Vào mùa lạnh, khi không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm, cha mẹ thường lo lắng cho con trẻ vì trẻ rất dễ mắc các bệnh hô hấp. Do đó, không ít cha mẹ đã giữ ấm cho con bằng cách mặc thật nhiều áo. Tuy nhiên, đây được cho là cách giữ ấm sai lầm.
Mặc quá nhiều quần áo cho trẻ
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết khoa đang điều trị khoảng 250 bé bệnh hô hấp. Những ngày qua Sài Gòn trở lạnh khiến số bệnh nhi nhập viện tăng. Hai nhóm bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ là viêm tiểu phế quản, viêm phổi và viêm mũi xoang, bệnh hen suyễn.
Theo bác sĩ Tuấn, khi trời lạnh, bố mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, bé dưới 12 tháng hoặc mắc bệnh lý mãn tính. Muốn tắm trẻ phải chọn thời điểm ấm nhất trong ngày, đóng kín cửa, tránh gió lùa và cho bé tắm từng phần chứ không ngâm toàn bộ cơ thể vào nước, tắm tới đâu lau khô người tới đó.
"Nên mặc quần áo ấm, trùm nón, khăn choàng cổ, đeo găng tay, vớ cho trẻ, tuy nhiên tránh cho mặc quần áo quá dày, quá nhiều lớp khiến trẻ khó thở", bác sĩ Tuấn lưu ý.
Nhiều phụ huynh đốt lửa, sưởi ấm trẻ bằng than tổ ong gây nguy hiểm đường hô hấp.
Hiện có trào lưu sử dụng tinh dầu xoa vào các huyệt đạo để phòng bệnh hô hấp cho trẻ. Theo bác sĩ Tuấn, cách làm này hiệu quả nhưng cần tìm hiểu kỹ. Da trẻ rất mỏng manh. Nếu bôi dầu trực tiếp lên da trẻ có thể gây kích ứng bỏng, rộp. Một số loại tinh dầu chứa nhiều thành phần nguy hiểm, nếu bôi quá nhiều dầu ngấm vào da sẽ gây ngộ độc cho trẻ.
Mặc bỉm suốt cả ngày
Vẫn biết trẻ sơ sinh thường hay tè nhiều, nhất là vào mùa lạnh, nhưng không có nghĩa là mẹ đóng bỉm
cho bé suốt cả ngày 24/24 tiếng. Bởi việc đóng bỉm thường xuyên không những gây khó chịu mà còn gây hại cho làn da mỏng manh của bé như hằn da, viêm da, mẩn đỏ, nổi mụn,…Thậm chí có nguy cơ dẫn đến tình trạng hăm tã. Hăm tã mùa đông sẽ khó điều trị hơn mùa nóng.
Bên cạnh đó, việc dùng bỉm thường xuyên sẽ hình thành thói quen xấu cho bé. Khó kiểm soát và không gọi mẹ, hoặc tè dầm khi lớn hơn.
Hơn nữa, đối với bé trai, việc đóng bỉm thường xuyên và kéo dài có thể gây ra những tác hại to lớn tới tin hoàn của bé. Nhiệt độ “vùng kín” tăng vượt mức bình thường từ 34oC-37oC có thể gây ra những trục trặc trong việc sản xuất tinh trùng sau này của tinh hoàn.
Vì thế, nếu thời tiết ấm áp hơn, các mẹ hãy cho bé được “tự do” vào ban ngày và chỉ nên dùng chúng vào ban đêm khi ngủ thôi nhé.
Đóng kín cửa phòng, cửa nhà
Thói quen đóng kín cửa phòng, cửa nhà để giữ ấm khi trời lạnh là một trong những thói quen sai lầm tai hại nhiều gia đình mắc phải. Nhất là những gia đình có trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu đóng kín cửa sẽ khiến trong phòng ngột ngạt, thiếu oxy sẽ khiến cơ thể con người mệt mỏi và làm tăng lượng vi khuẩn sinh sôi. Do đó, các mẹ phải đảm bảo nhiệt độ phòng luôn ấm áp trong khoảng 26-29oC, thông thoáng và tránh gió lùa.
Sử dụng điều hòa, máy sưởi với tần suất cao
Thường xuyên sử dụng các thiết bị sưởi ấm vào mùa đông cũng không hề tốt cho sức khỏe trẻ nhỏ. Vì sử dụng nhiều khiến cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da. Nhất là máy sưởi sẽ khiến khô mũi, dẫn đến ảnh hưởng hệ hô hấp, khó thở ở trẻ em. Để máy sưởi, quạt sưởi ở khoảng cách vừa đủ, không quá gần tránh gây nóng, bỏng da khô rát cho bé.
Do đó, bố mẹ chỉ nên sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày thôi nhé.
Và khi đang ở trong phòng ấm, trước khi cho trẻ ra ngoài, bố mẹ nên mặc thêm áo khoác và đi giày vào cho bé. Và nếu mặc không đủ ấm mà đột ngột đi ra ngoài, trẻ rất dễ bị sốc nhiệt, dẫn đến đột quỵ. Ngay cả người lớn, những người sức khỏe yếu, và người già cũng vậy.
Sưởi ấm phòng bằng than
Ngộ độc khí CO2, bỏng và nguy kịch tính mạng là tác hại khôn lường khi nằm than sưởi ấm ngày đông. Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra liên tiếp cho cả mẹ và bé chỉ vì nằm than sau sinh. Do chủ quan và nghĩ rằng, đây là cách sưởi ấm cho trẻ vào mùa lạnh tự nhiên và ít tốn kém, đến nay vẫn còn nhiều hộ gia đình sử dụng lò than để sưởi ấm.
Tuy nhiên, thực tế khi đốt than sẽ thải ra một lượng khí CO2, lại thêm trong phòng kín gió, lượng khí CO2 này không thoát ngoài. Với trẻ sơ sinh, nếu hít phải khí CO2 dễ bị ngạt, bỏng, nổi mụn rộp vì quá nóng, nặng hơn thì ngộ độc gây ảnh hưởng đến phổi, não và hệ thần kinh của trẻ…
Vì vậy, mẹ tuyệt đối không được sử dụng cách giữ ấm cho trẻ ngày lạnh sai lầm này nha.
Không cho bé ra ngoài vì sợ lạnh
Giữ bé lâu ngày trong nhà chỉ làm con trở nên yếu ớt hơn là bảo vệ con. Bé và cả người lớn luôn cần được “hít thở khí trời” để có thể khỏe mạnh hơn.
Vào những ngày thời tiết nắng ấm, cho bé ra ngoài không những giúp bé thích nghi với môi trường, cảm nhận mọi thứ xung quanh, mà còn giúp bé cứng cáp hơn, khỏe mạnh hơn nhờ ánh nắng mặt trời và phòng tránh nhiều loại bệnh như vàng da, thiếu vitamin D, còi xương,…
Thời gian tắm nắng cho trẻ thích hợp nhất là từ 9-10h sáng vào mùa đông 15-20 phút mỗi ngày.
Những ngày trời rét đậm và mưa phùn, mẹ không nên cho con ra ngoài.
Khi đưa trẻ ra ngoài, các bố mẹ nên cho bé mặc quần áo vừa đủ ấm. Chọn loại vải thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt, đội nón mỏng, đi tất và gang tay, chú ý lau mồ hôi cho trẻ để tránh bị nhiễm lạnh.
Mỹ An (T/h)