+Aa-
    Zalo

    Gian nan đòi quyền nuôi con đẻ của người mẹ trẻ một thời tha hương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ôm đứa con thơ gần ba tháng tuổi từ TQ trốn về Việt Nam, Hằng đã gửi nhờ bà Biên nuôi hộ để đi làm thuê kiếm sống, gửi tiền về nuôi con.

    (ĐSPL) - Ôm đứa con thơ gần ba tháng tuổi từ TQ trốn về Việt Nam, Hằng đã gửi nhờ bà Biên nuôi hộ để đi làm thuê kiếm sống, gửi tiền về nuôi con. Đến khi đủ điều kiện để đưa con về lại, nàng đã gặp trở ngại.

    Hành trình lưu lạc của người mẹ và đứa con thơ

    Trong lúc gia đình gặp khó khăn, Vi Thị Hằng (SN 1994), nguyên quán tại bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã rời bỏ mảnh đất quê hương, nghe theo lời dụ dỗ của bạn bè, vượt biên qua Trung Quốc. Sung sướng đâu không thấy, ngay từ đây, cuộc đời của cô gái trẻ gặp những ngày dài đau khổ, đọa đày.

    Lấy tay gạt dòng nước mắt đang lăn trên trên gò má, người mẹ trẻ Vi Thị Hằng kể: "Đầu năm 2013, từ Kỳ Sơn, gần một tuần băng rừng, lội suối cuối cùng em cũng sang tới Trung Quốc. Ở nơi xứ lạ, em bị lừa gả cho một người đàn ông bản địa hơn mình một tuổi. Do bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán…nên thường xuyên bị chồng hành hạ, đánh đập".

    Cũng theo câu chuyện của Hằng, qua thời gian chung sống, cô mang thai và hạ sinh một bé gái kháu khỉnh. Khi con gần 3 tháng tuổi, do không chịu được sự hành hạ của người chồng vũ phu, cô đã ôm con bỏ trốn về Việt Nam.

    2 mẹ con Hằng vui vẻ, quây quần bên nhau.

    Khi vừa trở về nước thì hay tin bố mẹ, anh trai đã bán nhà và hiện đang chấp hành hình phạt tù do vi phạm pháp luật. Bơ vơ không chốn nương thân, 2 mẹ con Hằng được một người bạn của mẹ là bà Lương Thị Biên, trú cùng địa phương cưu mang, giúp đỡ. Không tiền bạc, không có người thân thích, Hằng đành gửi lại đứa con thơ, nhờ bà này nuôi hộ để đi làm kiếm tiền nuôi con.

    “Giữa năm 2014 đến cuối năm 2015, em đi làm và tích góp được 80 triệu. Số tiền này em nhờ một người bạn gửi về cho bà Biên, trong đó 30 triệu là để bà nuôi con, 50 triệu còn lại là cho bà vay lo công việc”, Vi Thị Hằng cho biết.

    Tình cờ, trong quá trình làm việc, Hằng gặp và quen anh N. V. Đ, trú tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Trước khi tiến tới hôn nhân với anh Đ., sau nhiều đêm trằn trọc, Hằng đã quyết định kể cho chồng tương lai biết về hoàn cảnh éo le của cuộc đời mình.

    Yêu và cảm thương cho số phận của Hằng, anh Đ. đã động viên vợ hãy yên tâm, sau khi lấy nhau sẽ cùng đón đứa bé về nuôi và coi như con ruột của mình.

    Hàng chục lần ngược xuôi ... nhưng phải về trong nước mắt

    Sau khi lập gia đình, không những Đ. mà cả bố mẹ và gia đình chồng đều cảm thương cho hoàn cảnh và ủng hộ vợ chồng Hằng đón đứa bé về nuôi cho trọn tình mẫu tử.

    Được sự ủng hộ của gia đình, vợ chồng Hằng đã vượt hàng trăm cây số ngược xuôi về quê xin nhận lại đứa bé. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau, hàng chục lần như vậy, Hằng phải lủi thủi ra về trong nước mắt.

    Những lúc nhớ con, Vi Thị Hằng chỉ biết nhìn ra đường dõi theo bóng những đứa trẻ trên đường đi học về ngang qua nhà.

    “Em rất biết ơn bà Biên đã cưu mang, giúp đỡ mẹ con em trong những lúc khó khăn. Nhưng em chỉ nhờ bà nuôi hộ cháu để đi làm chứ không cho. Số tiền 80 triệu kia em coi như không có, em chỉ cần được ở gần con bé thôi”, giọng đượm buồn Hằng kể với chúng tôi.

    Do quá nhiều lần lên van xin nhưng đều bị bà Biên từ chối, một lần Hằng đã lớn tiếng khóc lóc đòi đưa con về bằng được. Hằng có tình mậu tử với con, bà Biên cũng có tình thương đặc biệt với đứa bé. Vi Thị Hằng cho biết: “Hôm đó, bà đưa ra một số giấy tờ cho em xem thì đúng là con bé đã được khai sinh và nhập khẩu vào nhà bà rồi. Nếu khó khăn quá phải đưa nhau ra pháp luật thôi.”.

    Không tin đây là sự thật, hai vợ chồng Hằng nhiều lần lên xã hỏi nhưng họ cũng không thể giúp gì được nhiều. Đây là tình huống pháp lý dở khóc, dở cười.

    Nhận được đơn thư của bạn đọc, PV báo Người Đưa Tin đã tìm về bản Na Lượng 2, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) để gặp bà Lương Thị Biên và làm việc với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tại đây cũng mở ra cho chúng tôi thấy nhiều vấn đề chưa rõ ràng và chuẩn mực của cán bộ xã này. Có thể, đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp quyền nuôi con khó tháo gỡ bấy lâu nay.

    PV sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về những uẩn khúc phía sau câu chuyện này, trong bài viết tiếp theo.

    Xuân Chinh

    Nguồn: Người đưa tin

    Xem thêm video:

    [mecloud]Y67UM4aucn[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gian-nan-doi-quyen-nuoi-con-de-cua-nguoi-me-tre-mot-thoi-tha-huong-a164792.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.