+Aa-
    Zalo

    Giám đốc truyền thông Lê Phạm - Người mang tiếng hát xoa dịu nỗi đau

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sài Gòn giờ tan ca, mọi người hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc, tôi bất chợt nhận ra một người phụ nữ nhỏ nhắn đang suy tư một mình bên ly café ở góc đường.

    Sài Gòn giờ tan ca, mọi người hối hả trở về nhà sau một ngày làm việc, tôi bất chợt nhận ra một người phụ nữ nhỏ nhắn đang suy tư một mình bên ly café ở góc đường cạnh công viên 23/9. Tôi nhận ra ngay đó là nhà thiết kế Lê Phạm - Giám đốc Công ty truyền thông Lê Phạm.

    “Đau chung nỗi đau”

    Biết chị Lê Phạm đã lâu nhưng chưa một lần chuyện trò, thấy chị suy tư một mình nên tôi cố tình bắt chuyện. Phần vì để làm quen, phần khác cũng muốn nghe chị tâm sự tại sao lại buồn khi Sài Gòn đã lên đèn và đáng lẽ chị phải đi dự sự kiện hay vui cùng bạn bè. Bất cứ ai khi gặp Lê Phạm sẽ nhận ra một điều rằng, chị là người thích truyền cảm hứng cho người khác thay vì phải ngồi nghe một cậu phóng viên mặt non toẹt như tôi kể về đời và nghề.

    Chị nói với tôi rằng, hôm nay chị buồn và chị sẽ ngồi nghe em nói tất cả, nhưng chính chị cũng không hiểu vì sao chị buồn. Thế là tôi ngồi nói như một cái radio phát trên sóng và không để một phút nào bị “đứt sóng”. Chị vẫn chăm chú ngồi nghe và thở dài: “Tuổi trẻ có quá nhiều khát vọng để thực hiện, nhưng những người khuyết tật lại không thể biến ước mơ của họ thành sự thật”.

    Tôi chợt chạnh lòng và phần nào hiểu nỗi ưu tư của chị hôm nay, hỏi rõ ra mới biết chị đang tổ chức “Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần II”. Trái tim tôi bỗng nhiên thắt lại khi đang ngồi đối diện với một người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng tấm lòng lại rực cháy một tình thương với những người có quá nhiều nỗi bất hạnh.

    Chị nhấp ly café đen rồi nói với tôi: “Chị muốn những người khuyết tật được đứng trên sân khấu, cất cao giọng hát với tất cả niềm hãnh diện. Qua từng câu hát, họ sẽ được kể câu chuyện của đời mình và khát khao cháy bỏng mà họ chưa làm được”.

    Dẫu biết rằng, chuyện lo cho người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật thiếu may mắn là chuyện không của riêng ai. Nhiều năm nay, các cơ quan nhà nước, nhiều mạnh thường quân vẫn chung tay xoa dịu nỗi đau ấy. Nhưng ít ai nghĩ đến sẽ làm thế nào để những người kém may mắn đó tỏa sáng trên sân khấu. Cũng ít ai nghĩ rằng, biết đâu chỉ một lần được hát thì họ sẽ thay đổi cuộc đời mình.

    Âm nhạc luôn đưa tất cả chúng ta đến với cảm xúc. Âm nhạc giúp nhiều người xoa dịu nỗi đau. Và đây có lẽ là cách hữu hiệu nhất để người khuyết tật kể về cuộc đời mình và xoa dịu chính nỗi đau của mình. Hôm nay chị Lê Phạm nói ít, ít đến bất ngờ so với một Lê Phạm ngày nào. Nhưng từng câu chữ chị nói về người khuyết tật và khát khao cháy bỏng của chị đang làm cho họ khiến lòng tôi chùng lại.

    Với các công ty truyền thông sự kiện khi tổ chức một chương trình, họ chỉ cần ký hợp đồng và triển khai, nhận phần lợi nhuận rồi kết thúc. Nhưng với Lê Phạm, tôi nhận thấy rõ chị đau với nỗi đau của thí sinh, chị trăn trở làm thế nào để họ tỏa sáng và hơn hết là chị đang sống và đồng hành với họ.

    Giám đốc truyền thông Lê Phạm trẻ trung trong tà áo dài truyền thống tại nhà hát VOH - Music One  

    Khó khăn chồng chất

    Với một người bình thường để tham gia một cuộc thi ca hát là chuyện không đơn giản, từ hình thể cho đến giọng hát rồi khả năng trình diễn sân khấu. Đó còn chưa kể đến việc để họ trụ được và sống bằng ca hát còn khó hơn. Ấy vậy mà Lê Phạm lại thực hiện cái việc dường như bất khả thi, đưa những người có nhiều khiếm khuyết và không có gì tỏa sáng trên sân khấu.

    Là một người từng tổ chức sự kiện như tôi, khi nghe qua chương trình đã thấy rất nhiều khó khăn. Truyền thông bây giờ chạy theo chiêu trò PR. Mà ở những chương trình như “Tiếng hát người khuyết tật” thì lấy gì để chiêu trò?

    “Một chương trình dành cho người khuyết tật, những người chịu nỗi đau khiếm khuyết cơ thể thì ai nỡ lòng biến nỗi đau ấy thành trò truyền thông. Không có chiêu trò gì ở đây hết, cái chị đang làm là cái tâm với họ và xoa dịu nỗi đau ấy”, chị Lê Phạm nói xong lại nhấp ly cafe đắng.

    Vừa là đơn vị tổ chức, vừa phải đi tìm đối tác tài trợ thật sự không dễ ở thời buổi nhà nhà xiết quảng cáo, PR như hiện nay. Hơn nữa, một chương trình được tổ chức bằng trái tim của những người đồng cảm lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, chị Lê Phạm lại thật sự có niềm tin về cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ của những doanh nghiệp, các mạnh thường quân. Trong mắt chị hừng hực niềm đam mê và khát vọng mang tiếng hát của người khuyết tật bay xa hơn.

    “Mà em biết không, chị làm được những việc này, ngoài những cánh tay nối dài của các mạnh thường quân, còn phải kể đến những người bạn luôn lặng lẽ đồng hành cùng chị. Chị có những người bạn thật sự tuyệt vời. Họ sẵn sàng đứng ở phía sau làm động lực cho chị. Khi mệt mỏi, bế tắc chị không một mình. Vì vậy, dù khó khăn nào, chị tin mình cũng vượt qua”, chị Lê Phạm nói mắt long lanh hạnh phúc xóa tan mệt mỏi.

    Anh Trần Dương Duy, một trong những người bạn luôn lặng lẽ đồng hành phía sau chị

    Anh Trần Dương Duy đã từng nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp của Ngân Hàng, và hiện đang là phó giám đốc điều hành công ty Gia Linh Luxury. Chị bảo nhiều khi bất ngờ lẫn xúc động vì anh bận rộn như thế nhưng luôn sẵn sàng chia sẻ cùng chị.

    Tiếng hát người khuyết tật hay nói đúng hơn là người khuyết tật hát về mình cho cuộc đời nghe là một chương trình ý nghĩa. Ở đó họ sẽ trải lòng mình qua tiếng hát không tròn trịa nhưng đó là niềm khát khao rực cháy được tỏa sáng trên sân khấu và nhận được những tràng vỗ tay dài của khán giả.

    Dù rằng có những người không nhìn khán giả bằng mắt nhưng họ có thể nắm bằng tay và cảm nhận bằng trọn vẹn trái tim mình. Nhiêu đó thôi đã là hạnh phúc.

    Lê Thạch

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giam-doc-truyen-thong-le-pham---nguoi-mang-tieng-hat-xoa-diu-noi-dau-a249567.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan