Nếu như trở thành cha mẹ là thử thách lớn nhất trong đời người thì lên chức ông bà cũng không dễ dàng hơn.
Đã có hàng nghìn cuốn sách về cách làm thế nào để trở thành một phụ huynh tốt nhưng ngày cháu đầu lòng ra đời cũng là một sự thay đổi lớn với các bậc cha mẹ, khi 'lên chức' ông bà. Một trong những lý do là sự trẻ hóa trong độ tuổi kết hôn và sinh đẻ. Theo Telegraph, hơn 7 triệu ông bà ở Anh ở độ tuổi dưới 65, (10% trong số đó dưới 50 tuổi) và ngay cả những người trong độ tuổi 70 và 80 cũng có đời sống trẻ trung hơn nhiều so với các thế hệ trước.
Trở thành ông bà cũng là trải nghiệm khó khăn tương tự như làm cha mẹ - Ảnh: Getty |
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford và Viện Giáo dục cho thấy trẻ em hạnh phúc và khỏe mạnh hơn nếu được ông bà chăm sóc và gần gũi. Đồng thời, các ông bà dành thời gian với các cháu cũng có xu hướng vui vẻ và hòa đồng hơn.
Vậy các bậc ông bà của năm 2018 cần làm những gì? Giáo sư Ann Buchanan từ Đại học Oxford, người từng viết và biên tập một số tựa sách về ông bà đã tổng hợp 14 lưu ý vô cùng hữu ích cho câu hỏi này!
1. Dành thời gian tối đa chăm sóc các cháu…
Chăm sóc các cháu là một trách nhiệm khá nặng nề nhưng cũng vô cùng thú vị. Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Tuổi thọ Quốc tế (ONS), hơn 9 triệu ông bà ở Anh được con cái nhờ chăm sóc các cháu. Một báo cáo riêng của các công ty bảo hiểm RIAS dành cho người trên 50 tuổi nhận thấy rằng ông bà dành trung bình 9 giờ/ tuần để chăm sóc cháu, tiết kiệm £1,902 (2.300 USD) học phí mỗi năm. Đây là con số chứng minh vai trò quan trọng của ông bà trong gia đình hiện đại.
2. … nhưng đừng quá sức
Nhiều bậc ông bà rất yêu cháu bởi cảm giác được bồng bế lại đứa con thơ ngày nào. Điều này thường dẫn đến những lời hứa không thể thực hiện hoặc nỗ lực quá sức để làm vừa lòng đứa trẻ. Cố gắng này, đáng tiếc, lại dẫn tới sự căng thẳng tâm lý và mâu thuẫn với con cái thay vì một gia đình hạnh phúc hơn.
3. Sẵn sàng cho các khoản chi tốn kém
Trở thành ông bà không chỉ lấy đi của bạn một khoảng thời gian hàng ngày mà còn khá tốn kém. Theo nghiên cứu của tổ chức Gransnet, 2/3 các ông bà thường xuyên bỏ tiền túi để mua đồ chơi, chi trả các hoạt động giải trí và cho cháu tiền tiêu vặt. Những bậc ông bà có kinh nghiệm thậm chí đều hiểu rằng thời kỳ tốn kém nhất không phải là thời kỳ sơ sinh mà là bậc tiểu học và trung học – thời kỳ bọn trẻ bắt đầu biết trưng diện và đòi hỏi theo đuổi sở thích riêng như hội họa, ca nhạc…
4. Học cách sử dụng các thiết bị công nghệ
Trả lời phỏng vấn tờ Telegraph, một ông nội 75 tuổi nói: “Thời gian đầu chăm sóc em bé, tôi gần như phát điên lên với các loại màn hình, điều khiển, nhiệt độ phòng, lò vi sóng, thiết bị hẹn giờ của máy hâm sữa nhưng giờ thì đã ổn rồi. Nhưng chúng thực sự không dễ dàng với người lớn tuổi!”. Bạn biết đấy, sử dụng đồ công nghệ có vẻ không mấy hấp dẫn nhưng vô cùng cần thiết với với các bậc ông bà ở thế kỷ 21.
Học sử dụng đồ công nghệ cao là kỹ năng cần thiết cho các ông bà ở thế kỳ 21 - Ảnh: iParents |
5. Hạn chế đưa ra lời khuyên
Quá nhiều lời khuyên về cách nuôi dạy trẻ có thể gây ra xung đột. Các bậc ông bà thường cảm thấy có trách nhiệm phải hướng dẫn con cái mình toàn bộ các lưu ý về trẻ sơ sinh và cáu giận nếu không được lắng nghe. Tuy nhiên, thái độ trung lập và góp ý trên tinh thần xây dựng sẽ khiến bản thân bạn và các con dễ chịu hơn rất nhiều.
6. Và đừng nói: ”Ngày xưa bố mẹ toàn…”
Nhiều bậc cha mẹ cho biết các cuộc tranh cãi về kinh nghiệm nuôi trẻ bắt đầu bằng cụm từ “ngày xưa” thường không bao giờ kết thúc và chẳng dẫn tới điều gì tích cực. Mọi thứ đều đã thay đổi sau quãng thời gian hàng chục năm và vì vậy, những phương pháp bạn từng áp dụng với con cái mình (nay đã trở thành phụ huynh) có thể không còn phù hợp.
Những phương pháp nuôi dạy trẻ trước đây có thể đã trở nên lỗi thời và không phù hợp. - Ảnh: Getty |
7. Chấp nhận và làm theo các phương pháp mới
Một bác sĩ nhi khoa hàng đầu của Mỹ cho biết nhiều ông bà đang chăm sóc trẻ bằng phương pháp lạc hậu, có khả năng gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Tiến sĩ Andrew Adesman phát hiện ra rằng 25% ông bà tham gia khảo sát không biết rằng lắc mạnh trẻ sơ sinh trên ghế bập bênh hay võng có thể dẫn đến đột tử hoặc liệt não trong khi gần 50% nghĩ rằng chườm đá là cách hạ sốt nhanh nhất. Trên thực tế, cách này có thể gây ra nguy cơ hạ thân nhiệt. Dù bạn có thể cảm thấy khó hiểu và miễn cưỡng với các phương pháp mới, hãy thực hiện chúng nếu bác sĩ chuyên khoa yêu cầu.
Còn tiếp...
Thu Phương(Theo Telegraph)