+Aa-
    Zalo

    Giang hồ cho vay nặng lãi, tín dụng đen: Rùng mình với những "quái chiêu" đòi nợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi các con nợ vì một lý nào đó không trả được tiền thì đồng nghĩa với cuộc sống yên ổn hàng ngày cũng đã chấm dứt.

    Khi các con nợ vì một lý nào đó không trả được tiền thì đồng nghĩa với cuộc sống yên ổn hàng ngày cũng đã chấm dứt. Bởi, giới đòi nợ thuê không chỉ áp dụng biện pháp "dọa dẫm", mà thậm chí sẽ "xử đẹp" con nợ.

    Chuyện đòi nợ thuê đã từ lâu không còn là điều xa lạ. Đã có rất nhiều vụ đòi nợ thuê dẫn đến đổ máu và cũng không ít kẻ đã phải ra hầu tòa lĩnh án của pháp luật mà nguyên nhân cũng xuất phát từ việc nợ nần với các băng nhóm tín dụng đen cho vay nặng lãi.

    Phá nhiều băng giang hồ cho vay lãi kiểu "hút máu người"

    Ngày 13/5/2018, theo thông tin từ Công an TP Cần Thơ, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45) cùng công an các quận, huyện trên địa bàn vừa mở đợt tấn công tội phạm về hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ, siết nợ theo kiểu xã hội đen.

    Theo đó, tối 12/5, Phòng PC45 phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra một căn nhà ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều do nhóm đối tượng thuê trọ gồm: Lê Mạnh Vĩ (26 tuổi), Nguyễn Tiến Dũng (29 tuổi), Đỗ Tùng Dương (23 tuổi), Đặng Văn Dũng (29 tuổi), Cao Thế Huy (34 tuổi), Nguyễn Đình Tuấn (22 tuổi), Lê Đức Anh (24 tuổi), Hoàng Mạnh Hiệp (29 tuổi, cùng ngụ tại TP Hà Nội).

    Tại đây, công an phát hiện và thu giữ nhiều giấy tờ, tang vật có dấu hiệu liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi như: 70.000 tờ rơi quảng cáo cho vay, gần 60 triệu đồng, nhiều sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ vay tiền.

    Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng này khai nhận từ Hà Nội vào Cần Thơ hoạt động cho vay nặng lãi khoảng 3 tháng nay. Vĩ cầm đầu cả nhóm thuê trọ tổ chức hoạt động cho vay, phát tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với thủ tục đơn giản, hỗ trợ nhanh chóng, trả góp theo ngày, không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu…

    Nhóm của Vĩ đã cho hơn 100 người trên địa bàn TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long vay tổng số tiền hơn 400 triệu đồng, với mức lãi suất từ 10 - 30%/tháng. Rất nhiều nạn nhân vay tiền vì quá khó khăn, lãi suất cao nên không có khả năng trả nợ.

    Cùng về hành vi này, công an các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã đồng loạt ra quân phát hiện 9 vụ với nhiều đối tượng có dấu hiệu liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi.

    Cũng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, ngày 23/5, Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, vừa triệt phá một nhóm người có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi.

    Sau thời gian theo dõi, ngày 22/5, Phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tiền Giang và công an huyện Chợ Gạo tiến hành kiểm tra căn nhà của bà Trần Thi Kim Hà, tại xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo.

    Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện 6 người đang thuê căn nhà này ở có dấu hiệu nghi vấn, gồm: Nguyễn Anh Tùng ( SN 1977), Nguyễn Huy Hoàng (SN 1998), Lê Hoàng Long (SN 1993), Đặng Huy Hoàng (SN 1989) cùng ngụ Quận Hoàng Mai, Hà Nội, Lý Văn An (SN 1955), ngụ Huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; Nguyễn Văn Tuấn (SN 1999) ngụ huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

    Trong căn nhà, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều tài liệu, dụng cụ có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi như: hàng nghìn tờ rơi, sổ hộ khẩu, giấy CMND, bằng lái xe của hàng trăm người dân trong tỉnh Tiền Giang, nhiều sổ sách, chứng từ và nhiều loại hung khí như roi điện, côn sắt, dao bấm và số tiền lớn…

    Làm việc với cơ quan công an, các đối tượng trên khai nhận là nhân viên của công ty TNHH Tư vấn Tài chính Hoàng Mai có trụ sở tại Thành phố Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo.

