Sau khi học được nhiều công thức chế biến các loại dược liệu, dược phẩm chức năng, Thư mua nguyên liệu về trộn lẫn, pha chế tạo thành các viên nén dạng thuốc để bán ra thị trường. “Ông trùm” này còn đưa 2 người em ruột vào cùng giúp sức sản xuất thuốc giả. Tất cả số hàng băng nhóm này tạo ra đều không có nguồn gốc, không được kiểm định từ cơ quan chức năng.
Sản xuất hàng nghìn hộp thuốc, thực phẩm chức năng giả
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển VKS cùng cấp, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Đình Lạc Thư, SN 1975, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế và 2 em ruột là: Nguyễn Đình Thái Dương (SN 1978), Nguyễn Đình Kính Như (SN 1983) cùng 6 bị can khác về các tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Buôn bán hàng giả là thực phẩm; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, khoảng giữa năm 2018, các trinh sát thuộc phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM trong quá trình điều tra phát hiện 1 đối tượng thường xuyên vận chuyển những thùng hàng là thuốc, thực phẩm chức năng cho nhiều đại lý khác nhau.
Giám sát chặt chẽ, phát hiện số hàng dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên lực lượng chức năng âm thầm theo dõi để tìm ra nơi sản xuất. Một thời gian sau, vào 25/7/2018 các trinh sát đội 7, phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP.HCM tiến hành kiểm tra, phát hiện đối tượng N.V.T.T. (ngụ huyện Bình Chánh) điều khiển 1 xe ô tô đang vận chuyển 20 thùng carton đến căn nhà nằm trong hẻm 64 đường Hòa Bình, phường 5, quận 11 giao hàng.
Nhiều viên nén là thực phẩm chức năng, tân dược giả bị phát hiện. |
Ngay lập tức, công an đến làm việc với người nhận hàng là Nguyễn Đình Thái Dương và Nguyễn Đình Lạc Thư, kiểm tra bên trong phát hiện 20 thùng carton chứa 4.000 hộp thực phẩm chức năng. Kiểm tra thêm, phát hiện bên trong cơ sở của Thư có nhiều nguyên liệu, máy móc nghi dùng để phục vụ việc sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng. Số tang vật trên được kiểm đếm để điều tra.
Cùng thời điểm trên, một mũi trinh sát khác được cử đến công ty TNHH Đ.D.V., ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh kiểm tra và phát hiện Lê Văn Khối, Nguyễn Thành Xuân cùng 4 công nhân đang sản xuất thực phẩm chức năng giả tại khu xưởng sản xuất của công ty.
Những công nhân này ngoài việc điều chế thực phẩm chức năng, thuốc thì còn làm các thủ tục dán nhãn hiệu B.X. lên hộp rồi đóng thùng. Lực lượng công an đã thu giữ 2.000 hộp thực phẩm chức năng giả đã thành phẩm, niêm phong nhiều nguyên liệu máy móc.
Kéo cả em ruột vào vòng lao lý
Qua lời khai ban đầu, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra ngôi nhà của Nguyên Đình Lạc Thư, thu giữ nhiều tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc tân dược giả một thương hiệu. Khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm khác ở Tân Bình, Bình Tân, quận 8, Tân Phú, Công an thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu khác.
Công an TP.HCM sau đó đưa số lượng thuốc, thực phẩm có dán nhãn mác của các công ty, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cho các đơn vị này xác nhận sản phẩm. Những đơn vị này cho biết đây, là hàng giả nhưng được làm rất tinh vi và khó nhận ra nếu chỉ nhìn vào bao bì bên ngoài.
Các đối tượng bị công an bắt quả tang khi sản xuất đồ giả. |
Qua đấu tranh khai thác, Nguyễn Đình Lạc Thư khai nhận, do có kinh nghiệm và học được một số kiến thức về điều chế thuốc tân được, thực phẩm chức năng nên nghĩ ra cách sản xuất mang đi bán. Trong quá trình trên, đối tượng còn thuê thêm nhiều nơi khác cùng sản xuất để có nguồn hàng.
Tháng 2/2018, Thư đặt các đối tượng bên ngoài xã hội làm giả các sản phẩm thực phẩm chức năng, sâm nhung bổ thận. Đồng thời, thuê Nguyễn Đình Thái Dương quản lý, điều hành việc sản xuất, buôn bán hàng giả, thuê Nguyễn Đình Kính Như giao hàng. Hai người này là em ruột của Thư.
Theo đó, sau khi có công thức và nguyên liệu, nhóm của Thư sẽ cho nhân viên tiến hành pha chế theo quy trình phụ thuộc vào từng loại sản phẩm khác nhau. Ví như, việc sản xuất sản phẩm cốm thực phẩm chức năng giả được thực hiện theo quy trình: Cho nguyên liệu trộn đều, đưa vào máy rửa hạt siêu tốc để hạt tơi ra rồi sấy ở nhiệt độ 9000 C. Sau đó cho vào máy trộn, cho hoạt chất mầm đậu nành vào và trộn thêm chất bôi trơn rồi ép vỉ, đưa đi tiêu thụ.
Cùng tham gia có Nguyễn Đình Kính Như, còn có Thạch Đết, Trần Thị Châu Thanh. Những người này được trả lương từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng. Thuốc nguyên liệu được Thư chỉ đạo vận chuyển từ nhà máy tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh về căn nhà trên.
Cơ quan điều tra cũng xác định, các bị can Nguyễn Đình Bảo (ngụ quận 8), Dương Văn Toản (ngụ quận 10) và một số cá nhân, doanh nghiệp là những đầu mối tiêu thụ sản phẩm thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả do đường dây của Nguyễn Đình Lạc Thư sản xuất. Cơ quan điều tra xác định đường dây do Nguyễn Đình Lạc Thư cầm đầu đã sản xuất, buôn bán tân dược giả, thực phẩm chức năng giả có giá trị hơn 1,9 tỷ đồng. |
Phùng Sơn
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (40)