(ĐSPL) - Lực lượng chính phủ Iraq đã giao tranh dữ dội với dân quân Hồi giáo Sunni, cách thủ đô Baghdad 60 cây số.
Iraq đã sa vào nội chiến thực sự
BBC dẫn lời một nguồn từ chính phủ nói Baquba – thủ phủ tỉnh Diyala giáp thủ đô Baghdad về phía bắc – nói quân nổi dậy Sunni đã đánh chiếm quận ở rìa phía tây thành phố, trước khi quân chính phủ và dân quân Shi’ite chiếm lại.
|
Quân nổi dậy Sunni chiếm một căn cứ quân sự ở Iraq và đang tiến về thủ đô Baghdad |
Các lực lượng của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông” (ISIL) đang nhắm tới Baquba, cách thủ đô Baghdad khoảng một giờ lái xe trên đường cao tốc.
Tại tỉnh Anbar nằm ở phía tây thủ đô Baghdad, quân nổi dậy Sunni đã bắn hạ một trực thăng của chính phủ ở gần thành phố Fallujia và cho biết đã phá hủy vài xe tăng trong khi giao tranh. Họ cũng nói lực lượng quân đội đã bỏ trốn khỏi căc cứ quân sự gần Ramadi, thủ phủ của tỉnh.
Đồng thời ISIL và các đồng minh trong cộng đồng người Sunni bắt đầu tiến đánh các thành phố sát biên giới Syria. Ở Tal Afar, thành phố chiến lược phía tây Mosul, thuộc tỉnh Nineveh, có báo cáo rằng lực lượng tiếp viện đã tới nhằm giúp quân chính phủ giành lại thành phố từ tay phe nổi dậy. Lực lượng không quân của Iraq nói đã bắt đầu tấn công trong khu vực. Thành phố này có khoảng 200.000 dân, nằm giữa Mosul và biên giới với Syria, bị quân nổi dậy đánh chiếm vào sáng sớm ngày 16/6.
Giới tướng lĩnh quân đội Iraq nói rằng họ đã nắm được lợi thế trong cuộc giao tranh chống lại quân nổi dậy Sunni. Bất chấp sự lạc quan này, nhiều báo cáo nói rằng các phần tử chủ chiến đã chiếm, ít nhất là trong chốc lát, nhiều nơi trong thị trấn Baquba, trên xa lộ chính phía bắc Baghdad.
Các bản tin khác nói các quân nổi dậy Sunni cũng đã đè bẹp thị trấn Mufraq gần đó, chiếm được đồn cảnh sát. Phát ngôn viên quân đội Iraq Qassem Mohammed Atta nói với đài truyền hình nhà nước rằng 52 tù nhân bên trong nhà tù ở đồn này đã bị hạ sát trong vụ tấn công.
Các mạng lưới truyền hình Arập cũng loan tin nhà máy lọc dầu chính ở Beiji, phía bắc Baquba, đã bị đóng cửa sau khi các lực lượng nổi dậy Sunni chiếm đóng một phần thị trấn. Có tin nhân viên dầu khí nước ngoài đã được sơ tán.
Các nhân chứng cho biết quân nổi dậy Sunni đã chiếm được đồn biên giới Qa’im, giáp với Syria. Chiến binh thuộc nhóm Pershmerga của người Kurd đã chiếm đồn biên giới Yaroubia giáp với Syria cách đây vài ngày, sau khi có tin lực lượng chính phủ bỏ chạy.
Hình ảnh video cho thấy quân nổi dậy Sunni bắn pháo chống tăng vào các vị trí của chính phủ ở phía nam thị trấn dầu khí Kirkuk có nhiều sắc tộc sinh sống. Phần lớn thành phố này nằm dưới sự kiểm soát của chiến binh Peshmerga người Kurd.
Tư lệnh Không quân Iraq Anwar Hama Amin nói với đài truyền hình nhà nước rằng máy bay và trực thăng cơ của chính phủ đang tiến hành các cuộc “tấn công chính xác” bằng rocket và phi đạn, nhắm vào các vị trí mà ông nói là của “khủng bố” ở gần Mosul và Fallujah.
Cộng đồng Sunni nổi dậy chống chính phủ ở Baghdad
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki nhấn mạnh rằng đa số các phần tử chủ chiến Sunni chống lại chính phủ ông đều là “các phần tử khủng bố” thuộc tổ chức thánh chiến “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông”. Thế nhưng, theo VOA, một số nhà lãnh đạo Sunni chống lại lời tuyên bố này.
|
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki nhấn mạnh rằng đa số các phần tử chủ chiến Sunni chống lại chính phủ ông đều là “các phần tử khủng bố”. |
Sheikh Ali Hatem, người đứng đầu bộ tộc Dulaim của người Sunni có nhiều thế lực, nói với đài truyền hình al Arabiya của Arập Xêút rằng “chỉ có từ 3 đến 5\% chiến binh Sunni thuộc tổ chức ISIL”. Tỉnh trưởng Mosul Athil Nujaifi lập luận rằng cách đây vài ngày “nhiều nhóm Sunni khác nhau” đã hợp lực chống lại chính phủ Maliki.
Chuyên gia phân tích Trung Ðông Nadim Shehadi của Chatham House ở Anh nói rằng ông không thể đưa ra một con số chính xác về tỷ lệ các chiến binh ISIL trong lực lượng nổi dậy Sunni, nhưng ông tin rằng “ISIL chỉ là một thiểu số nhỏ”. Ông tin rằng sự sụp đổ của lực lượng chính phủ hiện nay một phần là do việc triệt thoái bất ngờ của Mỹ khỏi Iraq vào năm 2010. Ông Nadim Shehadi nói: “Ðây một phần là kết quả của cách thức chính quyền Mỹ rút khỏi Iraq. Nó tạo ra một khoảng trống. Chính quyền Mỹ liên kết với những người bộ tộc Sunni và cùng với họ chiến đấu chống lại tổ chức al-Qaeda ở Iraq. Nhưng rồi họ lại bỏ hiện trường và chịu đựng các chính sách của ông Mailiki”. Ông Shehadi nêu ra rằng người phụ tá của cố Tổng thống tụ Iraq Saddam Husseinn là Phó tổng thống Ezzet Ibrahim el Douri “đã ra mặt và loan báo liên minh với al-Qaeda ở Iraq vào tháng 5/2013”.
Thủ tướng Khu tự trị Kurdistan, ông Nechirvan Barzani, cũng nói với BBC rằng người Sunni cảm thấy bị chính phủ do đa số người Shi’ite cầm quyền bỏ rơi. Ông nói sẽ rất khó để Iraq trở lại tình hình trước khi xảy ra đụng độ với dân quân Sunni, được dẫn dắt bởi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông” (ISIL), chiếm giữ các thành phố phía bắc là Mosul và Tikrit trong cuộc tiến công nhanh hồi tuần trước và Tal Afar hôm 16/6.
Mỹ hợp tác với Iran để giúp Iraq?
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Washington sẵn sàng hợp tác với Iran để giúp Iraq. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Zlatika Hoke của đài VOA, một số người e rằng sự can dự của Iran có thể làm cho bạo động ở Iraq gia tăng thêm nữa.
|
Ngoại trưởng John Kerry: Tổng thống Obama sẽ không để cho Iraq bị tan rã |
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng tin tức của Yahoo ngày 17/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Tổng thống Barack Obama đang xem xét tới việc thực hiện những vụ không kích để giúp chính phủ Iraq. Ông Kerry cho biết Tổng thống Obama sẽ không để cho Iraq bị tan rã và nói: "Tôi không tin là Tổng thống Obama sẽ ngồi yên và để cho việc này xảy ra”.
Mỹ đã điều 4 chiến hạm tới Vịnh Ba Tư, trong đó có một tàu sân bay với nhiều chiến đấu cơ và tên lửa.
Ngoại trưởng Kerry cho biết Washington đang xem xét tới nhiều cách thức khác nhau để giúp Iraq, kể cả việc sử dụng máy bay không người lái và hợp tác với Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tehran sẵn sàng hợp tác với Mỹ để lập lại an ninh trật tự ở Iraq, bên trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, một số chính khách và các nhà phân tích ở Mỹ cho biết sự can dự của Iran sẽ làm cho bạo động ở Iraq gia tăng thêm nữa. Hai nước láng giềng này có những mối quan hệ căng thẳng trong một thời gian rất lâu và đã giao chiến với nhau trong thập niên 1980.
Ông David Schenker, một nhà phân tích của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, cho biết Tehran đã gây phương hại cho nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một nước Iraq dân chủ dưới sự cai trị của cả hai phe Hồi giáo Sunni và Shia. Ông nói thêm: "Thế mà bây giờ chúng ta lại kêu gọi họ nắm giữ một vai trò tích cực. Đây là một chế độ không mong muốn điều gì khác hơn là một nước Iraq do người Shi’ite làm bá chủ. Và thật tình mà nói, nếu đó là những gì mà họ muốn, thì họ sẽ làm bùng ra một cuộc nội chiến đẫm máu hơn với qui mô lớn hơn ở Iraq."
Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ Iraq hòa giải phe phái
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi chính phủ Iraq tiếp xúc với tất cả các phe phái để ngăn chặn bạo động phe phái bùng phát với các hậu quả tai hại.
|
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi hòa giải ở Iraq |
Ông Ban Ki-moon tuyên bố ông rất quan ngại về tình hình an ninh xấu đi một cách mau chóng ở Iraq, kể cả tin tức về những vụ hành quyết tập thể bừa bãi do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông” tiến hành.
Ông nói có nguy cơ thực sự sẽ xảy ra thêm bạo động phe phái ở quy mô lớn bên trong và vượt ra khỏi cả biên giới của Iraq. Ông cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Iraq al-Maliki và hối thúc ông này khởi sự một cuộc đối thoại với mọi thành phần để tìm ra một giải pháp.
Ông nói điều cấp thiết là các nhà lãnh đạo phải lắng nghe tiếng nói của người dân, để biết được các nguyện vọng và các mối quan tâm của họ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói: “Bất ổn chính trị thường dẫn tới một môi trường nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố thẩm nhập vào xã hội. Vì thế, tôi khẩn khoản kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới phải thực tâm chú ý đến các nguyện vọng của dân chúng trước khi các nguyện vọng hay các lời khiếu nại của họ châm ngòi cho bất ổn chính trị”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói đã đến lúc tất cả các nhà lãnh đạo thế giới phải giải quyết các mối quan tâm, các khiếu nại, và sự bất mãn của nhân dân họ trước khi các diễn biến vuột ra khỏi tầm kiểm soát và biến thành những cuộc khủng hoảng không thể kiềm chế.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-tranh-du-doi-sat-thu-do-baghdad-a37279.html