Sự việc xảy ra ở ký túc xá một trường đại học thuộc thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).
Khởi nguồn của sự việc được cho là vì một phụ huynh đã gọi điện cho giảng viên phụ trách công tác chủ nhiệm vào lúc 23h hôm trước chỉ để yêu cầu giảng viên này nhắc nhở con mình nhớ rửa mặt trước khi đi ngủ. Vị này sợ nếu con gái mình trang điểm cả ngày và không tẩy trang lúc ngủ có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Bị đánh thức lúc nửa đêm vì yêu cầu như vậy, nữ giảng viên đã mất ngủ cả tối hôm đó và khi cảm xúc lên đến đỉnh điểm, nữ giảng viên đã không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, đến độ vừa sáng ra đã xông thẳng lên phòng ký túc xá của nữ sinh - con gái vị phụ huynh gọi điện và lớn tiếng mắng em này.
Trong cuộc đối thoại được ghi lại, giáo viên đã thốt lên khá nhiều lời gay gắt. Trong số đó, câu nói đáng chú ý nhất là: "Tôi làm công tác chủ nhiệm nên tôi đáng chết à? Tôi làm công tác chủ nhiệm nên tôi phải phục vụ các em suốt 24/24h à?".
Sự việc sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng. Một số người cho rằng nữ giảng viên trong đoạn clip đã phản ứng thái quá và không nên lấy sinh viên ra để xả cơn tức giận, trong khi những người khác lại đồng cảm với thực tế rằng thầy cô cũng là con người và cần có không gian riêng tư, cũng như thời gian nghỉ ngơi. Họ cũng chỉ trích thái độ của phụ huynh, những người dường như không hiểu hoặc không tôn trọng ranh giới giữa việc chăm sóc con cái và việc can thiệp quá mức vào cuộc sống của con họ.
Câu chuyện đã làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi về giáo dục đại học và mối quan hệ giữa giáo viên, sinh viên và phụ huynh trong môi trường giáo dục hiện đại. Nhiều người bày tỏ quan điểm rằng việc học đại học là quá trình chuyển tiếp sang sự độc lập, và sinh viên cần phải học cách tự lập hơn thay vì dựa dẫm vào sự can thiệp từ phụ huynh.
Hiện vẫn chưa rõ giảng viên nói trên có bị nhà trường kỷ luật sau những phát ngôn quá khích lan truyền trên mạng xã hội hay không.
Từ câu chuyện của nữ giảng viên ở Trung Quốc, phụ huynh cũng cần rút kinh nghiệm hơn trong quá trình liên hệ trao đổi những vấn đề liên quan đến con cái và chuyện học hành của con cái.
Một số hành vi thực sự gây bực mình và phiền phức cho giáo viên mà phụ huynh cần lưu ý:
Luôn nghi ngờ, lo lắng về việc con bị bắt nạt
Không ít cha mẹ luôn dặn giáo viên: "Con tôi ngoan ngoãn và thật thà lắm. Cô để ý giúp ở trên lớp kẻo cháu lại bị các bạn khác bắt nạt". Mỗi khi đọc được một tin tức nào đó liên quan đến việc bắt nạt ở trường học, họ lại cuống lên và vội vàng nhắn tin nhắc nhở giáo viên phải trông coi học sinh cho kỹ.
Trẻ nhỏ thường hiếu động và có thể bị một vài vết trầy xước ở tay chân trong quá trình nô đùa với bạn bè. Tuy nhiên chẳng cần tìm hiểu kỹ, vừa thấy một vết trầy trên người con là cha mẹ cuống cuồng gọi điện chất vấn cô giáo xem ai đã bạo hành con mình, thậm chí còn đổ oan cho giáo viên.
Khi vụ việc chưa được giải quyết, họ đã sốt sắng đăng thông tin lên mạng xã hội để gây sức ép cho cả giáo viên và nhà trường. Đây thực sự là hành vi phản cảm và khiến phụ huynh mất điểm nặng nề trong mắt giáo viên.
Thích giám sát giáo viên, bắt gửi ảnh mọi lúc mọi nơi
Không ít phụ huynh cho con đi học mẫu giáo, sau đó vì công việc nhàn rỗi, thừa thời gian nên luôn muốn biết tình hình của con ở lớp như nào. Với những lớp học không có camera giám sát, họ liên tục nhắn tin và gọi điện để yêu cầu cô giáo gửi ảnh của con. Nếu lớp có camera, họ kiểm tra trực tiếp qua phần mềm trên điện thoại. Chỉ cần thấy cô giáo làm gì không vừa ý, những phụ huynh này lập tức gọi điện phàn nàn.
Mỗi cô giáo thường phải lo cho cả chục đứa trẻ. Việc thường xuyên bị phụ huynh làm phiền như vậy sẽ khiến họ ức chế, không thể tập trung làm việc.
Thích dạy ngược lại giáo viên
Ngày nay có nhiều bậc cha mẹ hiểu biết rộng và quan tâm sâu đến lĩnh vực giáo dục. Cũng vì cảm thấy có kiến thức nên đôi khi họ can thiệp quá đà vào việc dạy dỗ của các thầy cô ở trên lớp, thậm chí là đòi uốn nắn, chỉ bảo cho giáo viên.
Việc phụ huynh góp ý để giáo viên có thể dạy dỗ trẻ một cách tốt nhất là điều nên làm, nhưng đừng tỏ thái độ trịch thượng. Bố mẹ có thể học được kiến thức qua các báo đài, sách vở. Tuy nhiên kỹ năng sư phạm là điều chúng ta chưa được đào tạo. Không ít trường hợp, lời góp ý của bố mẹ nghe thì hợp lý nhưng đem vào trường hợp thực tế lại không ứng dụng được.
Hay gửi những thông tin chẳng liên quan vào nhóm chung
Mỗi lớp học thường có nhóm chat chung giữa phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm nhằm trao đổi những thông tin về vấn đề học tập, sinh hoạt trên lớp của con em. Tuy nhiên nhiều người lại thích nói những chuyện bên lề, gửi các thông tin chẳng liên quan vào nhóm như: quảng cáo bán hàng, tin tức hài hước,...
Điều này khiến các tin nhắn trong nhóm chat bị loãng. Phụ huynh nếu muốn đọc lại tin nhắn của giáo viên sẽ phải kéo rất lâu mới thấy tin nhắn cần tìm. Nhiều khi, những "tin nhắn rác" còn khiến cả phụ huynh và giáo viên bỏ lỡ những tin nhắn quan trọng cần đọc của đối phương. Để tránh xảy ra việc này, phụ huynh cần có thói quen nhắn tin văn minh, tránh làm phiền trong nhóm chung.
Thùy Dung(T/h)