+Aa-
    Zalo

    Giao thừa thiêng liêng ở Thành Cổ Quảng Trị

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ở Quảng Trị nhiều năm nay, người dân giữ thói quen tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Thành Cổ vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới.

    Ở Quảng Trị nhiều năm nay, người dân giữ thói quen tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Thành Cổ vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới.

    Lệ bất thành văn

    Chẳng biết từ bao giờ, thói quen xuất hành đến với Thành Cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) để bắt đầu năm mới lại có đối với người dân nơi đây. Đều đặn nhiều năm qua, cứ thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới và sáng sớm ngày mùng Một Tết, rồi cả mùng Hai, mùng Ba..., những bước chân thật khẽ, những tiếng thở thật nhẹ, mọi người đến trước ngôi mộ lớn duy nhất để thì thầm với các anh trong không gian tĩnh lặng, khói hương trầm nghi ngút rằng một mùa Xuân mới nữa lại về.

    Đêm Giao thừa, Thành Cổ Quảng Trị không đóng cửa và luôn sáng đèn, ban Quản lý khu di tích bố trí người túc trực để đón tiếp người dân đến dâng hương.

    Bà Cáp Thị Thiên Trang - Trưởng ban Quản lý di tích Thành Cổ Quảng Trị -chia sẻ: “Giống như một cái lệ bất thành văn, người dân nơi đây luôn tâm niệm, trong năm mới, dù đi đâu, làm gì thì cũng phải đi viếng Thành Cổ trước đã. Vì thế, nếu không kịp vào Thành Cổ lúc Giao thừa thì sớm mùng Một Tết, họ sẽ đến thắp hương, rồi mới đi đâu, làm gì thì làm. Nhiều năm nay, ngày đầu năm mới giống như một ngày hội tri ân của người sống với người đã khuất. Trong lòng mọi người, tôi tin cũng chung suy nghĩ như chúng tôi rằng các anh luôn còn mãi”.

    Liệt sỹ an yên, người sống mới an lòng

    Gắn bó với Thành Cổ đã 18 năm, làm công việc quản lý được 6 năm, sống ở Đông Hà, nhưng quê gốc thì ở ngay gần Thành Cổ, bà Trang luôn cảm thấy may mắn và xúc động vì bản thân đã được trải nghiệm qua những đêm Giao thừa rất đỗi linh thiêng như thế. Trải qua nhiều năm công tác, đúc kết lại, bà Trang tâm niệm, đối với người đã mất, thể xác là không còn nhưng những mong muốn của họ thì cũng như mình.

    “Toàn bộ anh chị em làm việc ở Thành Cổ đều ý thức được rằng, làm công việc cho người đã khuất không phải để lấy thành tích hay ghi danh mà là làm cho những điều còn mãi. Làm việc với cái tâm ở nơi linh thiêng không giống công việc ở những chỗ khác, vì công việc này không chỉ cần trách nhiệm mà còn có cả lòng biết ơn. Chúng tôi luôn cố gắng thật chu đáo để tất cả những người khi về đây tri ân với các anh hùng liệt sĩ sẽ đều cảm thấy an lòng”, bà Trang nói.

    Vẫn tiếp cái chất giọng nằng nặng và dễ thương pha chút tếu táo của người Quảng Trị, bà bảo: “Trên này mình được vui vẻ cuộc sống thì các chú, các anh dưới đó cũng cần được vui vẻ. Ranh giới giữa khao khát của người đã mất với người sống là không mất đi. Mọi người luôn chăm chút cho bàn thờ gia tiên ở nhà ấm áp thì ở đây, chúng tôi cũng lo cho các chú, các anh được cảm giác ấm cúng, sum vầy”.

    Trong số 72 nghĩa trang ở Quảng Trị thì Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn được biết đến là 2 nghĩa trang không bia mộ. Theo thống kê, tổng số bom đạn Mỹ - Ngụy ném xuống Thành Cổ và thị xã Quảng Trị trong chiến dịch tái chiếm 81 ngày đêm năm 1972 bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Những mất mát và đau thương là không thể đong đếm, sự tàn khốc của chiến tranh là sự thật không gì thay thế.

    Khi máu xương các anh đã hòa cùng với đất, mỗi bước chân trên mảnh đất này đều thật khẽ khàng vì sợ chạm vào bất cứ ai, thế nên công việc mà chị Trang cùng các đồng nghiệp đang làm là để nếu lỡ người thân không đến thăm viếng được thì các chú, các anh cũng thấy an ủi phần nào. Người con đất Quảng Trị lý giải một cách chân chất: “Các chú, các anh vui vẻ thì mình mới yên tâm. Gìn giữ nơi yên nghỉ của các chú, các anh mà làm không tốt thì lòng mình cũng ngổn ngang lắm”.

    Bởi vậy, vào những ngày lễ lớn của đất nước hay ngày giỗ riêng dành cho các chiến sĩ hy sinh ở Thành Cổ, ban Quản lý thường chuẩn bị những mâm cúng nhỏ như tâm linh vốn có trong mỗi gia đình Việt Nam để mời các chú, các anh về tề tựu, hàn huyên những câu chuyện hôm qua để làm tốt hơn những việc của hôm nay và mai sau.

    Bà Trang nhắn nhủ, sự linh thiêng ở Thành Cổ là có thật. Những người chết đi là thể xác, còn lại là sự tồn tại trong tâm tưởng mỗi người. Bởi thế mà Thành Cổ cũng như một gia đình lớn, đêm Giao thừa luôn có những đứa con tìm về quây quần và thì thầm nhắc nhau chuyện tri ân.

    Vì sự tươi đẹp của đất nước, vì sự hồi sinh đặc biệt của mảnh đất nơi đây mà chẳng ai bảo ai, tự trong tâm khảm mỗi người đều thấy mình cần như thế, nên như thế để tạ ơn và cũng là để lòng mình phơi phới niềm tin: Tin vào độc lập, hòa bình, ấm no, hạnh phúc ngập tràn trong những ngày tháng tiếp của cuộc đời, để viết tiếp tuổi thanh xuân của các anh gửi lại, cho đất nước ngàn năm mãi bình an.

    Dương Thu

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật gộp 11 số

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-thua-thieng-lieng-o-thanh-co-quang-tri-a354869.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan