Một số lãnh đạo giải trình tài sản "khủng" từ nuôi lợn, nuôi gà, buôn chổi đót..., ông Phạm Trọng Đạt (Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ) cho rằng "không thể chấp nhận được".
Sở hữu trong tay khối tài sản “khủng”, những biệt phủ trị giá hàng chục tỷ đồng, đến khi dư luận, báo chí chỉ rõ, nhiều cán bộ lãnh đạo giải thích, khối tài sản “khủng” có được từ những ngày nuôi lợn, chăn gà, chạy xe ôm, bán chổi đót…
Cục trưởng cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt. (Ảnh: Dương Thu). |
Cho rằng đây là cách giải thích “không thể chấp nhận được”, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) đề xuất phải hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc nhằm ngăn chặn và xử lý tình trạng kê khai tài sản không hợp lý, kê khai sai.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với vị Cục trưởng xung quanh đề xuất này.
PV:Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn lý do vì sao ông lại đề xuất hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải trình rõ nguồn gốc?
Ông Phạm Trọng Đạt: Thực ra, đây là đề xuất giải pháp mang tính lâu dài chứ chưa thể làm ngay được. Tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu làm theo Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng. Việc hình sự hóa các tài sản bất hợp pháp, không giải thích rõ ràng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tài sản không giải trình được, theo luật hiện hành còn khó xử lý nên cần nghiên cứu đưa thành luật.
PV:Việc nghiên cứu này nên giao cơ quan nào và tiến hành như thế nào để không rơi vào tình trạng nửa vời dẫn đến kém hiệu quả?
Ông Phạm Trọng Đạt: Tốt nhất là cơ quan soạn thảo luật về phòng chống tham nhũng cần báo cáo Chính phủ để xem xét nội dung có trình Quốc hội được không.
PV:Việc kê khai tài sản lâu nay dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Phải chăng vì thế việc kiểm soát càng khó khăn hơn?
Ông Phạm Trọng Đạt: Tự nguyện kê khai gắn liền với việc tự chịu trách nhiệm, không phải cứ tự nguyện là muốn làm gì cũng được. Nếu tự nguyện nhưng cố tình không kê khai hoặc kê khai không đúng sẽ phải chịu xử lý.
Kê khai tài sản cũng phải gắn liền với sự giám sát của người đứng đầu cơ quan đơn vị. Nhiều cán bộ lãnh đạo giải trình nguồn gốc tài sản “khủng” có được từ việc nuôi lợn, nuôi gà... Đó là quyền của họ. Nhưng quan điểm của tôi, nguồn gốc tài sản phải được giải trình một cách hợp lý. Sở hữu tài sản 10 tỷ đồng giải thích do nuôi lợn, nuôi gà, buôn bán chổi đót... là dấu hiệu của sự bất hợp lý, khó chấp nhận.
Như tôi nói, quyền giải thích nguồn gốc tài sản là của mỗi cá nhân, nhưng cơ quan có trách nhiệm sẽ xác minh thẩm định rõ việc giải thích nguồn gốc đó đúng hay không. Nếu giải thích không trung thực, không hợp lý, chắc chắn phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tôi cũng kiến nghị khi sửa luật, phải quy định đối tượng người thân cán bộ cũng phải kê khai tài sản. Bởi thực tế có hiện tượng quan chức chuyển tài sản cho người thân. Những diện cán bộ trước khi được bổ nhiệm bắt buộc phải xác minh tài sản, coi đó là điều kiện để đề bạt, bổ nhiệm. Phải xem xét cán bộ theo hướng nếu không trung thực trong kê khai tài sản thì không đủ điều kiện để bổ nhiệm, đề bạt. Sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng đang theo hướng tăng cường kiểm soát, quản lý đối tượng cần kê khai tài sản và kiểm soát việc kê khai tài sản một cách hiệu quả hơn.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)