“Chúng tôi đã có đề xuất với Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn đánh giá thiệt hại nhưng đến giờ chưa nhận được kết quả về việc giám định này nên chưa có cơ sở khởi tố vụ án”, Giám đốc Công an TP Hà Nội nêu lý do chưa khởi tố vụ án ở tập đoàn Mường Thanh.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội sáng 6/12, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam đề nghị: "Công an thành phố cho biết lý do gì đến giờ phút này chưa khởi tố vi phạm xây dựng cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên".
Theo ông Nam, doanh nghiệp nêu trên sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống về công tác trật tự xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Từ tháng 8/2016, Thanh tra đã chuyển hồ sơ sang Công an thành phố và Giám đốc Công an thành phố nói sẽ sớm xem xét theo quy định pháp luật.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam - Ảnh: Vietnamnet |
Cùng với thanh tra, cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã sao gửi, cung cấp hồ sơ liên quan đến 13 công trình vi phạm thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên cho cơ quan điều tra.
Trả lời câu hỏi này trong phiên chất vấn buổi chiều, giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho hay, mọi việc đang được cơ quan công an điều tra "thận trọng và khách quan".
Theo ông Khương, ngày 29/11/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận toàn bộ hồ sơ của Thanh tra thành phố chuyển theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Hà Nội. Cùng ngày, việc xác minh đã được Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra phân công nhiệm vụ.
Công an thành phố đã trao đổi và phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát để giám sát các hoạt động thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, trong đó có nội dung cần giám định thiệt hại.
“Chúng tôi đã có đề xuất với Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn đánh giá thiệt hại nhưng đến giờ chưa nhận được kết quả về việc giám định này nên chưa có cơ sở khởi tố vụ án”, thiếu tướng Khương nêu lý do chưa khởi tố vụ án.
Cũng theo tướng Khương, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên là doanh nghiệp lớn với hơn 20.000 lao động ở 40 tỉnh thành cả nước và ở Lào. Do đó, việc điều tra với tinh thần tích cực, khẩn trương nhưng phải thận trọng vì quá trình xử lý sẽ tác động trước hết đến khách hàng, người lao động.
Giám đốc Công an Hà Nội cho hay đã thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền và đang cùng Viện kiểm sát đề nghị ba ngành tư pháp trung ương họp, nghe báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo trước khi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
“Tôi khẳng định không có việc củi ướt hay củi khô. Về mặt luật, cơ quan Cảnh sát điều tra luôn thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật một cách thận trọng và khách quan”, ông Khương nhấn mạnh.
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội sáng 6/12, đại biểu Bùi Huyền Mai (quận Đống Đa) phản ánh tình trạng vi phạm về trật tự đô thị còn phổ biến. Đại biểu Mai đề nghị đại diện Ban chỉ đạo 197 của thành phố cho biết có bao nhiêu cán bộ các cấp bị xử lý khi để xảy ra tình trạng vi phạm và biện pháp giải quyết? Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đến nay Ban chỉ đạo 197 chưa nhận được báo cáo xử lý đối với bất cứ cán bộ nào liên quan đến quản lý trật tự hè phố. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Hà Nội, ông Khương cho biết, Ban Chỉ đạo 197 nếu phát hiện vi phạm sẽ kiến nghị lãnh đạo các quận, huyện xử lý ngay. Ngoài ra, ông Khương cũng đã có phiếu giao việc cho công an địa bàn xử lý tình trạng này. Về phía Công an TP Hà Nội, ông Khương cho biết, có một trường hợp trên địa bàn quận Hoàng Mai bị dư luận phản ánh kinh doanh hàng quán trên lề đường, hè phố. “Khi chúng tôi kiểm tra, đồng chí công an chỉ cho thuê chứ không liên quan đến việc kinh doanh này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu rút kinh nghiệm, chấm dứt hợp đồng, không để ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nói. |
Cự Giải (T/h)