Khi ở miệng xuất hiện những vết loét nhỏ đa phần mọi người nghĩ do nóng, nhiệt miệng.
Bệnh viện K Trung ương đã tiếp nhận không ít bệnh nhân biểu hiện ban đầu chỉ là nhiệt miệng, nhiệt lưỡi, loét niêm mạc miệng nhưng sau khi kiểm tra lại bị ung thư lưỡi. Không ít bệnh nhân chủ quan cho rằng mình chỉ bị nóng trong người nên uống thuốc nam, thuốc bắc cho mát, khi bệnh trở nặng thì đã muộn.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị T (Hà Nội) là một điển hình vì tưởng bị nhiệt miệng hóa ra mắc ung thư lưỡi. Ban đầu miệng bà xuất hiện vết loét nhỏ như hạt đậu phộng, sau đó lan rộng hơn và gây đau đớn khi ăn uống. Bà cũng như người nhà lúc đầu chỉ nghĩ rằng bị nhiệt miệng, nóng quá nên lưỡi mới xuất hiện những mảng đốm trắng như vậy.
Nghe mọi người mách uống thuốc nam nhanh, bà đi khám và bốc thuốc uống. Uống được vài thang, vết loét không đỡ mà còn lan rộng ra cả lưỡi, lưỡi cứng đờ khiến bà đau đớn, không ăn uống được. Sau khi đến bệnh viện kiểm tra, làm các sinh thiết cần thiết bà đau đớn vì mình bị ung thư chứ không phải nhiệt miệng thông thường.
Ung thư lưỡi dễ bị bỏ qua vì nhầm với nhiệt miệng. Ảnh minh họa. |
Theo các chuyên gia ung thư,ung thư lưỡi là bệnh ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng. Ung thư này dễ dàng quan sát được nhưng phần lớn bệnh nhân đến khám ở giai đoạn tổn thương ung thư đã lan rộng. Nhiều người nhập viện muộn, khối u xâm lấn gần hết lưỡi và khoang miệng đến mức không nói, không ăn được.
Nguyên nhân do những tổn thương khiến người bệnh lầm tưởng họ chỉ bị những viêm nhiễm vùng miệng đơn giản. Có khi biểu hiện chỉ bắt đầu từ những vết loét nhỏ ở miệng mà nhiều người nhầm tưởng là nhiệt miệng. Đa số các tổn thương u gặp ở bờ tự do của lưỡi, đôi khi gặp ở mặt dưới lưỡi, mặt trên lưỡi hoặc ở đầu lưỡi.
Các chuyên gia về ung thư khuyến cáo, nếu điều trị ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu, tỉ lệ sống khỏe sau 5 năm lên đến 85%. Khi khối u đã xâm lấn, lan rộng thì tỉ lệ sống chỉ còn dưới 50%. Bởi vậy, khi phát hiện một vết loét trong miệng, cho dù có liên quan với chấn thương hay bệnh viêm loét miệng hay không nhưng sau khoảng 3 – 4 tuần không thấy đỡ cần đến bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc các bác răng hàm mặt để khám xác định bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi có nhiều, trong đó có vấn đề vệ sinh răng miệng không sạch sẽ khiến lưỡi bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn trầu, nhiễm virut HPV, tiền sử gia đình… cũng là nguyên nhân sinh ra tế bào ung thư lưỡi.
Bởi vậy, để phòng bệnh mọi người cần vệ sinh răng miệng tốt và loại bỏ các thói quen xấu này. Hơn nữa cần tầm soát ung thư sớm, nhất là người có tiền sử gia đình ung thư khoang miệng.
Nguồn: Gia đình Xã hội