Đã 4 năm trôi qua, “thẻ vàng” đã gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành này vào thị trường EU. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong hành động, siết chặt chế tài xử phạt để hoàn thành nhiệm vụ do Thủ tướng giao phó. ĐS&PL đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) xoay quanh vấn đề này.
ĐS&PL: Vừa qua, Việt Nam có buổi làm việc trực tuyến với phái đoàn Thanh tra của EC về vấn đề tháo gỡ “Thẻ vàng” cho thủy sản. Kết quả buổi làm việc trên ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Cơ bản là kết thúc tốt đẹp, phía EC đánh giá cao những nỗ lực và khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
ĐS&PL: Ông có thể cho biết rõ hơn về những tồn tại này?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Phái đoàn Thanh tra của EC đưa ra 6 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam.
Thứ nhất: Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống giám sát hành trình cho 100% tàu cá.
Thứ hai: Việt Nam có tổng cộng 66 Cảng biển nhưng mới chỉ 49 Cảng đủ điều kiện xác nhận chứng nhận về xuất khẩu. Cần sớm hoàn thiện công tác kiểm soát tàu cá vào bến cho 17 Cảng còn lại để đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của thủy hải sản khai thác.
Thứ ba: Tăng cường công tác kiểm soát tàu cá nước ngoài cập cảng tại 14 cảng biển quốc tế của Việt Nam.
Thứ tư: Ủy ban châu Âu đánh giá mức xử phạt, tỉ lệ xử phạt hoạt động khai thác trái phép của Việt Nam hiện nay là quá thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan... Các hành vi tắt định vị VMS, khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài cần phải tăng mức độ, cường độ xử phạt để đạt được hiệu quả răn đe về mặt ý thức. Thẩm quyền xử phạt nên tập trung về một đầu mối chức năng, tránh tình trạng dàn trải dẫn đến việc áp dụng hình thức xử phạt không đồng nhất.
Thứ năm: Khẩn trương khắc phục những hạn chế trong công tác đầu tư cho hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão của nước ta.
Thứ sáu: Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để sớm chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
ĐS&PL: Kể từ khi thủy sản Việt Nam nhận “thẻ vàng”, công tác kiểm tra giám sát của Ủy ban châu Âu được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Định kỳ 6 tháng một lần, phái đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam để tiến hành đánh giá một lần. Nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên gần đây, họ chỉ đưa ra nhận định dựa trên cơ sở là những báo cáo do phía Việt Nam cung cấp. Khi nào họ có thể sang đánh giá trực tiếp thì mới đưa ra được kết luận chính thức.
ĐS&PL: Nhìn sang lĩnh vực xuất khẩu nông sản khác, vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện công tác giám sát thông qua hình thức trực tuyến với một số loại hoa quả xuất khẩu của Việt Nam. Ngành Thủy sản có thể áp dụng phương pháp này để phối hợp với EC?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Tổng cục cũng đã đề xuất nhiều phương án, trong đó có phương án trực tuyến vừa nêu nhưng đặc thù công tác kiểm tra của phái đoàn EC rất nghiêm ngặt.
Tiêu chí trung thực trong báo cáo được họ đặt lên hàng đầu. Phái đoàn thanh tra sẽ so sánh giữa hồ sơ do phía Việt Nam cung cấp với thực địa triển khai xem có trùng khớp hay không. Công tác truy xuất nguồn gốc hồ sơ cũng được họ thực hiện một cách rất nghiêm túc.
ĐS&PL: Vậy để gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, phía EC đưa ra điều kiện như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Điều kiện tiên quyết, Việt Nam phải không còn bất cứ một trường hợp nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
EC quan điểm, hành động khai thác bất hợp pháp là một hành động “ăn cắp”. Chính vì vậy, cho dù chỉ còn 1 vụ việc tàu cá của chúng ta vi phạm vùng biển nước ngoài cũng sẽ không thể gỡ được lệnh hạn chế này.
ĐS&PL: Trong thực tế, có rất nhiều tình huống không thể dự liệu hết được. Trường hợp tàu cá của chúng ta hỏng hệ thống động cơ, bị trôi dạt vào vùng biển nước ngoài thì có bị coi là vi phạm?
Ông Nguyễn Quang Hùng: EC phân định rõ hai vấn đề, đó là vùng biển đã rạch ròi và vùng biển chồng lấn về mặt chủ quyền. Trường hợp vừa nêu, nếu chúng ta có đầy đủ hồ sơ để chứng minh thì họ sẽ xếp vào trường hợp bất khả kháng và hoàn toàn có thể chấp nhận.
ĐS&PL: Mục đích của những hệ thống tiêu chuẩn mà EC đưa ra là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Mỗi thị trường đều có những quy định, những tiêu chuẩn riêng. Quan điểm của phía EC là không “ép”, không bắt buộc nước nào phải làm theo. Họ chỉ đưa ra những khuyến nghị để sản phẩm thủy sản Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn chung của khối, đủ điều kiện gia nhập vào thị trường. Mục tiêu duy nhất họ hướng đến là sự phát triển chung cho nghề cá thế giới.
Tôi lấy ví dụ, khi chơi 1 môn thể thao, bạn bắt buộc phải tuân theo luật lệ của môn thể thao đó, nếu không tuân thủ, xin mời bạn chơi một mình. Thủy sản Việt Nam muốn gia nhập thị trường EC cần phải tuân thủ những quy định của họ.
ĐS&PL: “Thẻ vàng” thủy sản của EC có thời hạn quy định hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Hùng: “Thẻ vàng” hay “thẻ đỏ” đều không quy định thời gian. Quan trọng là chúng ta triển khai thực hiện theo những khuyến nghị đạt kết quả ra sao.
Nếu đến kỳ đánh giá, phái đoàn Thanh tra của EC kết luận, Việt Nam đã hoàn thành tốt mọi tiêu chí đưa ra thì việc gỡ “thẻ vàng” là đương nhiên.
ĐS&PL: Ông có khuyến cáo gì cho ngành thủy sản nói chung, ngư dân nói riêng trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC thời gian tới?
Ông Nguyễn Quang Hùng: EU là một thị trường vô cùng tiềm năng khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản hàng năm lên đến hơn 50 tỷ USD. Gỡ “thẻ vàng” EC là gỡ “khóa” cho cả một hệ thống, khi đó tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường xuất khẩu thủy sản đều nhận được những lợi ích vô cùng to lớn.
Trước khi nhận “thẻ vàng”, Việt Nam là nước cung cấp thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á vào EU. Nhưng kể từ khi bị hạn chế, con số xuất khẩu của chúng ta giảm rõ rệt theo từng năm, điều đó đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường này. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải đồng lòng để hoàn thành việc gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Những nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ, quan trọng nhất vẫn là ý thức nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của người dân, doanh nghiệp.
Còn một điều nữa tôi muốn nhắc đến, bên cạnh những vi phạm điển hình như tắt định vị VMS, khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, có thể sắp tới, phái đoàn Thanh tra của EC cũng sẽ chú ý hơn đến lao động trẻ em, lao động dưới 18 tuổi. Vấn đề này đã được họ đưa ra đối với Thái Lan. Vì vậy, ngành thủy sản Việt Nam cần tuyệt đối tuân thủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Song song với công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người dân, sắp tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng sẽ tăng cường cả về cường độ và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
ĐS&PL: Xin cảm ơn ông!
Lê Tuấn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Số Thứ 3 (184)