    Các đối tượng cũng thừa nhận đã thực hiện hành vi cho vay với lãi suất từ 30-40%/ tháng. Hoạt động của họ là rải tờ rơi cho vay khắp các vùng nông thôn. Người dân muốn vay tiền chỉ cần nộp có giấy CMND hay bằng lái xe, sổ hộ khẩu mà không cần thế chấp tài sản. Do cần vốn để làm ăn hay tiêu xài, đã có nhiều người dân phải vay “nóng” số tiền này.

    Để phá đường dây cho vay nặng lãi trên, cơ quan Công an đã phải dày công theo dõi đối tượng và thu thập chứng cứ. 

    Trước đó, ngày 12/4, Công an quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết đang tạm giữ hình sự Trần Đình Cường (28 tuổi, quê Bắc Ninh) và Lê Văn Tư (28 tuổi, quê Hải Phòng) để điều tra hành vi cho vay nặng lãi.

    Lê Văn Tư, đối tượng có vai trò chủ chốt trong mạng lưới cho vay nặng lãi, quy tụ các đối tượng cộm cán gốc Bắc - Ảnh: VietNamNet

    Liên quan đến vụ án này, công an đã mời 5 người lên làm việc, gồm Nguyễn Xuân Trường (28 tuổi), Nguyễn Văn Trường (26 tuổi), Nguyễn Đinh Nam (18 tuổi), Nguyễn Văn Khanh (27 tuổi, cùng quê Bắc Ninh) và Nguyễn Văn Cửu (27 tuổi, quê Bắc Giang).

    Theo cơ quan công an, từ giữa năm 2017, Cường vào TP.HCM tổ chức cho vay các khoản tiền từ 5 - 50 triệu đồng (giữ hộ khẩu, CMND người vay) với lãi suất từ 15 - 90% tháng, đóng tiền góp mỗi ngày. Cường còn cho lập các trang web để quảng bá việc cho vay. Hằng ngày, nếu người vay không trả đúng hạn hoặc không trả lãi sẽ bị nhóm này phạt tiền, đe dọa, tạt mắm tôm, sơn vào nhà hoặc đánh đập bắt phải trả tiền.

    Cuối tháng 3/2018, Công an Q.Tân Phú lần lượt bắt quả tang băng nhóm này đi thu tiền lãi, đe dọa đánh người vay tiền. Tại cơ quan công an, Cường và các nghi phạm thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

    Đến nay, băng nhóm của Cường cho 60 người vay với số tiền hơn 2 tỉ đồng, thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng.

    "Độc chiêu"... đòi nợ

    Tình trạng các băng nhóm xã hội đen, tổ chức cho vay nặng lãi đã phát sinh nhiều hệ lụy về an ninh trật tự, và trở thành nỗi ám ảnh của người dân, đặc biệt là những người nghèo chẳng may dính đến chuyện tiền bạc, nợ nần với chúng.

    Khi các con nợ vì một lý nào đó không trả được tiền thì cũng đừng mong sống yên ổn. Bởi, giới đòi nợ thuê không chỉ áp dụng biện pháp "dọa dẫm", mà thậm chí sẽ "xử đẹp" con nợ.

    Vụ đâm chém liên quan đến tín dụng đen xảy ra tại quận 10 (TP HCM) vào hồi tháng 4/2017 vẫn khiến dư luận chưa hết bàng hoàng.

    Theo đó, ngày 8/4/2017, Dương Quốc Minh (29 tuổi) có cho Bùi Xuân Quyền (33 tuổi, ngụ quận 10) vay số tiền là 2 triệu đồng với thỏa thuận là Quyền phải trả cho Minh mỗi ngày 100 nghìn đồng trong vòng 24 ngày. Minh cho rằng Quyền là con nợ nhưng không trả tiền đúng hạn lại còn ra tiếng thách thức với mình nên quyết tâm đánh dằn mặt để lấy uy trong giới cho vay nặng lãi.

