Cứ mỗi độ xuân về, phong tục xin chữ và cho chữ có lẽ là thú chơi tao nhã và thú vị nhất với nhiều người. Treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình cũng là thể hiện mong ước trong năm mới? Nét đẹp văn hóa ấy đến nay vẫn được trân trọng và gìn giữ. Trước đây, việc xin chữ thường được người dân thực hiện vào ngày mùng 2 Tết nhưng những năm gần đây, việc xin chữ thường không cố định mà kéo dài từ khoảng 26 Tết cho đến ngoài Tết Nguyên Tiêu.
Ngay sau khi Hội chữ Xuân Kỷ Hợi 2019 được khai mạc, tại Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút rất đông người dân tới xin chữ |
“Tâm lý chung của người Việt Nam muốn một năm mới an khang thịnh vượng, bình an, mạnh khỏe bởi có bình an, mạnh khỏe mới làm ra của cải, vật chất muốn có sự may mắn của một năm mới. Xin chữ do mỗi điều kiện hoàn cảnh, mỗi gia đình khác nhau, đó là nét đẹp cổ truyền đã được duy trì từ rất lâu, ngày xưa chỉ có chữ Hán Nôm, bây giờ phong trào chữ Quốc ngữ nhiều, có người thích xin chữ Quốc ngữ có người thích xin chữ Hán.
Dù là chữ nào thì đều có nội dung hướng đến bình an, mạnh khỏe, hướng đến tâm linh, hướng đến cái thiện của mỗi người trong một năm mới. Theo đó các ông đồ phải có tư duy, tư vấn làm sao để người xin chữ đi đến cái thiện bởi cái thiện là cái cần nhất đối với một con người giúp người xin chữ và người cho chữ có sự hài hòa, vui vẻ”, thầy thư pháp Nguyễn Minh Thu cho hay.
Cứ vậy, với nét đẹp truyền thống ấy, dưới bàn tay mỗi ông đồ, mỗi bức thư pháp là những bức hoạ khác nhau, mỗi nét chữ thể hiện cốt cách của người cầm bút. Chữ được cho thường được viết trên nền giấy đỏ bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn.
Qua những nét chữ, người xin và người cho chữ đều mong muốn đem đến sự may mắn trong một năm mới |
Theo các ông đồ, ngày xưa khi xin chữ, người dân rất chú ý đến người cho chữ bởi nét chữ thể hiện tinh thần, cốt cách người cho chữ. Ngày xưa khi xin chữ là một sự kiện rất đặc biệt, người ta chọn ngày, chọn hướng với tấm lòng tìm đến người người mình tin tưởng, có tấm lòng đáng trân trọng, cần học tập noi theo. Người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông.
Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Người cho chữ và người xin chữ ai nấy đều vui vẻ, thích thú |
Tuy nhiên không phải ai biết chữ cũng có thể cho chữ. Người cho chữ không chỉ phải hiểu chữ mà phải hiểu cả người xin chữ. Hơn ai hết, ông đồ phải là những người được lựa chọn kỹ càng và bản thân những người cho chữ cũng cần phải rèn luyện để xứng đáng là người trao niềm tin tinh thần cho mọi người.
Theo thầy thư pháp Nguyễn Minh Thu, việc xin chữ đầu năm với tính chất thăm quan, tham khảo về nghệ thuật thư pháp và người xin chữ muốn đem vận may cho gia đình một năm thịnh vượng. Do đó đòi hỏi người cho chữ phải là những người yêu thích, đam mê nghệ thuật, thấy rằng nghệ thuật chữ đẹp cần phải qua quá trình học tập, để làm được điều này không dễ mà phải có năng khiếu, có hoa tay, phải luôn đặt trong đầu hai chữ “kiên nhẫn” bởi có thể cầm bút lông viết 1.000 lần chưa được một nét chữ.
Với những mong ước ấy, tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp văn hóa, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội, triết học và tâm linh,... Đây là một nét đẹp truyền thống cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa trong đời sống văn hóa của người dân Thủ đô.
Theo Hoa Nguyễn/Lao động thủ đô