(ĐSPL) - Sau khi một số tụ điểm sản xuất cà phê bẩn ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Gia Lai bị triệt phá thì nhiều tụ điểm nhỏ lẻ khác vẫn tiếp tục lén lút hoạt động bằng nhiều phương thức tinh vi hơn.
Hàng loạt bịch cà phê đặc sản được chế biến chủ yếu bằng mùn cưa và bột bắp đã “chảy” vào các cửa hàng để bán cho người tiêu dùng.
Mùn cưa và bột bắp thành đặc sản
Đầu tháng 4/2015, theo sự mách nước của một dân đi rừng từ TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi theo đường tắt đi qua huyện Cư Mgar và huyện Ea Súp. Trong vai chủ quán cà phê đi mua 100kg cà phê bột, chúng tôi tới cơ sở rang xay nằm ngay bên cạnh đập nước Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp). Tại đây, nhiều bao cà phê bột đóng sẵn chờ tiêu thụ, ngổn ngang can, lọ đựng hóa chất, nguyên liệu toàn bắp và đậu nành để dưới nền nhà.
Thông tin về cà phê bẩn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người tiêu dùng (Ảnh minh họa). |
Theo chủ cơ sở này thì cà phê ở đây chế biến vẫn thơm ngon như thường chứ hoàn toàn không khét lẹt hay ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như những lời đồn đại. Điểm dễ nhận ra là cơ sở rang xay tự phát này không có tên, cách cơ sở này khoảng vài trăm mét là xưởng cưa bà Thuận. Những người dân ở đây cho biết trước đây xưởng ấy dùng để làm gỗ chui nhưng sau khi rừng bị thu hẹp, không còn “ăn” gỗ được nữa nên chuyển mục đích sang chế biến cà phê.
Người đàn bà trạc ngoài 50 tuổi không ngừng quảng cáo với chúng tôi rằng: muốn kinh doanh có lời và bán giá bình dân thì chỉ có vào Ea Súp này thôi chứ ở Buôn Ma Thuột giờ không còn nhiều nữa. Người chủ quán này xưng tên Thúy nhưng nhiều hàng xóm của bà cho biết bà còn có tên gọi khác ở địa phương là Thảo. Đúng như bà Thảo nói, sau nhiều chiến dịch ra quân thì các tụ điểm rang xay cà phê bẩn ở Buôn Ma Thuột không còn hoạt động rầm rộ nữa.
Thấy chúng tôi có vẻ e ngại về những thứ dụng cụ chế biến cà phê này, bà Thảo trấn an: “Ôi dào, có làm sao đâu. Khi uống cà phê chủ yếu người ta uống cho vui chứ có mấy người am hiểu và biết phân biệt đâu. Miễn sao cứ chế hương liệu cho đậm vào, mùi thơm bốc lên ngào ngạt là được”. Được biết trung bình 1 kg cà phê ở đây, bà Thảo chỉ bán giá 35 ngàn đồng, rẻ gấp 5 lần các loại cà phê hảo hạng bán trên thị trường.
Với lí do muốn dùng thử trước nên chúng tôi mua tạm 2 kg và hẹn sẽ trở lại lấy số lượng lớn sau. Ngay chập tối hôm ấy, chúng tôi theo chân của một nhân viên của bà Thảo thì gã thanh niên này phóng xe vào xưởng cưa bà Thuận sau đó chở ra một bì mùn cưa. Sau khi chở mùn cưa về, thanh niên này tiếp tục ra phía chợ trung tâm huyện Ea Súp để mua bắp khô. Tất cả những thứ này được đưa vào xưởng để rang xay, trộn lẫn vào nhau, sau đó cho hương liệu mang hương vị cà phê và phẩm màu vào rồi đóng gói chờ các mối hàng đến lấy về các trung tâm thành phố để phân phối.
Tiếp tục theo con đường dẫn từ huyện Ea Súp nối với huyện Ea Hleo, chúng tôi tiếp cận thêm xưởng rang xay cà phê không tên nằm ngay ở xã Ea Wy. Xưởng rang xay này tự phát mọc lên ở xã cách đây hơn nửa năm. Nhiều người dân sống quanh xưởng cho biết rất dễ để nhận ra xưởng rang xay này vì nó nằm ngay ở gần trung tâm xã. Hơn nữa, có rất nhiều khách đến đây để mua hàng. Có những đợt khách không đến trực tiếp mua hàng thì những người ở xưởng này mang đến tận nơi giao hàng cho khách.
