(ĐSPL) - Ngày 20/11, tặng quà cho thầy, cô được xem là một nghĩa cử cao đẹp tri ân ngày nhà giáo Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay những món quà tặng thầy cô đang mang nặng sự toan tính và luôn khiến phụ huynh phải "đau đầu" chọn lựa.
Mới đây, một trường mầm non tư thục tại TP. Hồ Chí Minh đã gửi thông báo tới phụ huynh với nội dung: "Dịp 20/11, nhà trường xin không nhận tất cả các loại quà, dù là bất cứ hình thức nào". Thông báo đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ các phụ huynh và giáo viên trên cả nước.
|
Thông báo của một trường mầm non tư thục gửi tới các phụ huynh ngày 20/11. |
Phụ huynh "đau đầu" với quà tặng thầy, cô ngày 20/11
Ngày này, cứ mỗi khi tới ngày 20/11, các phụ huynh lại lo lắng, phân vân với câu hỏi mua quà gì cho con em họ tặng thầy, cô giáo. "Tặng quà gì? Giá trị món quà ra sao? Phải tặng những thầy, cô nào? Phong bì bao nhiêu?...", thực sự là vấn đề khiến các phụ huynh phải "đau đầu" vào mỗi dịp 20/11.
Trên PLO, độc giả Nguyên Trang chia sẻ, "Tôi là phụ huynh của hai con nhỏ. Cứ dịp 20/11 là tôi lại vắt óc suy nghĩ chọn món quà tặng cô giáo của con mình",
Cũng không ít phụ huynh phải "khổ sở" vì những món quà 20/11, độc giả Nguyên tâm sự, "Ngày 20/11 luôn là ngày mà gia đình tôi khổ nhất. Để cho con cái không phải lo lắng, sợ hãi bị trù dập, gia đình tôi suốt một tuần lễ trước đó chỉ được "ăn chay", rau muống luộc chấm nước mắm suốt cả tuần để dành tiền bỏ phong bì cho con..."
Bạn đọc Bích Duyên đặt câu hỏi, "Không tặng phong bì thì biết tặng gì? Tặng quà lỡ cô không thích xài hoặc không phù hợp với cô có phải là lãng phí không. Tôi từng gặp một cô giáo tiểu học, đến 20/11, trong nhà đầy quà, mà toàn là dầu gội, xà bông, sữa tắm. Tất cả các thể loại. Cô nhận quà cũng vui lắm, nhưng nghĩ đến giai đoạn dùng được những sản phẩm này thì cô lại rầu, đành phải đi chuyển giao cho bà con".
Trái ngược với những quan điểm trên, độc giả Trần bình Hưng lại cho rằng, "Thực ra nghĩ một cách sâu xa thì phần thưởng lớn nhất đối với những người làm nghề dạy học đó là sự thành đạt của các thế hệ học trò. Do vậy hằng ngày các em học hành chăm chỉ, biết vâng lời, học giỏi, sống có đạo lý, có trách nhiệm. Và tương lai các em trở thành những người hữu ích là niềm vui lớn nhất của thầy cô. Phong bì, quà cáp của phụ huynh chỉ là phù du, không nên nặng nề và quá bận tâm đến vấn đề này. Bởi lẽ ai đó có nhận được nhiều phong bì, quà cáp nhưng phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp không tôn trọng trong ngày thường thì chắc gì đã có niềm vui trọn vẹn và đúng nghĩa trong ngày 20/11?".
Giáo viên "sợ" ngày 20/11
Một giáo viên tâm sự trên báo Tuổi trẻ, "Tiền lương của chúng tôi dù không nhiều thật, nhưng với cách tặng quà theo kiểu quà nặng tay rồi đòi hỏi giáo viên phải thế này thế khác thì tuyệt đối người cầm phấn chúng tôi không bao giờ nhận.
Nhận một vài bưu thiếp, một vài lời chúc của học sinh hay bạn bè, tôi cảm thấy còn có thêm niềm tin với nghề. Dù lương giáo viên nghèo thật nhưng chúng tôi cũng có tự trọng của mình.
