Vũ Thành An ghi dấu ấn tên tuổi với hàng loạt bài Không tên. Đây là tác giả mà cả Giang Hồng Ngọc và bố cô đều vô cùng ngưỡng mộ.
[presscloud]131[/presscloud]
"Bài không tên cuối cùng" là tác phẩm mà giọng ca 28 tuổi đã yêu từ lúc năm lên mười tám nhưng đến thời điểm này mới dám hát vì đây là một ca khúc đầy sức nặng. Âm nhạc của Vũ Thành An là tâm sự, trải nghiệm nhiều bi thương về tình yêu, cuộc sống. "Bài không tên cuối cùng" có thể xem là đỉnh cao của dòng tâm sự ấy. Dù đã có 10 năm ấp ủ nhưng Giang Hồng Ngọc vẫn ý thức được, cô chưa phải là người đủ kinh nghiệm.
"Tôi chỉ là quá yêu và muốn hát theo cách của mình nên cover lại ca khúc bất hủ này. Một người trẻ như tôi sẽ thể hiện theo cách một người trải nghiệm yêu đương của tuổi trẻ và đem sự đau thương từng đi qua vào bài hát để mang lại cảm xúc của riêng mình" - Giang Hồng Ngọc tâm sự.
Quán quân X Factor đã thể hiện sáng tác để đời của nhạc sĩ Vũ Thành An theo cách mộc mạc, thoải mái, hồn nhiên nhất. Vì bài hát này đã được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đi trước hát nên cô không dám so sánh mà chỉ làm tốt nhất có thể trong khả năng của mình. Nhưng chính vì thế, bản cover của Giang Hồng Ngọc lại chứa đựng một phong thái riêng, đau đớn nhưng vẫn nhẹ nhàng, vị tha, không bi lụy, đúng với tâm thế khi yêu của người trẻ.
Trong bài hát này Ngọc ấn tượng nhất với cụm từ gần cuối bài đó là "Xin gửi em/Một lời chào, một lời thương, một lời yêu/ Lần cuối cùng", nghe rất chua xót nhưng Giang Hồng Ngọc cảm thấy, nó là lời từ biệt yêu thương, không phải để khơi gợi sự đau thương từ người tình phụ. Nó cho thấy trái tim yêu nồng nàn đau đớn mà vẫn nhân hậu, vị tha của chủ thể bài hát. Chính sự cảm nhận này đã quy định cách hát của Giang Hồng Ngọc.
Sản phẩm đầu tiên trong dự án cover những tình khúc bất hủ của Giang Hồng Ngọc là "Xin còn gọi tên nhau" nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ. Chính vì vậy, cô đã có nhiều động lực để thử sức mình với những ca khúc nhiều sức nặng như "Bài không tên cuối cùng". Dự án này đánh dấu cho những trưởng thành của Giang Hồng Ngọc khi bước sang tuổi 28.
"Đây là thời điểm chín muồi nhất để xây dựng hình tượng mà tôi đã mơ ước từ lúc bước vào nghề. Những người thân và anh chị có kinh nghiệm trong giới nghệ thuật đều nói tôi rất hợp để hát nhạc xưa. Chuyển mình từ nhạc dance, nhạc trẻ sang nhạc xưa là một sự lột xác với tôi. Tôi nghĩ mình đã đi đúng, có chiến lược, giải được bài toán đường dài đặt ra với các ca sĩ trẻ. Khi hát nhạc xưa, nhận được những tràng pháo tay không dứt từ khán giả trong nước và hải ngoại, tôi biết mình đã đi đúng" - Giang Hồng Ngọc trải lòng.
Ngày càng đắt show cả trong nước và hải ngoại, Giang Hồng Ngọc vẫn chưa dám coi đây là thành công vì cô tự thấy trải nghiệm trong nhạc xưa của mình chưa đủ, cần phải rèn luyện và học hỏi các anh chị nghệ sĩ đi trước rất nhiều. Nhưng cô vui và cảm thấy hạnh phúc vì ngày càng đc gần gũi với mọi người qua những sản phẩm âm nhạc có sự đầu tư.
Do cuộc sống khó khăn từ lúc nhỏ, cô tập cho mình thói quen kiếm tiền và dành nó làm những việc hữu ích nhất. Ngoài việc dành tiền mua nhà cho cha mẹ, sắm một chiếc ôtô tiện việc chạy show, Giang Hồng Ngọc không nghĩ đến chuyện sắm hàng hiệu mà để dành tái đầu tư sản phẩm.
"Tôi rất sợ một ngày nào đó nếu mình không cố gắng, sẽ trở lại cảnh nghèo như xưa. Lúc đó ba mẹ đã lớn tuổi, không chịu được áp lực nữa. Tôi cố gắng hết mức cho sự nghiệp để vị trí ngày càng được khẳng định và thăng hoa hơn nữa. Tôi tin nếu mình có tâm thì nghề không phụ" - Giang Hồng Ngọc bộc bạch.