Dù đã góp phần đóng góp vô cùng to lớn cho ngành y khoa nước nhà, giúp hàng ngàn đứa trẻ chào đời bắng thụ tinh ống nghiệm nhưng đến nay Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn còn nhiều trăn trở.
Bỏ tiền túi đầu tư cho kỹ thuật mới
Lâu nay, nhắc tới GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, người ta thường nhớ đến nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về ứng dụng tại nước nhà. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để làm được việc này là cả một hành trình gian nan, đầy sóng gió.
Kể về nguyên nhân vì sao lại muốn đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về nước, bà nhẹ nhàng cho biết: “Từng là một bác sĩ sản khoa, tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều phụ nữ hiếm muộn. Qua những tâm sự của họ, tôi rất thương. Thậm chí nhiều người còn chịu áp lực tâm lý khắt khe từ nhà chồng. Họ nỡ buông những câu như: “Cây độc không trái, gái độc không con”… làm tổn thương sâu sắc đến người phụ nữ”.
Từ đó, GS Phượng luôn ấp ủ phải làm sao giúp được chị em hiếm muộn có con để họ tìm lại niềm vui, tìm lại hạnh phúc cho chính bản thân và . Năm 1984, trong một lần đi công tác tại Thái Lan, bà được thăm một cơ sở thụ tinh ống nghiệm. Lúc bấy giờ, là Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, bà càng nhen nhóm khát khao làm sao đem kỹ thuật này về ứng dụng tại Việt Nam.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ với PV tại gia đình của bà |
Tuy nhiên, giai đoạn này, kinh tế đất nước còn khó khăn, và Nhà nước còn xây dựng kế hoạch hóa dân số, nếu bỏ chi phí 3 triệu USD để thành lập trung tâm hỗ trợ sinh sản thì quá đắt đỏ, xa xỉ. Nhưng, hy vọng của bà vẫn không bao giờ tắt. Từ đây, bà đã âm thầm lên kế hoạch tự mình “sản xuất” những em bé đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện Từ Dũ.
Việc đầu tiên là bà tự xây dựng nền móng vững chắc tại bệnh viện Từ Dũ. Bà xây dựng các chuyên khoa cơ bản để hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm như: Khoa Nội soi, khoa Xét nghiệm, mua máy siêu âm, máy xét nghiệm, xây dựng ngân hàng tinh trùng… “Chúng tôi không đủ tiền nên tự mua trả góp máy siêu âm, thiết bị máy móc liên quan xét nghiệm để cải tiến quy trình xét nghiệm, điều trị vô sinh”, GS Phượng tiết lộ.
Năm 1994, bà được cử sang Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ. Bà may mắn được cấp học bổng để làm luận án giáo sư tại đại học Nice Sophia Antipolis. Trong 2 năm học, bà tự dọn đến ký túc xá ở, tự túc mọi thứ. Thức ăn hằng ngày bà chế biến từ những thực phẩm khô được mang từ Việt Nam qua như tôm khô, thịt khô… Nhờ thế chi phí rẻ hơn. Còn chuyện ở, bà được chế độ ở một căn hộ riêng với giá cả hồi đó khoảng 30 triệu tiền Việt, nhưng bà đã đến ký túc xá ở, chi phí giảm xuống hàng chục lần.
Nhờ tiết kiệm chi phí ăn ở hàng tháng cộng với khoản học bổng 16.000 Franc mỗi tháng mà bà được nhận, bà dành dụm để mua máy móc, thiết bị y tế như: Máy siêu âm đầu dò, máy xét nghiệm, dụng cụ lưu trữ tinh trùng…gửi về bệnh viện Từ Dũ.
Sau khi về nước, GS Phượng cử những bác sĩ trẻ, năng động, chuyên môn giỏi, có trình độ ngoại ngữ giỏi qua Pháp học tập về kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và về nước áp dụng. Và, sau 13 năm chuẩn bị từ cơ sở vật chất, thiết bị máy móc đến đội ngũ chuyên môn giỏi… GS Phượng đã đưa thành công kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm vào Việt Nam vào năm 1997.
Và “bà tiên” của nhiều gia đình
Đến ngày 19/8/1997, tại bệnh viện Từ Dũ, 5 phôi thai thụ tinh ống nghiệm được chuyển vào tử cung của 5 phụ nữ. Sau đó, 32 phụ nữ khác cũng đăng ký và được chuyển phôi. Thật may mắn, trong số 37 sản phụ được chuyển phôi thai thì có 12 sản phụ đậu thai. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt thành công đầu tiên của GS Phượng nói riêng và bệnh viện Từ Dũ nói chung về thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Giây phút hạnh phúc nhất của nữ giáo sư sau nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm chính là thời điểm 3 em bé chào đời đầu tiên vào ngày 30/4/1998 tại bệnh viện Từ Dũ. Các bé là Mai Quốc Bảo, Lưu Tuyết Trân và Phạm Tường Lan Thy. Đây là những em bé ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm và từ sự dày công nghiên cứu, hàng chục năm của GS Phượng.
GS.BS Ngọc Phượng thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân tại bệnh viện Mỹ Đức |
Trăn trở lớn nhất hiện nay của GS Phượng là, đến nay, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm đã giúp cho ra đời hàng chục ngàn đứa trẻ khác nhau trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam vẫn còn quá cao so với đời sống của người dân. Đồng thời, bên cạnh kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm được đề cao, Nhà nước cần tích cực có nhiều giải pháp khác nhau nhằm hạn chế tối đa việc tử vong bà mẹ trẻ em. Đã có nhiều chương trình thành công như “cô đỡ thôn bản”, giúp giảm thiểu tình trạng tử vong bà mẹ trẻ em tại những vùng sâu vùng xa, nhưng hàng ngày, tình trạng này vẫn xảy ra.
Đặc biệt 4 năm qua, bà cho ra đời chương trình “Ươm mầm hạnh phúc”, ưu tiên những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nghèo. Sau 4 năm đã có 120 cặp vợ chồng đến đăng ký và đã có 48 em bé tiếp tục chào đời bằng thụ tinh ống nghiệm tại bệnh viện Mỹ Đức, nơi GS Phượng làm việc thường xuyên sau khi nghỉ hưu. Chính vì vậy, bà được người ta gọi với cái tên trìu mến, bà tiên giữa đời thường, người đã đeo mang tiếng khóc cười của trẻ thơ, mang mầm sống, gieo thêm niềm hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình Việt Nam.
[presscloud]2621[/presscloud]
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ hiện là Chủ tịch hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, Phó Chủ tịch hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Bà được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động.