+Aa-
    Zalo

    Giáo sư Mỹ lý giải vì sao bác sĩ Việt không cần học "từ thấp lên cao"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - “Sau khi đã làm việc với đội ngũ bác sĩ và dược sĩ của Vinmec, chúng tôi quan sát thấy trình độ của họ thực sự khá tốt....

    “Sau khi đã làm việc với đội ngũ bác sĩ và dược sĩ của Vinmec, chúng tôi quan sát thấy trình độ của họ thực sự khá tốt. Cho nên thay vì cân nhắc đào tạo lần lượt từ trình độ thấp lên cao, chương trình của chúng tôi sẽ chú trọng vào việc tiếp cận những phương pháp và công nghệ mới hơn, cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe tận tay và tích hợp dịch vụ”.

    Giáo sư Glen N. Gaulton, Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc tổ chức Sức khỏe toàn cầu, Trường Y khoa Perelman (thuộc Đại học Pennsylvania - PENN), và hiện là thành viên Ban Điều hành lâm thời Dự án Đại học VinUni, đã chia sẻ về quá trình xây dựng “Trung tâm xuất sắc” về tim mạch và ung bướu đầu tiên ở Việt Nam.

    Quyết định xây dựng “Trung tâm xuất sắc” chuyên về tim mạch và ung bướu đầu tiên tại Việt Nam dựa trên 2 lý do: gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam, và nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế hàng đầu ở Vinmec và PENN

    Mang tiêu chuẩn y khoa Mỹ áp dụng tại Việt Nam

    PV: Thưa ông, vì sao Đại học Pennsylvania (Penn) và Vinmec ký kết xây dựng “Trung tâm xuất sắc” đầu tiên ở Việt Nam về tim mạch và ung bướu mà không phải là các chuyên ngành khác?

     GS Glen N. Gaulton: Quyết định xây dựng “Trung tâm xuất sắc” (COE) chuyên về tim mạch và ung bướu đầu tiên tại Việt Nam dựa trên 2 lý do: gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam, và nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế hàng đầu ở Vinmec và PENN.

    Hiện người dân Việt cũng đang phải đối mặt với những căn bệnh vốn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ và các nước Châu Âu như tai biến mạch máu não, tim mạch, tiểu đường, ung thư... Vì thế, để chủ động phòng ngừa, chúng ta cần thay đổi lối sống, khám sàng lọc và can thiệp trị liệu sớm để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng, hoặc có thể hy vọng tìm ra được phương pháp chữa trị tối ưu.

    Còn vì sao là Vinmec thì tôi đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên với ban lãnh đạo Vinmec cũng như dự án VinUni vào cuối năm 2017. Chỉ sau 30 phút đối thoại, tôi đã biết chính xác đây là những gì chúng tôi đang tìm kiếm để phát triển dự án giáo dục y khoa, cải thiện chất lượng dịch vụ lâm sàng và chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu y học chuyên sâu và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.

    Trước đó, chúng tôi chỉ thành lập đối tác ở cấp độ Nhà nước, cụ thể là trực tiếp ký kết với các Bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ hay những đại học Quốc gia. Tuy nhiên, chúng tôi ấn tượng trước những cam kết và chiến lược hành động của Vingroup, Vinmec và cả VinUni và tự tin vào việc thành COE. Việc hợp tác với Vinmec cùng kinh nghiệm và thế mạnh của PENN về tim mạch lẫn ung bướu, sẽ nhanh chóng thúc đẩy mục tiêu đem chương trình chăm sóc y tế đến toàn thể cộng đồng mà chúng tôi đã đề ra.

    PV: Trước Vinmec, PENN đã từng hợp tác như thế nào với các bệnh viện khác trên thế giới? Có phải Penn cũng sẽ mang những tiêu chuẩn y khoa của Mỹ về áp dụng tại các bệnh viện thuộc hệ thống Vinmec thông qua lần hợp tác này?

    Giáo sư Glen N. Gaulton: Chúng tôi đã làm việc với hơn 50 quốc gia trên khắp toàn cầu, chủ yếu tập trung vào 3 khu vực chính là Đông Nam Á, châu Phi và Trung Mỹ. Thông qua lần hợp tác giữa PENN và Vinmec, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong những trụ sở chính của PENN tại Đông Nam Á.

    Thông qua việc xây dựng các Trung tâm xuất sắc về Ung bướu và Tim mạch đầu tiên tại Việt Nam, Vinmec sẽ áp dụng những phương pháp và công nghệ mới của thế giới, phối hợp đa chuyên khoa, kiểm soát biến chứng… nhằm cung cấp cho người bệnh chất lượng khám & điều trị cao nhất.

