Một trường đại học ở Hà Lan cho rằng việc nằm trong... huyệt mộ sẽ giúp sinh viên của họ giảm áp lực thi cử nhờ trải nghiệm "cảm giác của người chết".
Rất nhiều trường đại học trên thế giới đã cố gắng đưa ra các liệu pháp điều trị sức khỏe tâm lý để giúp những sinh viên mắc chứng lo âu trong thời gian thi cử.
Một số nơi sử dụng các chú chó đáng yêu để giúp sinh viên chơi đùa giải tỏa căng thẳng, hoặc bằng các buổi meeting chánh niệm và thậm chí là những nơi có không gian yên tĩnh tuyệt đối, nhưng không có trường đại học nào có thể độc đáo bằng Đại học Radboud ở đất nước của hoa tulip.
Đại học Radboud tại thành phố Nijmegen, tỉnh Gelderland (Hà Lan) đã cho đào một huyệt mộ ở phía sau nhà nguyện sinh viên, với cái tên khá ngộ nghĩnh "ngôi mộ thanh lọc". Dưới huyệt có sẵn chăn, thảm yoga và gối để sinh viên có thể trải nghiệm "cảm giác của người chết", nhằm tĩnh dưỡng tâm hồn sau những giờ học căng thẳng!
Một sinh viên đang trải nghiệm chết giả trong ngôi mộ tại Đại học Radboud. Ảnh: Reuters |
Bên trong ngôi mộ là khẩu hiệu của trường "Hãy cứ dị biệt". Theo lời của các sinh viên trường này, ngôi mộ hot đến mức họ phải đua nhau xếp hàng để được một suất vào... mộ!
Sinh viên có thể ở dưới đáy mộ tập yoga, ngồi thiền hoặc đơn giản là nằm suy nghĩ về cuộc sống và ý nghĩa sự tồn tại của mình. Trải nghiệm nằm dưới mộ có thể kéo dài tối thiểu 30 phút và tối đa 3h tùy theo đăng ký của từng sinh viên.
Dự án đặc biệt này với các poster dán khắp nơi có tiêu đề "memento mori", trong tiếng Latin có nghĩa là "hãy nhớ rằng bạn sẽ chết", trở nên nổi tiếng ở Đại học Radboud cũng như "gây bão" cộng đồng mạng.
"Tôi và bạn cùng phòng lên kế hoạch tới trải nghiệm ngôi mộ này từ hơn một tuần trước. Tuy nhiên, khi đến nơi chúng tôi phát hiện ra khá nhiều người đã đăng ký chờ. Chúng tôi nhất định sẽ sớm quay lại để trải nghiệm", sinh viên Sean McLaughlin chia sẻ.
Theo người sáng lập dự án John Hacking, trải nghiệm "chết giả" này không chỉ giúp sinh viên cảm thấy tĩnh tâm, giảm áp lực thi cử, mà còn giúp họ quý trọng cuộc sống của mình hơn.
"Cái chết, kết liễu bản thân, chấm hết số phận,... là một điều gì đó cực kì khó khăn và mang tính chất kiêng kị, đặc biệt là khi bạn mới chỉ có 20 tuổi, còn quá trẻ để nghĩ về cái chết", ông John nói.
Minh Khôi (T/h)