Tiếp cận chủ xưởng, người này xưng tên Hùng. Hùng không cho vào thăm quan xưởng nhưng ngay từ ngoài hè của xưởng chúng tôi đã phát hiện thấy mấy bao mùn cưa và bột bắp chất đầy. Mùn cưa đã rang và tẩm phẩm màu tràn cả ra ngoài cửa phòng. Sau vài câu chuyện, Hùng cho biết chỉ những người mua số lượng lớn và có sự giới thiệu của người quen thì Hùng mới xuất hàng mà thôi và hàng của Hùng luôn là hàng chuẩn và giá cả phải chăng.
Rời xưởng cưa của Hùng chúng tôi đến cầu 110, đoạn tiếp giáp giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Ngay bên chân cầu này nhiều tháng nay tồn tại một xưởng rang xay hoạt động suốt ngày đêm.
Trước đây khu vực này chỉ có hai xưởng cưa hoạt động, nhưng thời gian gần đây xuất hiện thêm xưởng rang xay cà phê. Cũng giống như hai xưởng rang xay kia, xưởng này cũng luôn trong tình trạng kín cổng cao tường, hoạt động sản xuất cà phê cho khách hàng cũng diễn ra trong xưởng. Đến cầu 110 chúng tôi đã ngửi mùi hương liệu cà phê bốc lên ngào ngạt. Qua khe cửa được dựng bằng ván chúng tôi thấy máy trộn cà phê bám đầy bụi.
Bên cạnh là chiếc chảo lớn đang để mùn cưa đã được rang đang chờ nguội để tẩm hương liệu và trộn với bột bắp để đóng bao.
Đường đi của cà phê bẩn
Vài ngày sau khi đã khảo sát kĩ chúng tôi quay lại xã Ea Wy thì phát hiện một thương lái chở cả bao tải cà phê bằng xe Honda chạy thẳng về hướng Buôn Ma Thuột sau đó đi “rải” cà phê bẩn dọc các quán cà phê cóc, cà phê nhỏ ở dọc các tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột.
Bà Lê Thị H. bán quán cà phê ngay trên vỉa hè đường Lê Duẩn cho biết: “Tâm lí khách hàng thích giá cả vừa phải nên chúng tôi mua cà phê của một số người chuyên đi bán dạo này. Cũng không rõ những người bán, chủ yếu đặt hàng thông qua người quen giới thiệu hoặc nhiều người trực tiếp đến các quán để tiếp thị và mang cà phê đến cho chúng tôi dùng thử, thấy mùi hương bốc lên cũng ngào ngạt chứ không biết đó là cà phê bẩn hay sạch”.
Tại xưởng chế biến cà phê ở huyện Ea Súp cũng vậy. Sau khi nhiều đối tượng đi bắt mối với các cửa hàng ở Buôn Ma Thuột thì tìm đến liên kết với các tụ điểm chế biến cà phê bằng mùn cưa này để mua với số lượng lớn về rải cho các quán.
Theo lãnh đạo xã Ea Wy, thấy xưởng cà phê chế biến gần chợ hoạt động khá rầm rộ, nói là làm cà phê, có lúc lại nói là chế biến thức ăn. Hàng họ sản xuất ra không bán ra chợ nên cũng không rõ là cái gì. Nếu là sản xuất cà phê bẩn thì chắc chắn địa phương sẽ có kế hoạch để kiểm tra sớm.
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, trong đợt khảo sát mới đây, trong 30 cơ sở chế biến cà phê thì có 73,3\% cơ sở ngoài cà phê còn dùng thêm bột đậu nành; 46,7\% cơ sở dùng thêm bột bắp; 6,7\% dùng thêm bột đậu đỏ và 4/27 mẫu cà phê không đạt chất lượng. Tuy nhiên, việc khảo sát chỉ tập trung ở các cơ sở có tên tuổi, còn các cơ sở chế biến chui, nhỏ lẻ thì chắc chắn tỉ lệ mẫu không bảo đảm chất lượng sẽ rất lớn nên người sử dụng cà phê cũng cần tỉnh táo.
TS Nguyễn Huy Hoàng (Đại học Tây Nguyên) cho rằng cà phê bẩn có tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.Bột đậu nành, bột bắp cháy đen tẩm hóa chất nếu dùng lâu ngày sẽ rất nguy hại.Nếu dùng trong thời gian dài thì còn ảnh hưởng đến thần kinh. Cũng theo TS Nguyễn Huy Hoàng thì cà phê bẩn khi uống có mùi gây gây và khó nuốt, vị hơi chát và mùi rất khét.
BẢO TRÂM
Bài đã đăng trên trang Pháp luật & Cuộc sống/chuyên trang của báo Đời sống & Pháp luật
Xem thêm video: Kinh hoàng cơ sở trộn đường ăn bằng máy trộn bê tông ở TP HCM
[mecloud]Wd8e1CwbDo[/mecloud]