    Còn với thắc mắc có phải PENN sẽ mang tiêu chuẩn y khoa Mỹ áp dụng tại Việt Nam không, tôi khẳng định là "Có". Chúng tôi sẽ cử các giáo sư, bác sỹ hiện đang làm việc tại Việt Nam để hỗ trợ đào tạo theo hình thức hợp tác phát triển tài năng với Vinmec. Tương tự, cũng sẽ có đội ngũ giảng viên và nhân viên y tế của Vinmec được trực tiếp đào tạo tại PENN. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là các bác sĩ, điều dưỡng tại Vinmec đều đạt được tiêu chuẩn y khoa của PENN.

    Với y khoa, việc học là cả đời

     PV: Vậy theo ông, sau bao lâu thì các bác sĩ của Vinmec có thể thực sự thành thạo chuẩn y khoa Mỹ để làm việc tại "Trung tâm xuất sắc"?

    Giáo sư Glen N. Gaulton: Sau khi đã làm việc với đội ngũ bác sĩ và dược sĩ của Vinmec, chúng tôi quan sát thấy trình độ của họ thực sự khá tốt. Cho nên thay vì cân nhắc đào tạo từ trình độ thấp lên cao, chương trình của chúng tôi sẽ chú trọng vào việc tiếp cận những phương pháp và công nghệ mới hơn, cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe tận tay và tích hợp dịch vụ. Dù rất khó để đưa ra giới hạn tuyệt đối song chúng ta sẽ nhìn thấy những tiến bộ sau khoảng 1-3 tháng đầu tiên.

    Việc hợp tác với Hệ thống Y tế Vinmec còn nhằm mục tiêu củng cố chất lượng giảng dạy lâm sàng, cũng như nghiên cứu y khoa cho bác sĩ Vinmec và Viện Khoa học sức khỏe (dự án Đại học VinUni). Điều này là hết sức quan trọng bởi vì quá trình đào tạo y khoa lý tưởng phải được diễn ra tại môi trường bệnh viện, người học có cơ hội tiếp xúc với đa dạng bệnh nhân và các chủng bệnh khác nhau. Chúng tôi cũng mong muốn hướng sinh viên trở thành người thầy cho chính bản thân mình, từ đó có thể tiếp tục quá trình tự học tập suốt đời và truyền lại kiến thức cho thế hệ tiếp theo.

     PV: Điều gì gây ấn tượng nhất với ông khi làm việc với người Vinmec, thưa Giáo sư?

     Giáo sư Glen N. Gaulton: Chất lượng của con người của Vinmec là điều khiến tôi ấn tượng nhất. Chúng tôi đã được truyền cảm hứng bởi chính nhiệt huyết từ ban lãnh đạo cho đến toàn thế nhân viên Vinmec. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và mức độ đầu tư về công nghệ tại Vinmec thực sự vô cùng tuyệt vời (GS Glen nhấn mạnh từ spectacular, nghĩa là “choáng ngợp, ngoạn mục” khi nói về điều này - PV).

    Vinmec cũng đã tạo ấn tượng mạnh mẽ về những thành công có được hiện tại cũng như tính sẵn sàng đảm nhận nhu cầu cải tiến và thay đổi để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ lâm sàng, tạo ra một tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe mới tại Việt Nam. Vinmec là đối tác bệnh viện đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam mà PENN hợp tác để xây dựng các COE. Chúng tôi tin tưởng lần hợp tác này sẽ góp phần tạo ra những thay đổi đột phá trong chất lượng chăm sóc những bệnh nhân không may mắc bệnh ung thư và tim mạch tại Vinmec nói riêng, từ đó tác động tích cực đến sức khoẻ của người dân Việt Nam nói chung.

    PV: Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

    Ngày 17/7/2019, Tập đoàn Vingroup và Hệ thống Y tế Vinmec đã ký kết hợp tác với Đại học Pennsylvania (PENN – Top 8 đại học tinh hoa hàng đầu nước Mỹ) nhằm xây dựng các chuyên khoa tim mạch và ung bướu Vinmec trở thành “Trung tâm xuất sắc” (Center of Excellence – COE) về tim mạch và ung bướu. Đây là mô hình “Trung tâm xuất sắc” đầu tiên tại Việt Nam được triển khai với sự tham gia chủ trì của các giáo sư , chuyên gia uy tín hàng đầu thế giới.Dự kiến đến năm 2021 – 2022, Vinmec sẽ đạt các tiêu chuẩn COE về Tim mạch và Ung bướu theo tiêu chí của các Tổ chức uy tín trên thế giới và mở rộng xây dựng các CEO trong các lĩnh vực khác.

    Thu Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giao-su-my-ly-giai-vi-sao-bac-si-viet-khong-can-hoc-tu-thap-len-cao-a287400.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan