Nhật Bản được thế giới ngưỡng mộ bởi một nền kinh tế phát triển thần tốc và những con người trung thực, chăm chỉ. Tuy nhiên, cái giá phải trả cũng rất đắt.
Xã hội hiện đại Nhật Bản là một bức tranh nhiều màu sắc. Các câu chuyện về sự dũng cảm, tinh thần chăm chỉ và trung thực của con người đan xen với hàng loạt bài báo về nhiều vụ giết người dã man. Một ngành công nghệ phim khiêu dâm nổi tiếng thế giới được sáng tạo từ những con người đang ngày đêm làm việc đến chết. Những căn bệnh tâm lý đáng sợ đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội Nhật.
Hikikomori – những người câm biết nói
Hikikomori là khái niệm để chỉ những người mắc hội chứng sợ hãi giao tiếp xã hội. Họ tự tách mình khỏi cộng đồng, không ra khỏi nhà và chỉ dành toàn bộ thời gian để chơi trò chơi trên máy tính, đọc sách hoặc nói chuyện một mình.
Hiện nay, số lượng hikikomori ở Nhật ước tính lên tới hơn nửa triệu người ở mọi độ tuổi và ngành nghề. Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ cho các trẻ vị thành niên mắc hội chứng này bao gồm gia sư tại nhà, người hỗ trợ các kỹ năng mềm hoặc huấn luyện viên thể thao. Tuy nhiên, kết quả chưa thực sự như mong đợi.
Một hikikomori lớn tuổi tại Nhật - Ảnh: Reuters |
Một hikikomori 55 tuổi cho biết mình đã sống tách biệt như vậy trong hơn 30 năm dù ông sở hữu bằng tốt nghiệp loại giỏi từ một trường đại học danh tiếng và đã nhận được nhiều lời mời làm việc với mức lương cao. Ông tâm sự: “Tôi luôn cảm thấy ngạt thở khi khoác lên mình bộ đồ công sở. Tôi sợ hãi mọi tiếng ồn và cảm xúc của mọi người xung quanh”.
Tự tử tập thể
Nhật Bản là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng người tự tử hàng năm do áp lực công việc hoặc học tập quá nặng nề. Khi sự tuyệt vọng và cùng quẫn lan tỏa mọi nơi, các câu lạc bộ tự tử tập thể trở nên phổ biến trên mạng Internet. Chỉ với một vài hashtag đơn giản, nhiều bạn trẻ đã tìm được “người đồng hành” cùng kết thúc cuộc sống.
Hiện trường vụ 9 người tự tử tập thể tại ngoại ô Tokyo năm 2004 - Ảnh: Japantoday |
Vụ tự tử tập thể của 9 người Nhật tại ngoại ô Tokyo năm 2004 hay 6 bạn trẻ cùng nhau đốt khí gas trong phòng kín năm 2005 vẫn là những câu chuyện đau lòng được nhắc lại như minh chứng cho góc khuất đen tối của xã hội Nhật.
Hội chứng “xác sống ăn công việc”
Phía sau một nền kinh tế phát triển vượt bậc là một đội ngũ những con người chăm chỉ đến mức chỉ làm việc cho đến khi kiệt sức. Từ những năm 80 của thập niên trước, người Nhật đã có thêm thuật ngữ Karoshi mang ý nghĩa “làm việc cho đến chết”.
Một nhân viên văn phòng Nhật từng bị trụy tim và ngất trên đường phố - Ảnh: Reuters |
Theo thống kê mới nhất, cứ 5 người Nhật thì sẽ có 1 người phải đối mặt với nguy cơ tử vong vì trụy tim, đột quỵ, hoặc trầm cảm dẫn đến tự sát do công việc quá nhiều. Tính kỷ luật của người Nhật cùng những nội quy khắt khe tại các công ty là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng đáng sợ này.
Tuy nhiên, đây là căn bệnh đáng sợ đã trở thành một văn hóa làm việc và đặc trưng của người Nhật và không dễ dàng thay đổi. Chính sách giảm giờ làm được ban hành vào đầu năm 2017 vẫn chưa mang lại bất cứ hiệu quả đáng kể nào.
Thu Phương