    Một hình thức vay vốn không thế chấp với lãi suất tính theo ngày khá phổ biến - Ảnh minh hoạ

    11h ngày 11/5/2017, Minh mượn hai cây đao của một đối tượng tên Khang rồi rủ thêm Nguyễn Minh Nhân (18 tuổi, ngụ quận 4) cùng một đối tượng tên Đỉnh cầm hung khí đến nhà Quyền tìm chém. 30 phút sau, nhóm của Minh đến nhà Quyền trên đường Hòa Hưng (phường 12, quận 10). Khang được phân công trông xe, Minh cầm cây đao dài 1,2m, Nhân cầm cây đao ngắn hơn xông vào nhà Quyền.

    Thấy nhóm của Minh xông đến, Quyền và anh trai tên Quỳnh bỏ chạy. Nhân đuổi theo chém một nhát trúng lưng Quyền. Anh Quỳnh chạy vào nhà vệ sinh, chưa kịp rút tay vào trong thì bị Minh chém một nhát trúng tay trái. Gây án xong, nhóm này nhanh chóng rời khỏi hiện trường, hai nạn nhân được Công an quận 10 cùng người dân đưa đi cấp cứu.

    Đến trưa 12/5, Minh và Khang bị Công an quận 10 bắt khẩn cấp. Tại cơ quan điều tra, Minh và Khang thừa nhận gây ra vụ đâm chém trên. Về phần Quyền có thừa nhận vay của Minh 2 triệu đồng tiền góp hàng ngày. Sau khi trả được 2 triệu, còn thiếu 400 nghìn đồng thì Quyền không trả nữa nên xảy ra mâu thuẫn.

    Không chỉ tìm cách “hút máu” những người là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo là đối tượng được các băng nhóm này nhắm đến nhiều nhất. Trường hợp của bà T.T. P. (ngụ quận 10) là một điển hình của nạn “hút máu người nghèo” của các băng nhóm tội phạm này.

    Khoảng tháng 9/2016, bà P. bị bệnh nên vào viện điều trị. Sau khoảng 1 tháng, gia đình kiệt quệ. Thấy có mấy tờ rơi cho vay không cần thế chấp dán trên cột điện, bà P. gọi thì được T. (35 tuổi, ngụ quận 5) đồng ý cho vay 30 triệu đồng với điều kiện bà P. cung cấp CMND và sổ hộ khẩu cho y và cho đàn em đến xác minh.

    Thay vì làm giấy vay tiền, đàn em của T. yêu cầu bà P. ký vào giấy mua tivi, tủ lạnh trả góp, cam kết trả đủ trong vòng 45 ngày. Thực chất, đây là giấy vay nợ với mức lãi suất 45%/tháng mà T. giăng ra cho con nợ.

    Dùng số tiền vay được đầu tư vào xe hủ tiếu, bà P. mau chóng lâm cảnh cụt vốn khi số tiền kiếm được chả bù được số tiền góp mỗi ngày lên đến 1,2 triệu đồng cho T. Sợ bị phạt, bà P. bán hết các vật dụng trong nhà để trả nợ cho T.

    Đến giữa tháng 10/2016, bà P. do không vay ra tiền ở chỗ khác để đắp vào chỗ tiền phải trả cho T. nên bị chậm và thế là bị đàn em của tên côn đồ này đánh đến mức sưng mặt. Đến đầu tháng 11/2016, do không còn chạy vạy được nữa nên bà P. đến nhà người thân trốn. Được 3 ngày, T. cho đàn em tìm ra rồi dùng kềm bẻ gãy răng.

    Bên cạnh đó, một trong những biện pháp được những băng đòi nợ thuê sử dụng nhiều hiện nay là dùng “bom bẩn” để đe dọa, khủng bố tinh thần, cuộc sống của con nợ để gây sức ép.

    Mặc dù thiệt hại trong những vụ dùng “bom bẩn” không lớn nhưng hậu quả để lại về mặt xã hội hết sức nặng nề, gây tâm lý bức xúc, bất bình và lo lắng trong người dân.

    Trước đó, trao đổi trên báo chí, trung tá Nguyễn Đức Long, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Ngày 6/6/2017, Đội CSHS - CAQ Đống Đa nhận đơn trình báo của anh Lê Minh C. (SN 1976), ở phường Phương Liên, quận Đống Đa về việc ngày 27/5/2017, gia đình anh C. bị một số đối tượng ném chất bẩn vào nhà.

