Gặp đâu cướp đó
Vào những năm 80 của thế kỷ 20, tại đất Cảng Hải Phòng, mỗi khi nhắc tới những băng, ổ nhóm cướp của khét tiếng, nhiều người vẫn còn rùng mình khi nhớ lại băng cướp của 5 anh em họ Phạm ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên. Băng nhóm do Phạm Văn Động, sinh 1965 cầm đầu, 4 đối tượng còn lại là Phạm Văn Đông, Phạm Văn Hoạt, Phạm Văn Bi và người em họ Phạm Văn Tú.
Lúc đó, ở đầu làng Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên có rất nhiều rặng ổi hoang. Từ nhỏ, anh em nhà Động đã thường ra đây chơi, leo trèo, nghịch ngợm. Sau nhiều lần bàn bạc, 5 đối tượng quyết định thành lập băng nhóm với tên “Ngũ hổ rặng ổi”. Và cũng bắt đầu từ đây, cái tên “Ngũ hổ rặng ổi” đã trở thành nỗi ám ảnh đến khiếp sợ cho những người dân đất Cảng.
Theo tài liệu được cung cấp, thời điểm ấy, chiến tranh mới kết thúc, các kho vũ khí được đặt rải rác tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Do cơ sở vật chất còn kém lại thiếu người quản lý dẫn đến khâu trông coi khá lỏng lẻo. Nắm bắt được sở hở đó, Phạm Văn Động nhân cơ hội đó đã cùng đồng bọn đột nhập, trộm súng, lựu đạn.
Sau đó, tiền cướp được từ những phi vụ đầu tiên, Động quyết định dồn tiền để mua sắm thêm vũ khí nhằm trang bị tối đa cho các thành viên trong băng cướp với mục đích trở thành băng cướp khét tiếng đất Cảng.
Sẵn có vũ khí trong tay cùng bản tính côn đồ, Động và các đồng bọn gây ra hàng loạt các vụ cướp tại TP.Hải Phòng. Biết lợi thế bơi lội của các thành viên trong nhóm, lại thông thuộc địa hình sông nước, băng cướp họ Phạm tập trung vào cướp của các tàu bè trên sông. Nhóm đối tượng tự chia địa bàn quản lý. Những tàu bè qua lại khu vực chúng “quản lý”, nhận được tín hiệu, nếu không dừng lại, chúng sẽ nổ súng dằn mặt, ra tay cướp luôn toàn bộ tài sản. Bất kì những ai có thái độ chống đối, băng cướp hung ác sẵn sàng dùng hung khí “xử lý”.
Cứ vậy băng nhóm Phạm Văn Động như những ác thú sông nước, gây bao nỗi ám ảnh cho người dân. Cứ nhác thấy bóng dáng của 5 đối tượng, người dân lại sợ hãi tránh xa. Cướp được tiền, ăn chơi phung phí, Phạm Văn Động cùng các anh em còn lại quên luôn giấc mộng vượt biên đổi đời. Đổi lại, Động đã có tham vọng cao hơn khi muốn trở thành băng cướp ngự trị toàn TP.Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục vụ cướp manh động từ vùng sông nước tới các làng mạc khắp vùng giáp ranh Hải Phòng, Quảng Ninh. Lực lượng Công an Quảng Ninh tiến hành truy bắt nhưng không may rơi vào ổ phục kích của chúng. Đạn bắn ra như mưa từ băng cướp tàn độc khiến 5 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
Trước sự lộng hành, tàn độc và coi thường luật pháp của băng cướp họ Phạm, lực lượng công an Hải Phòng đã phối hợp cả với Cục Cảnh sát Hình sự ráo riết truy bắt, tiêu diệt anh em nhà Động. Lúc này, biết tình hình bất ổn, sau nhiều lần trốn thoát, băng nhóm của Phạm Văn Động cùng đường buộc phải trốn vào rừng sú, nằm yên, chờ sóng gió qua đi. Tuy nhiên, chỉ được thời gian ngắn, hết tiền, lương thực cạn dần, băng cướp “Ngũ hỗ rặng ổi” rục rịch quay trở lại hoạt động.
Tội ác khiến người dân ám ảnh
Thời gian này, để tăng cường thêm “sức mạnh”, Phạm Văn Động đã cử anh trai là Phạm Văn Bi đi thám thính tình hình đồng thời kêu gọi những đối tượng có máu mặt tham gia băng nhóm. Lần tìm các mối quan hệ, Bi sang nhà bạn cũ là Nguyễn Đức Trung để dò hỏi. Tại đây, thấy Trung có sức khỏe, lại hám kiếm tiền, Bi liền quay sang rủ Trung bỏ nghề xích lô ba gác để gia nhập nhóm. Vốn cần tiền để đổi đởi, Trung không 1 chút do dự đồng ý tham gia phi vụ cướp đầu tiên.
