Ban đêm, nhất là những ngày trời trở lạnh, nhiều người do công việc, thói quen thường hay nhịn tiểu. Tuy nhiên, điều này có thể gây nhiễm trùng tiểu, sỏi thận, suy thận, viêm đường tiết niệu, giảm ham muốn "yêu", thậm chí vỡ bàng quang gây tử vong.
“Nhịn quá”… vỡ bàng quang
Quá trình đi tiểu không chỉ giúp tống thoát nước tiểu, chất cặn bã ra ngoài mà còn giúp rửa sạch đường tiểu, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn ngược từ ngoài vào trong.
Việc nhịn tiểu không chỉ gây cảm giác khó chịu, bứt rứt tạm thời mà còn có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Nước tiểu chứa hàng trăm loại chất thải khác nhau của cơ thể. Khi nước tiểu ứ đọng lâu sẽ thuận lợi cho những tinh thể và cặn lắng trong nước tiểu có khả năng kết tinh và nguy cơ dẫn đến sỏi niệu.
Về lâu dài, việc nhịn tiểu có thể dẫn đến mất phản xạ tiểu theo đúng chu kỳ. Người bệnh luôn có cảm giác buồn đi tiểu mà tiểu lại ít, đau, rát, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt tình dục.
Nhịn tiểu thường xuyên gây ức chế lên vùng xương chậu, cổ tử cung và các bộ phận sinh dục khác gây nên cảm giác đau khi giao hợp, từ đó giảm dần và mất hết hưng phấn khi “yêu”.
Nhịn tiểu có thể dẫn đến giảm ham muốn "yêu". Ảnh minh họa.
Các cơ quan sinh dục nằm gần với niệu đạo nên ngoài giảm hưng phấn tình dục, khả năng nhiễm khuẩn cơ quan sinh dục cũng rất cao.
Hơn nữa, bàng quang sẽ kém co bóp và đàn hồi, hai miệng niệu quản sẽ mất khả năng chống trào ngược. Theo đó, lượng nước tiểu ứ đọng sẽ tăng dần, vi khuẩn sẽ nhiễm ngược dòng lên đến thận. Bệnh lý lúc này sẽ nghiêm trọng.
Bàng quang con người cũng như một cái túi, trung bình chứa được 250 – 300ml nước. Khi dung tích bàng quang khoảng 400ml thì bắt đầu có dấu hiệu căng giãn gây cảm giác mót tiểu, nếu thường xuyên bị căng và nhịn tiểu lâu có thể gây vỡ bàng quang.
Thực tế đã có một số trường hợp bị vỡ bàng quang dẫn đến tử vong do nhịn tiểu. Tình trạng này xảy ra do bàng quang đang căng đầy mà “khổ chủ” bị té ngã, va đập…
Nguy cơ mắc bệnh với mọi đối tượng
Ở người bình thường, việc nhịn tiểu lâu có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng tiết niệu, đặc biệt là ở phụ nữ vì niệu đạo ngắn (khoảng 3 - 4cm) và xung quanh miệng niệu đạo có nhiều nguồn vi trùng (hậu môn, âm đạo) có thể giúp chúng ngược dòng lên trên gây nhiễm trùng, tăng nguy cơ bệnh sỏi niệu.
Đối với trường hợp đang có các bệnh lý như suy thận, nhiễm trùng thì việc nhịn tiểu sẽ trở nên nguy hiểm, vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn, suy thận nhiều hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Đối với những người cao tuổi có bệnh tim mạch, nhịn tiểu sẽ làm tăng thêm gánh nặng của động mạch, có thể dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu, thiếu máu cung cấp lên não và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu nhịn đi tiểu sẽ khiến thần kinh hưng phấn, dẫn đến huyết áp tăng, tim đập nhanh, lượng ôxy tiêu hóa gia tăng, gây ra xuất huyết não hoặc nhồi máu cơ tim…
Đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi, nhịn tiểu có thể dẫn đến bị nhiễm trùng tiểu nhưng triệu chứng báo động thường không rõ ràng. Bé có thể giảm cân, sốt hoặc rối loạn tiêu hóa như chán ăn, tiêu chảy, ói…
Ở trẻ lớn hơn và người lớn thì có các triệu chứng cụ thể, rõ ràng như đái buốt, đái gấp, đái máu, đái đục.
Xử lý và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu
Ngay khi có triệu chứng rối loạn đi tiểu cần phải đi khám sớm. Nếu phát hiện và xử lý sớm (trong trường hợp viêm bàng quang cấp tính) thì chỉ cần điều trị bằng cách dùng kháng sinh phù hợp từ 3 - 7 ngày.
Bên cạnh đó, người bệnh phải thay đổi thói quen: không nhịn tiểu lâu, không nên nhịn tiểu khi không thực sự cần thiết (trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ trong điều trị một số bệnh), vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, tình dục an toàn…
Uống nhiều nước để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu. Ảnh minh họa.
Để phòng ngừa nhiễm trùng niệu, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ, nên uống nhiều nước, khoảng 2-3 lít nước/ngày, uống nhiều vào buổi sáng. Dấu hiệu đơn giản nhất để biết mình uống đủ nước là màu sắc nước tiểu trong, không vàng.
Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều trái cây, rau củ.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đúng cách; với phụ nữ nếu có nhiễm trùng phụ khoa thì dễ có nguy cơ nhiễm trùng niệu hơn nên phải điều trị triệt để.
Với những người hay tiểu đêm, mất ngủ “nằm trằn trọc” thì cần chơi thể thao, giữ tinh thần thoải mái tránh lo nghĩ những chuyện không đâu thì sẽ có được giấc ngủ ngon và không bị đi tiểu đêm. Không nên uống nước trước 3 giờ chuẩn bị đi ngủ và nên ăn nhạt.