Chúng tôi cũng tìm hiểu hoàn cảnh của học trò, nếu thấy các em khó khăn vẫn kêu gọi quyên góp giúp đỡ học trò ấy. Nhiều hôm ở lại phụ đạo cho một số em chưa hiểu bài đến mức quên cả giờ về đón con nhưng vẫn bị nhiều phụ huynh kêu ca, phàn nàn.
Tôi chỉ xin phụ huynh hãy nhìn giáo viên với ánh mắt thân thiện, để hình ảnh người thầy không bị nhòe, không bị lu mờ trước những món quà ngày nhà giáo.
Tôi chỉ muốn các bậc phụ huynh hiểu rằng ở đâu cũng có giáo viên tốt, yêu thương và tận tâm với học trò.
Không phải người thầy nào cũng ham tiền, rồi đốc thúc học sinh đi học thêm để kiếm thêm thu nhập. Còn nhiều người thầy tận tâm lắm, mong phụ huynh hãy tin như vậy".
"Tôi là giáo viên tiểu học vùng nông thôn. Khi còn công tác giảng dạy, tôi "sợ" nhất là ngày 20/11 để "bị" nhận quà từ phụ huynh học sinh. Đồng nghiệp với nhau, người thì vênh mặt xem như mình "giỏi" với hàng đống quà tặng còn nhiều giáo viên khác, nhất là giáo viên dạy môn nhạc, vẽ, thể dục... lèo tèo vài cành bông hồng. Chua xót quá! Vợ chồng tôi kiên quyết không nhận quà chỉ nhận vài cành hồng cho vui ngày nhà giáo, mọi người "cười" là chúng tôi làm "nổi", lập dị. Đến khi nghỉ hưu, tôi sợ nhất là được mời dự 20/11 ở trường cũ. Cái "kịch bản" khoe thành tích, phát biểu dài lê thê kết thúc là buổi "tọa đàm" bằng bữa cơm thân mật giữa nhà trường, giáo viên cũ và mới, chính quyền, đại diện phụ huynh học sinh... kinh phí từ quỹ phụ huynh học sinh trích ra cũng như "phong bì" của khách đến dự đóng góp cho bữa cơm thân mật ấy. Ngày nhà giáo Việt Nam đối với tôi sao cảm thấy nhạt nhẽo, xa lạ quá. Tôi thích ở nhà chờ đón những em học sinh ngày xưa đến thăm, có em đạt học vị, chức vụ cao, có em còn lận đận đi phụ hồ, làm ruộng... đến thăm với một cành hồng trên tay, thầy trò ngồi ăn bánh ngọt, uống trà kể lại chuyện ngày xưa sao mà đầm ấm, thân thương và trọn tình trọn nghĩa của ngày nhà giáo", độc giả Năm An Nhứt, một giáo viên ở vùng quê nghèo tâm sự trên PLO.
Thay cho lời kết, xin mượn lời của Giáo sư Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch chia sẻ trên Dân trí, “Tình thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao quý của con người và trẻ cần được bồi đắp tình cảm này. Tình cảm thầy trò đang bị lung lay, mai một trong cuộc sống hiện nay thì việc bồi dưỡng, vun đắp tình cảm lại càng cần thiết.
Một năm có hai ngày, mùng 3 Tết thầy cô và ngày 20/11, hãy tạo điều kiện cho các em bày tỏ, thể hiện tình cảm đến thầy cô một cách chân thành nhất - chứ không phải là chuyện của món quà. Qua đó nuôi dưỡng, làm giàu cho tâm hồn các em, giúp trẻ biết trân trọng những giá trị tình cảm, nét đẹp tôn sư trọng đạo. Âu đó cũng là nhiệm vụ giáo dục của gia đình, của nhà trường".
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-vien-so-nhat-ngay-2011-vi-bi-nhan-qua-tu-phu-huynh-a68840.html