Đúng theo kế hoạch, sau khi ăn uống no say, cả nhóm mang theo súng đạn đi tìm “con mồi”. Khi 4 tên xuất hiện tại bến Phà Rừng, thuộc xã Tam Hưng, Thủy Nguyên, gã em họ Phạm Văn Tú cũng đã đợi sẵn ở dưới thuyền. Lập tức, Động ra lệnh cho tất cả lên thuyền, hướng về phía Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Cách bến đò Chanh khoảng 160m, Động bảo Bi lên bờ, còn 4 tên tiếp tục chèo thuyền một đoạn nữa thì dừng lại. Giao cho Trung coi thuyền, Động, Đông, Tú cầm vũ khí lên bờ.
Theo đúng mưu đồ từ trước, anh em Động lẻn vào ngôi nhà ngay cạnh rìa làng. Chúng bịt mặt, bậy cửa xông vào. Thấy chủ nhà giật mình bật dậy, 2 tên cướp đã nhanh chóng dí dao vào cổ kèm theo lời đe dọa nếu không im lặng sẽ phải bỏ mạng ngay lập tức. Sợ hãi trước sự tàn bạo của nhóm cướp, người dân không dám kêu, chỉ dám ngồi nhìn chúng vơ vét tài sản. Cướp được tài sản, cả nhóm nhanh chóng rút gọn và không quên đe dọa chủ nhà, nếu báo công an sẽ phải nhận hậu quả nghiêm trọng.
Vài ngày sau, băng cướp họ Phạm tiếp tục tụ nhau tại vườn ổi nhà Bi để lên kế hoạch cho những phi vụ lớn hơn. Lúc này, Động, Đông đã trang bị cho mỗi tên 1 khẩu súng AK. Bàn bạc một hồi, nhóm đối tượng lại ra bến phà Rừng gặp Tú. 5 con ác thú lại đi thuyền sang Hà Nam - Phong Cốc, tỉnh Quảng Ninh. Tầm 2h sáng, Động, Tú vác mỗi tên 1 khẩu súng AK vào trong làng, cướp thuyền nan của một ngư dân gần đó.
Trở về, Động ra lệnh cho đồng bọn chèo thuyền đến rặng dáy xã Trung Hà, thuộc huyện Thủy Nguyên, để Bi, Trung vào bến Bính đón thêm chiến hữu mới là Nguyễn Thị Tươi, Lê Thị Vân. Nhậu nhẹt xong, Động, Bi, Tươi, Vân bàn tính đi cướp tại khu vực Tràng Cát. Dù Vân, Tươi đã thám thính trước địa bàn nhưng cả băng “ngũ hổ rặng ổi” vẫn bị lạc đường tại bãi sú rồi nằm chờ thời cơ.
Thật may cho người dân khu vực Tràng Cát bởi khi toán cướp định quay lại nhưng nước cạn, trời tối không biết đâu mà chèo khiến Động bực mình, quyết định cho đồng bọn quay về rặng dáy Trung Hà. Đến gần đến cột đèn hải đăng thuộc sông Ruột Lợn, nhóm cướp thấy mấy người trên 6 thuyền cát đang gọi nhau đánh bạc. Ngay tức thì, Động lệnh cho đồng bọn chèo thuyền áp sát khoảng 200m thì đỗ lại.
2 tiếng sau, Động phân công Bi, Vân đi một thuyền cầm khẩu súng trung liên yểm trợ để Động, Tươi, Tú, Trung, Đông điều khiển 2 thuyền lao vào cướp bạc.
Nhảy lên thuyền cát, Động quát: “Tất cả ngồi im, ai chống lại sẽ chết!”, rồi quét súng khắp xung quanh, để đồng bọn lục soát lấy tiền. Thấy số tiền kiếm được còn ít, Động còn ra lệnh bắt mỗi thuyền phải nộp 2.000 đồng. Trước khi rút lui, Phạm Văn Động còn bóp cò bắn một tràng súng để thị uy.
Cướp xong, Động cùng đồng bọn lại “mở tiệc” ăn mừng. Tại bữa tiệc, nhóm đối tượng tiếp tục bàn tính cách mở rộng địa bàn để có những “chiến lợi phẩm” nhiều hơn. Dưới sự chỉ dẫn của Phạm Văn Bi, toán cướp quay lại cống Sơn, xã Lập Lễ. Tại đây, Tươi, Vân trông thuyền, Động, Tú, Đông, Trung vác súng AK vào làng. Đến nhà anh Nguyễn Văn Cạnh, (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên), Động ra lệnh cho Đông, Trung bậy cửa.
Cánh cửa bật tung, Động lao vào với khẩu súng AK và dí súng vào đầu anh Cạnh. Thấy chồng đứng trước cơn nguy, người vợ quỳ xuống van xin nhưng những tên cướp tàn ác không mảy may đồng ý. Lúc này, Tú lấy dây võng trói giật cánh tay anh Cạnh để những kẻ còn lại tiến hành lục soát.
Nhân lúc 5 kẻ mải mê tìm tài sản, chủ nhà tri hô. Cả bọn vội vàng vơ đồ, bỏ chạy. Trước khi đi, chúng còn dùng súng đánh anh Cạnh để dằn mặt. Cùng lúc đó, dân làng hò nhau đuổi theo Động, Tú, Đông đã dùng súng bắn trả lại bằng nhiều loạt đạn. Bi thấy động cũng vác súng từ thuyền lên yểm trợ, mở đường phía sau cho cả bọn rút xuống thuyền…
(Còn tiếp…)