(ĐSPL) - Mở đầu phim là giọng hát ru mượt mà, sâu lắng, môi bà run run, trên chiếc xe lăn, bà cất giọng tự hào: “Tôi hát đó”. Nghe đi, nghe lại rồi bà bảo tôi tắt máy để bà hát.
Trong căn nhà của cô con gái nằm cuối con hẻm nhỏ ở P. Tân Quy, Q.7, tôi gõ google tìm bộ phim “Nổi gió” mở cho bà xem (chính xác là nghe) thay món quà tặng bà. Mở đầu phim là giọng hát ru mượt mà, sâu lắng, môi bà run run, từ trên chiếc xe lăn, bà cất khẽ giọng đầy tự hào, vui sướng: “Tôi hát đó”. Nghe đi, nghe lại rồi bà bảo tôi tắt máy để bà hát. Ở cái tuổi nhớ nhớ quên quên (84 tuổi), cộng với căn bệnh tai biến nặng khiến giọng bà “không ngọt”, hơi không “đầy” nhưng vẫn còn da diết lắm: Bên kia sông bụi tre khô/ Bên đây sông cây chuối ngã/ Nhìn sau lưng bụi sả lại tàn/ Đôi đứa ta sống trong hoàn cảnh nguy nan/ Giang tay em níu áo bạn vàng/ Dù sinh dù tử cũng một mình chàng mà thôi.
Chuyện của gần 50 năm trước
Nhắc đến phim “Nổi gió” (kịch bản Đào Cẩm Hồng, Huy Thành và Lê Huyến), người yêu điện ảnh Việt Nam đều nhớ những cái tên từng làm rạng danh điện ảnh nước nhà như Thụy Vân, Lâm Tới, Thê Anh, Thanh Loan… Tuy nhiên, theo đạo diễn Huy Thành, bước ngoặt đánh dấu thành công của phim “Nổi gió” không thể không nhắc đến giọng hát ru trữ tình, gây cảm xúc bao người nghe mở đầu bộ phim.
Nghệ sĩ Kim Nhụy là người con của quê hương Thanh Bình, Đồng Tháp. Nghệ sĩ Kim Nhụy không có quãng thời gian tuổi thơ đúng nghĩa. Bà nhớ lại: “Nhà nghèo lại đông anh em. Cha mẹ tôi mất từ khi tôi lên 2 tuổi. 5 tuổi đã theo anh chị ra đồng mót lúa, cắm câu, mò cua bắt ốc, lớn lên chút nữa thì đi gặt thuê, cấy mượn. Làm lụng vất cả nhưng không đủ ăn”. Có lẽ nhờ những tháng ngày sớm lăn lội nơi đồng sâu, sớm quen với mùi mạ và gần gũi với các cô, các chú nông dân mà bà thuộc lòng nhiều câu hò, điệu hát. Không ít lần bà bị các anh mắng, thậm chí đánh đòn tứa máu ở mông vì tội mê hò, ưa hát bỏ cả cơm trưa cơm chiều.
“Ca từ và giai điệu của câu hò, điệu hát như đã thấm vào máu thịt tôi. Tôi chấp nhận bị ăn đòn 30 roi chứ không thể bỏ nghe một điệu hò”, bà nhớ lại. Ở tuổi lên 8, bà đã thuộc nhiều câu hò và hàng chục vở cải lương mà người lớn không thể nhớ nổi. Bà tiếp: “Lần cưỡi trâu đi ngang nhà ai, nghe mẹ hát ru con hay câu hò phát ra từ radio… là tôi làm động tác cho trâu dừng lại. Nghe xong rồi cho trâu đi tiếp. Một vở cải lương dài ngoằng từ 2-3 tiếng nhưng tôi chỉ nghe 3 lần là thuộc hết”.
Tiếp bước các anh chị trong gia đình, lớn lên Kim Nhụy tham gia kháng chiến, yêu ca hát, Nhụy tham gia sinh hoạt trong Đoàn dân công Long Châu Sa (Long Xuyên; Châu Đốc - An Giang; Sa Đéc - Đồng Tháp bây giờ). Chỉ sau một thời gian ngắn bà tham gia công tác binh vận ở các mặt trận địa phương, bà đã rơi vào “tầm kiểm soát” của bọn thực dân Pháp. Nhiều lần bị địch bắt, chịu nhiều đòn tra khảo đến ngất nhưng bà luôn vững khí tiết cách mạng. Không tìm được manh mối gì nơi bà, bọn chúng lại thả bà ra. Tuy nhiên vì phải chịu nhục hình tra tấn hết nhà lao này đến nhà lao khác khiến sức khỏe bà kém đi nhiều. Nếu như lúc bấy giờ, cuộc tổ chức cho bà vượt ngục không thành thì bã đã vĩnh viễn nằm xuống. Vì di chứng của tra khảo mà đến nay, mỗi lúc trái gió trở trời thì bà lại trở bệnh với những cơn đau thấu tim gan.
Kim Nhụy và Phồn Y
Năm 1954 tập kết ra Bắc, bà tham gia Đoàn văn công Nam bộ. Bà đi chiến trường từ miền Bắc vào miền Trung. Lúc bấy giờ, anh chị em trong đoàn thường nói vui: “Tiếng hát Kim Nhụy át cả tiếng bom ở những chiến trường ác liệt nhất”. Bà có chất giọng đẹp, biểu đạt cảm xúc chân thật của người phụ nữ Nam bộ chân chất. Không chỉ mang cái hồn, cái hiền hòa sâu lắng của điệu hò từ miền sông nước Cửu Long ra đất Bắc, đến chiến khu mà nghệ sĩ Kim Nhụy còn mang cả cái tinh hoa đờn ca tài tử. Ra Bắc một thời gian, bà được Đài tiếng nói Việt Nam mời về công tác. Thời gian này, bà còn tham gia đào tạo ở trường Quốc gia âm nhạc.
Lần đầu tiên được nghe nghệ sỹ Kim Nhụy hò Đồng Tháp trên đất Bắc, nhạc sỹ Trần Kiết Tường xúc động đến rơi nước mắt. Lúc bấy giờ, ông nhạc sỹ quê Ô Môn, Cần Thơ bày tỏ: “Tôi yêu câu hò, điệu hát của Đồng Tháp nhưng chưa lần nào nghe mà thấm, mà cảm xúc trào dâng đến vậy”. Có thể vì một người con miền Nam được nghe giai điệu mượt mà, sâu lắng rất… sông nước ấy ngay trên đất Bắc chăng? Hay giọng hò của cô như có hơi ấm của cha, có mùi mồ hôi của mẹ? Ông nhạc sĩ khẽ nói vào tai nghệ sĩ Kim Nhụy: “Chị hò… rất miền Nam làm tôi nhớ nhà, nhớ quê hương đến cồn cào khó tả”. Sau lần ấy, bộ sưu tập những điệu lý, câu hò của nhạc sĩ Trần Kiết Tường thêm phong phú là nhờ sự góp mặt của nghệ sỹ Kim Nhụy. Người ta biết đến Kim Nhụy không chỉ vì bà hò hay, ca cải lương mùi… mà còn biết đến bà bởi tài diễn xuất xuất chúng qua nhiều vở ca, kịch nổi tiếng. Nhắc đến tên bà, đến nay nhiều người vẫn còn nhớ như in về vai diễn ấn tượng Phồn Y (vở cải lương Lôi Vũ, chuyển thể từ vở kịch Tào Ngu - Trung Quốc). Những thế hệ học trò của bà thành danh có thể kể đến như Ngọc Mai (Đài phát thanh giải phóng) hay Trang Nhung, Túy Đạt… (Đài tiếng nói Việt Nam). Năm 1960, và vinh dự nhận được huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật Toàn quốc. Anh, em bà đều là những “cây” đờn ca tài tử nổi tiếng ở Thanh Bình, tuy nhiên không ai theo con đường chuyên nghiệp.
