Tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất 5 phương án thu giá dịch vụ tại dự án BOT QL1 qua thị xã Cai Lậy. Trong 5 phương án, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên phương án 1.
Sau mấy tháng dừng thu phí nhưng dư luận xã hội vẫn đang rất quan tâm đến việc thu phí tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Rất nhiều phương án đã được đưa ra, tuy vậy vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết lãnh đạo Bộ vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về tình hình tại BOT Cai Lậy. Sau hơn 4 tháng, BOT Cai Lậy vẫn dừng thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng. 5 phương án Bộ trình, Thủ tướng đang xem xét, quyết định. Các phương án được Bộ phối hợp với các cơ quan chuyên môn phân tích ưu, nhược điểm cụ thể.
Trình Thủ tướng 5 phương án xử lý BOT Cai Lậy
Phương án một, giữ nguyên vị trí trạm, giảm giá 30% cho tất cả xe qua trạm, ô-tô 4 chỗ từ 25.000 đồng mỗi lượt xuống còn 15.000 đồng và mở rộng phạm vi miễn giảm cho các hộ dân sống lân cận. Thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng.
Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên QL1 hiện nay.
Với phương án này sẽ không cần Nhà nước bố trí ngân sách nhưng lại kéo dài thời gian hoàn vốn. Phương án này còn đạt mục tiêu quan trọng của dự án là phân luồng giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường tại trung tâm thị xã Cai Lậy.
Phương án hai, lập thêm một trạm trên tuyến tránh sau đó thu cả hai trạm, giảm giá vé trạm trên quốc lộ xuống khoảng 30% và giữ nguyên mức giá cũ đối với trạm tuyến tránh. Ưu điểm của phương án là giảm phản ứng từ dư luận, nhưng lại phát sinh kinh phí xây dựng trạm mới khoảng 90 tỷ đồng, gây ách tắc giao thông quốc lộ và có thể ảnh hưởng đến các BOT khác.
Phương án ba, giữ nguyên vị trí trạm cũng như mức giá vé hiện tại. Bộ đánh giá phương án này khả thi về tài chính, đảm bảo chống ùn tắc và không phải bố trí ngân sách nhưng hiện còn vấp phải phản ứng từ người dân như thời gian qua.
Với phương án bốn, chuyển hẳn trạm thu phí BOT Cai Lậy về tuyến tránh. Ưu điểm phương án là được người dân đồng thuận, nhưng theo ước tính, nếu dời trạm vào tuyến tránh, Nhà nước phải dùng ngân sách bù khoảng 1.250 tỷ đồng.
Phương án năm, chuyển đổi hình thức hợp đồng, xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy hiện nay, không thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và dùng vốn nhà nước thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký. Thời gian hoàn trả tương ứng thời gian thực hiện hợp đồng BOT (7 năm 7 tháng). Số tiền thanh toán có thể phát sinh lên hơn 2.000 tỷ đồng.
Ảnh cắt từ video theo VnEpress. |
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Nhật, việc quyết định phương án trạm thu phí Cai Lậy sẽ có ảnh hưởng đến các dự án tương tự. Do đó, các phương án sẽ được xem xét thận trọng, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác cũng như môi trường đầu tư, đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sắp tới.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị ưu tiên phương án 1
Dự án xây dựng tuyến đường tránh TX Cai Lậy được khởi công ngày 20/2/2014 theo hình thức hợp đồng BOT. Sau khi làm việc với tỉnh, Bộ Giao thông đã báo cáo và được Chính phủ cho chỉ định thầu. Liên doanh nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và CTCP Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico).
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong trường hợp di dời trạm hay giảm phí đều ảnh hưởng đến phương án tài chính nhà đầu tư và ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, Nhà nước cần tính toán và xem xét phương án có lợi nhất cho cả 3 bên: Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.
Như thông tin trên Zing, trong 5 phương án, Bộ GTVT kiến nghị ưu tiên phương án 1. Theo đó, BOT Cai Lậy sẽ giảm về mức giá thấp nhất so với các trạm BOT trên quốc lộ 1 hiện nay. Ngoài ra, chủ đầu tư phải mở rộng phạm vi giảm phí cho nhiều xã khác.
Phía chủ đầu tư cho biết, mức phí hiện tại đối với các loại xe đã được giảm khoảng 30% so với trước đây. Cụ thể, mức phí hiện hữu thấp nhất đối với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (truớc đây là 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước đây là 180.000 đồng) đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.
Tuy vậy, phương án giảm giá dịch vụ và giữ nguyên trạm sẽ kéo theo nhiều điều kiện trong hợp đồng giữa chủ đầu tư với Bộ GTVT phải thay đổi, hay nói khác đi là phương án tài chính của dự án sẽ phải thay đổi hoàn toàn. Theo như Phương án 1 thì thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng. Thế nhưng, để đảm bảo gỡ nút thắt điểm nóng Cai Lậy, hài hoà được lợi ích địa phương và giúp Nhà nước không bị thâm hụt ngân sách, phía Chủ đầu tư cho rằng, họ sẵn sàng chịu thiệt.
Bởi vì sao?
Trước khi cho dự án vay vốn, các ngân hàng đã tính toán rất kỹ lưỡng các thông số trong phương án tài chính của dự án. Chỉ những dự án có phương án tài chính khả thi, có khả năng thu hồi vốn, ngân hàng mới đồng ý tài trợ vốn cho dự án. Các dự án BOT giao thông có quy mô rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nếu tiếp tục điều chỉnh giá vé, phương án tài chính của dự án sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí phá vỡ khiến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng bị đe dọa, dẫn tới nguồn tiền đã cho dự án vay trở thành các khoản nợ xấu. Thực tế, nhà đầu tư chỉ đóng góp hơn 16% số vốn, khoản tiền còn lại do tổ chức tín dụng cung cấp. Do vậy, việc tiếp tục điều chính giá vé của dự án sẽ được tính toán rất thận trọng, trên cơ sở phải đảm bảo phương án tài chính dự án khả thi.
Một điều có thể thấy rõ, nếu không đảm bảo phương án tài chính thì sẽ không có dự án và cũng sẽ không có đường tránh như hiện nay. Nhà đầu tư sẵn sàng giảm giá vé cho người dân, tuy rằng thời gian hoàn vốn sẽ lâu hơn dự định. Lúc này, Nhà nước cũng đành phải chịu, tức là cần có quy định mới và yêu cầu các Tổ chức tín dụng gia hạn thời gian trả lãi ngân hàng cho doanh nghiệp, dẫu biết rằng, càng thu hồi vốn nhanh Nhà nước càng được lợi.
Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng từng cho rằng, vị trí đặt trạm hiện nay do tỉnh Tiền Giang đề nghị và được Bộ Giao thông chấp thuận đặt trên phạm vi của dự án và theo phương án tài chính của nhà đầu tư. Trước khi đặt trạm, các đơn vị đã lấy ý kiến của địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội theo quy định.
"Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn", Thứ trưởng nói.
Cả nước hiện có 88 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT, trong đó Bộ Giao thông quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm. Có 9 dự án đầu tư theo hình thức BOT được triển khai trên nền đường cũ và đầu tư tuyến tránh tương tự như dự án BOT quốc lộ 1 Tiền Giang. Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017. Trạm BOT này được lập ra để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang làm chủ đầu tư. |
Nguồn: ANTT