Họ săm soi các cô gái như một thứ hàng hóa bởi người ta có tiền nên có quyền, tha hồ chọn: "Em muốn thay đổi cuộc đời nên bằng mọi giá kiếm ông nào có tiền để bớt khổ, biết đâu cha mẹ được hưởng lây."

    Bằng kinh nghiệm bản thân, Hồng khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Ôi dào, phỏng vấn chỉ mang tính tượng trưng, hầu hết ứng viên ở đây đều là gái quê, ít học vấn, cũng chẳng nghề nghiệp, chỉ cần vừa mắt là OK."

    Bấm tuổi để chọn vợ

    Đoàn chú rể Hàn hôm đó có khoảng hơn 10 vị. Một ông chừng 45 tuổi, bước ra tự giới thiệu tên S., là người phiên dịch. Trước đó, tôi để ý thấy ông này ngồi quan sát và trao đổi gì đó với nhóm rể người Hàn.

    Một lúc sau có một phụ nữ trung tuổi, áo sẫm màu đi quanh phòng chụp hình từng người một. Bà ta yêu cầu các cô gái tự giới thiệu chi tiết về bản thân như họ tên, quê quán, anh em trong nhà, tình trạng hôn nhân. Sau khi các ứng viên nói xong, ông phiên dịch nhanh chóng dắt chú rể vào, giới thiệu sơ yếu lý lịch. Qua giới thiệu của ông S., chú rể năm nay tròn 42 tuổi, làm nghề lái xe tải, có hộ khẩu tại Bu San (Hàn Quốc).

    Ông S. nhấn mạnh: “Anh này chưa vợ, chỉ lấy những cô gái chưa lập gia đình, không vướng bận gì hết. Làm nghề lái xe chuyên nghiệp, thu nhập khá cao, nhưng lấy về thì phải ở chung với bố mẹ chồng”.

    Quay nhìn một lượt các gương mặt ngơ ngác, ông S. trấn an: “Bố mẹ anh này rất dễ tính, các em không có gì phải e ngại. Lần này sang Việt Nam, chú rể rất muốn lấy được vợ ưng ý”.

    Trong đoàn rể có một người phụ nữ gốc Hàn đi cùng. Người này bước đến nhìn tận mặt, ngắm cả lòng bàn tay, móng tay các cô gái mà không nói gì. Sau khi tìm hiểu, được biết đó là thầy tướng số, đi theo để xem cô dâu sẽ hợp với người nào thì họ mới tiến hành mai mối.

    Thật tình cờ, Thảo và tôi được ông S. hướng dẫn đi vào một phòng khác gần đó. Những cô còn lại xuống sảnh dưới ngồi chờ rể khác đến xem mặt.

    Ông S. bảo hai chúng tôi đã được chú rể 42 tuổi lựa chọn. Lý do chọn cả hai, theo lời ông phiên dịch, nếu cô nào ưng thì hai người sẽ tìm hiểu, đi chơi với nhau mấy ngày rồi làm đám cưới luôn. Không ưng thì thôi, không ai ép uổng cả.

    Lấy lý do không, tôi từ chối tìm hiểu tiếp. Người đàn bà áo sẫm màu khuyên tôi kiên nhẫn sẽ gặp “người trong mộng” rồi bà ta chỉ tôi xuống tầng dưới để chờ gặp chú rể khác. Tại đây, các cô gái vẫn ngồi đó với vẻ mặt căng thẳng trong khi một người đàn ông Hàn khoảng 60 tuổi liên tục chụp hình họ ở nhiều góc độ khác nhau.

    Sau một hồi nheo mắt ngắm nghía các ứng viên, người đàn ông này vẫy tay ra hiệu cho tôi đến góc phòng, bắt tôi đứng làm dáng đủ kiểu để chụp hình rồi quay qua nói với người phiên dịch bảo tôi ngồi chờ, sẽ có người đến coi mắt.

    Tôi lân la hỏi chuyện người phiên dịch và được biết anh này làm trong lĩnh vực quảng cáo, tính ra tiền Việt lương trên dưới trăm triệu, nhà xe đủ cả. Thông tin ấy khiến các cô gái có mặt hào hứng hẳn.

    Tôi bắt chuyện với cô gái tên Lâm, 20 tuổi, quê Tiền Giang (theo lời giới thiệu của Lâm). Thấy tôi nói đi kén rể lần đầu, Lâm tư vấn: "Muốn tìm được rể tốt thì phải chọn “cò” có máu mặt. “Cò” sẽ biết chắc chắn mối “ngon” để chúng ta có cơ hội đổi đời thật sự. Em vừa “đút” cho ông phiên dịch mấy trăm ngàn, không biết hôm nay có nên cơm cháo gì không hay lại mất toi."

    Trong lúc chờ “rể” xem mặt, tôi hỏi anh phiên dịch về các thủ tục nếu tôi được chọn. Người này nói như một cái máy. Theo anh ta, sau khi phỏng vấn, hai người sẽ đi ăn uống vui chơi, tìm hiểu kỹ hơn về gia cảnh, thói quen, sở thích... (có phiên dịch đi cùng). Tiếp đó, môi giới lập tức tiến hành phần thủ tục giấy tờ để có thể thành vợ chồng hợp pháp. Tôi ra bộ gật đầu, nói kiên nhẫn chờ kiếm chồng bằng được mới thôi.

    Qua quan sát, cuộc gặp mặt được tổ chức như kiểu một tiệc cưới quy mô nhỏ. Cô gái nào được chọn, sẽ tổ chức một tiệc ngay tại nhà hàng với những thực khách là các ứng viên có mặt tại đó. Tuy nhiên, nhìn kỹ, trên bàn tiệc chỉ bày nước suối, nước ngọt, “thực khách” hầu như không chú ý đến ăn uống mà chỉ mải mê tìm kiếm cho mình đối tượng phù hợp để kết đôi.

    (Còn tiếp)

    Thanh Hương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goc-khuat-sau-dam-cuoi-chong-ngoai-ung-vien-lay-chong-han-bat-mi-ky-nghe-trung-tuyen-a206692.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan