+Aa-
    Zalo

    Giám đốc doanh nghiệp "phát điên" vì bị "khủng bố" đòi nợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không vay tiền nhưng ông Mạnh - một Giám đốc doanh nghiệp vẫn bị các đối tượng tự xưng nhân viên ngân hàng đòi nợ bằng những cuộc điện thoại lúc 0h.

    Không vay tiền nhưng ông Mạnh - một Giám đốc doanh nghiệp vẫn bị các đối tượng tự xưng nhân viên ngân hàng đòi nợ, “khủng bố” bằng những cuộc điện thoại lúc 0h.

    “Phát điên” vì số lạ gọi đòi nợ

    Thời gian qua, nhiều người bị đối tượng xấu tung thông tin cá nhân, số điện thoại lên các trang mạng xã hội với nội dung vay tiền và trốn trả. Sau đó khổ chủ đã phải lên mạng để thanh minh rằng mình cũng là nạn nhân. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn còn xảy ra, thậm chí có những người không chỉ bản thân họ bị làm phiền mà cả người thân, bạn bè cũng bị vạ lây từ những cuộc điện thoại lạ.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, ông Lưu Văn Mạnh, Giám đốc công ty cổ phần Môi trường (phường La Khê, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) không khỏi bức xúc khi đồng loạt nhận được những dòng tin nhắn than phiền của bạn bè, người thân và các đối tác khách hàng về việc những người này nhận được rất nhiều cuộc gọi từ những số điện thoại lạ với nội dung ông Mạnh lừa đảo, không trả tiền sẽ làm phiền đến các đối tác...

    Liên tiếp là các cuộc gọi “khủng bố” từ những số máy lạ.

    Dù đã chia sẻ thông tin trên facebook cá nhân rằng mình không hề lừa đảo và không nắm được những số điện thoại kia từ đâu, thế nhưng nhiều người thân xung quanh ông vẫn nhận được vô vàn cuộc gọi từ những số máy lạ. Cụ thể, ông Mạnh cho biết: “Vào hồi 11h10 phút ngày 7/1/2021 công ty chúng tôi có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại: 039206xxx, 0869018xxx không xưng tên, tự xưng là phòng thu hồi nợ của một ngân hàng . Số điện thoại trên có lời nói bất lịch sự, và yêu cầu tôi tới trả khoản nợ với ngân hàng”.

    Theo lời ông Mạnh, sau khi nhận được cuộc gọi này ông nhận được thông báo từ đối tác, khách hàng phản hồi về việc các số điện thoại lạ gọi điện cho nhân viên, đối tác, khách hàng...với nội dung: “Công ty Môi trường ETH lừa đảo”, “ông Mạnh lừa đảo vay nợ 60 triệu đồng”.

    Chưa hết, ông Mạnh cho biết thêm những số máy lạ kia còn dùng nick facebook ảo vào trang cá nhân của ông và bạn bè, đối tác của ông bình luận với nội dung ông Mạnh lừa đảo, nợ với số tiền mỗi lúc một khác nhau từ 60 đến vài trăm triệu đồng. “Tôi khẳng định là tôi không nợ ai, việc những người tự xưng người của ngân hàng gọi điện, nhắn tin với đối tác khách hàng của công ty đòi nợ như vậy đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh, danh dự của cá nhân tôi và công ty tôi. Đã hai ngày nay tôi không còn tâm trí để làm ăn, không chỉ bản thân mà các đối tác cũng bị làm phiền vào lúc nửa đêm cứ 5 phút lại có điện thoại gọi đến”, ông Mạnh bày tỏ sự bức xúc.

    Ông Việt (đối tác của công ty ông Mạnh) cũng cho biết thêm: “Tôi nhận được cuộc gọi từ số lạ và nói rằng đối tác là ông Mạnh có nợ tiền, rồi nói công ty lừa đảo. Tuy nhiên, sau đó tôi có hỏi lại thì hoá ra không phải. Mặc dù vậy, tôi thấy rất phiền phức và suýt nữa thì hiểu nhầm đến ông Mạnh”.

    Trước sự việc phiền toái gây bức xúc này, ông Mạnh cho biết ngày 7/1/2021 ông đã làm đơn trình báo gửi đến Công an phường La Khê, quận Hà Đông, TP.Hà Nội. Trong đơn trình báo ông Mạnh cũng bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi làm tổn hại tới hình ảnh và lợi ích hợp pháp của công ty mình.

    Có thể xử lý hình sự

    Đây không phải lần đầu tiên cá nhân, doanh nghiệp bị “khủng bố” điện thoại, mà trước đó cũng có nhiều người từng than phiền về việc hàng ngày nhận được hàng chục cuộc gọi từ số lạ, hỏi thăm tin tức về người thân sau đó nhắc đến khoản nợ. Việc này khiến cho người phải nhận điện thoại từ số lạ cảm thấy rất phiền phức, thậm chí sợ không dám cầm đến điện thoại.

    Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng có thể xử lý hình sự, người bị hại có thể khởi kiện nếu xác định được người gọi điện thoại đe doạ.

    Trao đổi thêm với PV về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Đối với giám đốc công ty nêu trên, cần kiểm tra lại xem thời gian qua tài khoản có nhận được tiền ngân hàng hay không? Nếu không vay mà bị làm phiền bằng gọi điện thoại, nhắn tin với bạn bè, đối tác thì đó là tội vu khống. Theo quy định của luật có thể áp dụng xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự”.

    Cũng theo luật sư Vinh, người bị làm phiền có thể phản ánh đến các nhà mạng về việc nhận những số điện thoại lạ, yêu cầu khoá các số điện thoại này lại.

    Đồng thời, việc sử dụng hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm là hành vi trái quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Theo quy định tại điểm g, khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

    Những hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng nói trên có thể cấu thành tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống theo quy định tại Điều 155, Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

    Ngoài ra, khi xác định được người gọi điện thoại đe dọa là ai, địa chỉ ở đâu thì người bị làm phiền hoàn toàn có thể khởi kiện. 

    Không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại

    Trước đó, theo cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương), trong năm 2019, Cục đã giải quyết 568 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng thuộc ngành hàng tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Trong đó, nhiều người khiếu nại về việc không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ, mặc dù họ đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp. Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, người thân của người tiêu dùng để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng.

    Bích Liên

    Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (6)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giam-doc-doanh-nghiep-phat-dien-vi-bi-khung-bo-doi-no-a352830.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan