+Aa-
    Zalo

    Giật mình: Heo trước khi được mổ bị tiêm 2 lần thuốc an thần!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các thương lái đã tiêm một loại thuốc khác trên đường vận chuyển, sau khi nhập trại tiếp tục tiêm thuốc của Bỉ.

    Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, các thương lái đã tiêm một loại thuốc khác trên đường vận chuyển, sau khi nhập trại tiếp tục tiêm thuốc của Bỉ.

    Thuốc an thần thu được tại lò mổ được sản xuất ở Bỉ, sau khi tiêm vào heo 24h sẽ đào thải hết. Tuy nhiên, với số heo bị giữ lại ở lò mổ, có số lượng heo đến 36h sau vẫn còn tồn dư chất an thần.

    Liên quan tới vụ việc gần 5.000 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ ở lò mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi, TP. HCM vừa bị cơ quan chức năng phát hiện cách đây vài ngày, kết quả công bố mới đây của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khiến dư luận “sốc” khi khẳng định: với số heo bị giữ lại ở lò mổ Xuyên Á, có số lượng heo đến 36h sau vẫn còn tồn dư chất an thần Combistress.

    Giải thích về điều “bất thường” này, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc tồn dư chất an thần như đề cập ở trên là do số heo này không chỉ bị tiêm thuốc một lần. Cụ thể, các thương lái đã tiêm một loại thuốc khác trên đường vận chuyển đến đây, sau khi nhập trại tiếp tục tiêm thuốc của Bỉ.

    “Loại thuốc tiêm trên đường đi đến khi về trại giết mổ vẫn chưa phân hủy hết, họ tiếp tục tiêm thêm loại thuốc an thần này nữa... Cũng như heo có salbutamol, trước đây cho nuôi để đào thải hết thì được giết thịt, trường hợp tái phạm mới bị tiêu hủy. Còn dựa trên tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ đề nghị nếu phát hiện là buộc tiêu hủy hoặc tăng mức phạt nặng hơn. Xem lại các kẽ hở trong quản lý, điều hành quy trình, cái nào còn sơ hở để các thương lái lợi dụng thì phải siết chặt lại để quản lý tốt hơn” - ông Dũng khẳng định.

    Người ăn loại thịt này về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ... 


    Theo phân tích Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thọ - Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP. HCM, Combistress chứa hoạt chất chính là Acepromazine. Acepromazine có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần, chống căng thẳng, giúp thú vật trấn tĩnh và giảm lo lắng, chống ói mửa. Thuốc được dùng trước khi gây mê phẫu thuật để tránh con vật bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch tiết ở đường hô hấp do tác dụng phụ của thuốc mê.

    Trường hợp heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn vì thuốc chưa được bài thải ra ngoài hết. Người ăn loại thịt này về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già, bệnh nhân và trẻ em.

    Ông Thọ cho biết, hiện nay trên thị trường thuốc thú y, ngoài Combistress còn có Prozil là một loại thuốc thú y có chứa hai thành phần chính là Acepromazine và Atropin, cũng có tác dụng tương tự.
    Thực tế, bằng mắt thường khó nhận biết được miếng thịt nào có tồn dư thuốc an thần. Về cơ bản có một số dấu hiệu như miếng thịt có màu sắc thật bắt mắt khác lạ, đỏ tươi hơn bình thường, sờ tay vào thấy rất dính, rất dẻo, thịt sát tới da, rất ít mỡ, có thể nghi ngờ là heo khi còn sống đã được sử dụng thuốc không đúng quy định.
    Vũ Đậu
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giat-minh-heo-truoc-khi-duoc-mo-bi-tiem-2-lan-thuoc-an-than-a204223.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan