+Aa-
    Zalo

    Giới chức Mỹ nêu ý tưởng Anh tham gia TPP

    • DSPL

    (ĐS&PL) - London sẽ buộc phải cân nhắc mở rộng quan hệ và tham gia nhiều hơn vào các hiệp định đa phương trên thế giới.

    Sau khi cử tri Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, London sẽ buộc phải cân nhắc mở rộng quan hệ và tham gia nhiều hơn vào các hiệp định đa phương trên thế giới, trong đó có thể là cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ và Nhật Bản đứng đầu.

    Một địa điểm đổi ngoại tệ tại Westminster Underground, thủ đô London. Ảnh: EPA/TTXVN

    Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 6/7, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhận định ý tưởng Anh tham gia TPP, thỏa thuận thương mại đã được hoàn tất và đang chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn, là một trong “nhiều ý tưởng” để chuyển sang mối quan hệ thương mại mới giữa Mỹ với Anh.

    Liên quan tới số phận của Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU sau sự kiện Brexit, quan chức thương mại hàng đầu của Washington khẳng định điều này sẽ không làm chậm lại tiến độ đàm phán thỏa thuận thương mại lớn giữa hai bờ Đại Tây Dương này.

    Theo ông, sẽ khó cho Mỹ khi xem xét đàm phán về một thỏa thuận thương mại riêng rẽ với Anh “cho đến khi bạn biết mối quan hệ giữa London với EU sẽ thế nào”.

    TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia (bao gồm: Canada, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Austrialia, Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam), được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

    Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

    Hiệp định bao gồm 30 chương và đề cập đến không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước.

    Một khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30\% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40\% sản lượng kinh tế thế giới.

    Quá trình đàm phán TPP được khởi động từ tháng 3/2010. Qua 19 phiên đàm phán chính thức, 5 phiên cấp Bộ trưởng, việc đàm phán TPP đã hoàn tất vào tháng 10/2015 và chỉ sau đó 1 tháng, toàn văn hiệp định đã được công bố.

    Từ đó đến nay, các nước không thay đổi các nội dung đàm phán đã được thống nhất mà chỉ điều chỉnh một số nội dung kỹ thuật trên cơ sở ý kiến rà soát của các chuyên gia pháp lý.

    Những điều chỉnh này nhằm đảm bảo nội dung được đưa ra ký kết chính thức phù hợp hơn với quy định pháp lý quốc tế cũng như quy định trong nước của các nước TPP, không ảnh hưởng đến bản chất nội dung đã cam kết.

    Đầu tháng 2 vừa qua, tại thành phố Auckland, New Zealand, Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế của 12 nước thành viên tham gia TPP đã chính thức đặt bút ký vào văn bản này, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn tại mỗi nước.

    Theo TTXVN

    Video tin tức được xem nhiều:

    [mecloud]Z3VHVtEMZN[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gioi-chuc-my-neu-y-tuong-anh-tham-gia-tpp-a138533.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan