Theo đó, để giảm bớt căng thẳng, Shiqi (27 tuổi) đã quay lại trường đại học để bắt đầu học yoga và múa ba lê. Mặc dù đã tốt nghiệp đại học 6 năm trước nhưng cô vẫn là sinh viên nhỏ tuổi nhất trong cả 2 lớp học này.
Các lớp học tại Đại học Mở dành cho người cao tuổi ở quận Đông Thành phía đông Bắc Kinh hướng đến học viên là những người cao tuổi. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc như Shiqi đăng ký tham gia các lớp học này do sự đa dạng của các dịch vụ cũng như giá thành tương đối rẻ.
Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, có thể nhìn thấy hơn 70.000 bài đăng về việc tham gia các lớp học tại các trường đại học dành cho người cao tuổi. Chủ đề "học tại đại học dành cho người già" đến nay đã thu hút hơn 7,7 triệu lượt xem.
Thay vì phải tiêu tốn khoảng 200-350 nhân dân tệ (hơn 600.000 - 1,1 triệu đồng) cho một buổi học yoga tại trung tâm nào đó ở Bắc Kinh, thì chỉ cần đóng 450 nhân dân tệ (1,5 triệu đồng) đã có thể tham gia vào một khoá học kéo dài 15 buổi ở đại học dành cho người già. Ngoài múa ba lê và yoga, nơi đây còn tổ chức các lớp dạy vẽ tranh sơn dầu, múa và hát truyền thống Trung Quốc.
Với mức giá thấp, Shiqi không đặt nhiều kỳ vọng vào lớp học đầu tiên, tuy nhiên, cô nhận thấy người hướng dẫn yoga rất chuyên nghiệp và "các bạn học lớn tuổi" cũng rất thân thiện. Họ dường như không thấy phiền lòng trước số ít người trẻ như cô đang tham gia lớp học. "Các bạn cùng lớp về cơ bản đều là những người dì lớn tuổi ở địa phương, và họ đều có tính cách rất tốt và dễ hòa đồng", Shiqi cho biết.
Các lớp học chỉ được tổ chức vào ban ngày các ngày trong tuần, nhưng thời gian này vẫn phù hợp với Shiqi vì cô là người làm nghề tự do, không có giờ làm việc cố định. "Cuộc sống sau khi nghỉ hưu phong phú và thú vị hơn tôi tưởng tượng ban đầu”, cô nói.
Cảm thấy ấn tượng với các lớp học mà mình tham gia, Shiqi bắt đầu chia sẻ trải nghiệm của bản thân lên tài khoản mạng xã hội Xiaohongshu, điều này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và tò mò từ đông đảo người dùng mạng.
Sau khi xem các bài đăng của Shiqi, Zhang - một nhà thiết kế 23 tuổi ở Bắc Kinh - đã đăng ký lớp học vẽ tranh sơn dầu và yoga tại cùng ngôi trường Shiqi đang theo học.
Từng học nghệ thuật hồi còn ở trường đại học, Zhang vốn đã rất quen thuộc với các lớp học vẽ, nhưng cô cảm thấy việc vẽ tranh với người già còn thư giãn và dễ chịu hơn trước đây rất nhiều.
"Dù cho các cô chú trong lớp học là người hướng ngoại hay hướng nội, thì họ đều rất kiên nhẫn với bạn và bầu không khí nhìn chung vô cùng ấm áp", cô nói.
Tuy nhiên, cũng có những lời chỉ trích rằng những người trẻ đang chiếm dụng các nguồn tài nguyên giáo dục có giá trị dành cho người già. "Những nơi này nên được dành cho những người lớn tuổi cần chúng”, một người dùng trên nền tảng mạng xã hội Weibo viết.
Trong khi các trường đại học dành cho người cao tuổi thường có yêu cầu nghiêm ngặt về độ tuổi trên 50, một số trường đại học như trường Shiqi theo học lại mở cửa cho những người trẻ tuổi hơn.
Theo Liu Ying (32 tuổi), người đang theo học các lớp hội họa truyền thống Trung Quốc tại Trường Cao đẳng Giáo dục Người cao tuổi thuộc Đại học Mở ở thành phố Hoài An, một trong những lý do cho việc này là vì họ cần những người trẻ đăng ký để có thể đủ chỉ tiêu mở lớp học.
Trường Liu Ying theo học chỉ cho phép nam giới trên 55 tuổi và phụ nữ trên 50 tuổi đăng ký, nhưng sẽ tuyển sinh cả sinh viên trẻ hơn nếu không đủ sinh viên. Như khoá học cổ cầm cần ít nhất 30 học sinh, nhưng vì không đủ số người đăng ký nên năm nay đã phải huỷ bỏ.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Đại học dành cho người cao tuổi Trung Quốc, tính đến năm 2019, đã có hơn 76.000 trường đại học dành cho người cao tuổi với hơn 10 triệu học viên đăng ký.
Khi dân số Trung Quốc tiếp tục già đi, số người trên 60 tuổi sẽ vượt quá con số 400 triệu vào khoảng năm 2035, Trung Quốc đã đặt mục tiêu thành lập ít nhất một trường đại học dành cho người cao tuổi ở mọi khu vực cấp huyện vào năm 2025.
Đầu tháng 10, nhân viên tuyển sinh của trường đại học người già ở quận Đông Thành cho biết, năm nay nhiều thanh niên ở độ tuổi 20 đã đăng ký tham gia vào các lớp học, trong khi trước đó sinh viên trẻ nhất của trường khoảng 40 tuổi. Những lớp học được giới trẻ ưa thích nhất là thái cực quyền, khiêu vũ và piano.
Xu hướng tham gia các lớp học dành cho người cao tuổi chỉ là một ví dụ về việc người trẻ sử dụng các nguồn lực nhắm vào nhóm nhân khẩu học lớn tuổi hơn, với hoạt động này được gọi là "tiêu dùng tự do của người cao tuổi".
Các ví dụ khác bao gồm việc giới trẻ Trung Quốc chọn ăn tại căng tin cộng đồng người cao tuổi và tham gia các chuyến du lịch nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi do tính tiện lợi và chi phí tương đối rẻ.
Một bài bình luận đăng trên tờ China Youth News nói rằng xu hướng này là kết quả của việc thế hệ trẻ đang thay đổi thói quen tiêu dùng, trở nên nhạy cảm hơn về giá cả và đồng thời tập trung hơn về sự tiện lợi.
"Điều xã hội nên làm nhiều hơn là đổi mới hơn nữa các mô hình kinh doanh và dựa vào cộng đồng, trường đại học và các thành phần khác để cung cấp các lựa chọn tiêu dùng toàn diện và giá cả phải chăng hơn cho giới trẻ”, bài viết nói
Như Quỳnh (T/h)