Ngày hạnh ngộ gần 60 năm
Sau ngày miền Nam giải phóng, nghệ sỹ Kim Nhụy gần như không có một hoạt động nào liên quan đến nghệ thuật. Sài Gòn là nơi bà trở về, sống cùng con cháu. Chính vì thế mà không một ai biết tin tức của bà. Người yêu điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là yêu điệu hò, câu hát ru xứ Thanh Bình, Đồng Tháp cho rằng bà đã về miền cực lạc. Còn những nhà làm phim từ Nam ra Bắc cứ liên tục nhắn tin, hỏi thăm về Kim Nhụy nhưng không có kết quả.
|
Cách nay 58 năm, thời gian GS Trần Văn Khê sinh sống và làm việc tại Pháp, ông đã nghe nghệ sỹ Kim Nhụy hò trong đĩa hát Tiếng hát Việt Nam do Nhà xuất bản Mỹ thuật âm nhạc thu thanh năm 1957. “Giọng hò ấy như hớp hồn tôi không phải vì ca từ, giai điệu mà vì giọng hò rất mùi, như chất chứa cả tình người Việt, của người con gái quê…”.
Ông chỉ biết người hò là Kim Nhụy, còn mặt mũi, tướng tá thì là một… “ẩn số”. Chính vì cảm cái giọng kia mà GS Khuê đã cất công đi tìm “ẩn số”. Nếu như 47 năm trước, đạo diễn Huy Thành “phát hiện” giọng hát ru của nghệ sỹ Kim Nhụy để mời tham gia phim “Nổi gió” thì nay, có thể nói GS Trần Văn Khê là người có công “đi tìm tung tích” của bà sau hàng chục năm giã từ nghệ thuật. Và người đóng góp cho GS Khê tìm người hò Đồng Tháp hay nhất chính là bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ nhiệm Hội quán Các Bà Mẹ.
Cuối năm 2012, tức sau 57 năm, GS và người phụ nữ ấy có buổi hạnh ngộ. GS chia sẻ: “Hồi đó nghe hò, tôi đoán già đoán non rằng: “Hát hò mùi mẫn như vậy chắc người hát hò cũng đẹp lắm đây”. Một lần nữa, trí tượng tượng, suy đoán của tôi lại đúng (cười)”. Và lần hạnh ngộ ấy, tại ngôi nhà âm nhạc của GS Khê, nghệ sỹ Kim Nhụy xuất hiện trên chiếc xe lăn, người đẩy xe là cô con gái Song Anh và cháu ngoại.
GS Khê giới thiệu với mọi người: “Đây, người có giọng hò “ám ảnh” tôi suốt 57 năm nay… Với GS Khê, nghệ sỹ Kim Nhụy là người hát ru Nam bộ hay nhất của thế kỷ 20. Người yêu câu hò, điệu hát ru xứ Thanh Bình, Đồng Tháp vừa tự hào, vừa lo lắng: “Mai này ai hát ru Đồng Tháp”?”. Để “mồi lửa”, GS Khê hò: “Ơ, à ơi, ời a/ Ơ à. Gặp mặt em đây không biết chừng nào anh mới gặp nữa bạn chung tình/ Ôi em có phân điều chi thì phân một bữa cho tận tình a tình à/ Ơ à. Kẻo mai sau đây anh về nơi chốn cũ rồi thương bóng nhớ a à hình/ Mà tội nghiệp cho thân anh, ơ á à”. Vừa nghe hò, môi bà cười nhẹ, run run đáp lại và đôi lúc cô con gái Song Anh phải phụ họa: “Ở À. Ngó lên trời thì trời mong mây trắng/ Dòm xuống nước thì nước trắng lại trong/ Nhỏ như ai chứ nhỏ nhỏ như em đây mà chắc dạ ờ à/ Bền lòng ơ à/ Ơ à… Lỡ duyên thời em chịu lỡ chớ đóng cửa loan phòng ờ ơ à… Em chờ anh, ở à”. Rêu phong thời gian, 50 năm có lẻ, bà vẫn còn đó, câu hò còn đó nhưng mai này…
Bài đã đăng trên trang Hôn nhân pháp luật – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật
VĂN DUNG
Xem thêm Video: Giáo sư Xoay hát chế về vụ chặt cây xanh ở Hà Nội