    Hiện trường một vụ ném chất bẩn vào nhà con nợ - Ảnh: An ninh Thủ đô

    Ngày 7/6/2017, qua điều tra CAQ Đống Đa đã có cơ sở để bắt giữ nhóm đối tượng gồm Nguyễn Biên Cương (SN 1988), trú phường Phương Liên; Nguyễn Tùng Nam (SN 1995), trú quận Đống Đa; Quách Tuấn Anh (SN 1994), trú quận Hoàng Mai; Phạm Huy Hoàng (SN 1996), trú quận Hoàng Mai và Nguyễn Tùng Anh (SN 1993), trú quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, là những đối tượng liên quan đến việc ném “bom bẩn” vào nhà anh C.

    Tại cơ quan công an, nhóm đối tượng trên khai nhận do chị Trịnh Thị Y., ở phường Phương Liên (vợ anh C.) đã vay 10 triệu đồng của Nguyễn Tùng Nam vào tháng 4/2017 rồi bỏ trốn, nên Nam đã nhờ cả nhóm đòi nợ. 1h45 ngày 27/5/2017, Nam chuẩn bị 1 túi bóng trong có dầu luyn và sơn đỏ, rồi cùng với Tuấn Anh, Hoàng, Tùng Anh đi xe máy đến nhà chị Y. đổ chất bẩn vào cửa. Các đối tượng khai nhận người chỉ đạo ném “bom bẩn” vào nhà chị Y. là Nguyễn Biên Cương.

    Trong vụ việc trên, cơ quan điều tra đã thu giữ vật chứng là 1 can đựng nước Lavie dung tích 5 lít, bên trong chứa hỗn hợp dầu luyn và sơn đỏ.

    Liên quan đến các vụ ném “bom bẩn” vào nhà dân để ép trả nợ, Đội CSHS - CAQ Đống Đa nhớ nhất Nguyễn Đình Hải (SN 1991), trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.

    Hải khai đầu tháng 1/2017, anh Q., cháu bà D. vay của Hải 15 triệu đồng và phải đóng 300 nghìn đồng trong vòng 50 ngày để trả cả vốn lẫn lãi số nợ trên. Thực chất, khi anh Q. nhận tiền vay thì Hải chỉ đưa 12 triệu đồng với lý do trừ đi một số khoản chi phí trước đó. Anh Q. đã trả được cho Hải 6 triệu đồng, còn nợ 9 triệu đồng và không có khả năng trả nợ nữa. Hải đã tìm đến nhà bà D. để gặp anh Q. đòi tiền nhưng không được.

    Do bức xúc về việc anh Q. bỏ trốn không trả nợ, Hải đã cùng đồng bọn ném “bom bẩn” là mắm tôm pha với dầu luyn và sơn vào cửa nhà bà D.

    Ngoài vụ việc trên, Hải còn khai đã thực hiện 6 vụ đổ chất bẩn khác.

    Chiều 26/7/2018 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm quốc gia (138), thượng tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Công an) cho biết tình trạng vi phạm pháp luật và phạm pháp hình sự diễn biến phức tạp và xảy ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.

    Tội phạm chiếm đoạt tài sản chiếm đến 68% số vụ tội phạm hình sự với các hành vi trộm cắp tài sản; cướp. cướp giật...

    Người đứng đầu Bộ Công an cũng cho biết, báo cáo của các địa phương cho thấy tình hình tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang diễn ra rất phức tạp. Nhiều tổ chức làm ăn phạm pháp thường tìm đến tín dụng đen vì dễ tiếp cận vốn mà không cần phải chứng minh... Việc cho vay tín dụng đen hiện nay đi liền với tài sản thế chấp là đất đai, nhà cửa, ruộng vườn; chỉ vài ngày nếu người dân không trả được tiền có thể bị mất nhà. "Vì thế bản chất việc cho vay này gần như cướp ngày", thượng tướng nhấn mạnh.

    Lấy ví dụ về điểm nóng tín dụng đen tại tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng cho biết dù đây là tỉnh cao nguyên còn có nhiều hộ nghèo song có tới trên 500 cơ sở cho vay nặng lãi.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giang-ho-cho-vay-nang-lai-tin-dung-den-rung-minh-voi-nhung-quai-chieu-doi-no-a238874.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan