(ĐSPL) - Người xưa vẫn rỉ tai nhau rằng, ai sinh nhằm mùng một và ngày rằm “một thành quan, hai thành cướp”.
Nếu đã giỏi thì thông minh tuyệt đỉnh còn ngược lại sẽ phá gia chi tử, coi trời bằng vung. Có lẽ câu nói này đúng với những giai thoại vẫn còn truyền tụng lại về cụ Thượng Uy Viễn - Nguyễn Công Trứ.
Đến nay, những giai thoại về sự uyên bác, ngông bướng một cách trí tuệ của cụ vẫn được người đời kể lại với sự kính nể và ngưỡng mộ. Người ta nói rằng cái sự ngông, thông minh của vị tướng văn võ song toàn này là do Nguyễn Công Trứ được hạ sinh đúng ngày mùng một?
Ngông từ thuở lọt lòng đến lúc xuôi tay?
Trong một lần trò chuyện cùng chuyên gia văn hóa Cấn Văn Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ Làng Thiền, Dưỡng sinh, Khí công, chúng tôi được ông kể những giai thoại về Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ. “Nhiều năm qua, bên cạnh các công việc chuyên môn, tôi cũng có đi sưu tầm tư liệu về cụ Trứ. Tôi ngưỡng mộ không chỉ vì sự ngông “thấu thiên” mà cụ còn là một nhà thơ, một người thông minh tuyệt đỉnh.
Tượng cụ Nguyễn Công Trứ. |
Sử sách còn lưu, cụ Trứ sinh ngày mùng một tháng Mười một năm Mậu Tuất (1778), tại tư gia của viên quan Tri huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Thân sinh của cụ là bà huyện họ Nguyễn. Sau cuộc vượt cạn kinh hoàng, bà đã sinh hạ được một cậu con trai thân dài, trán rộng, mũi cao”, chuyên gia này cho biết.
Khi đó, người ta xôn xao bàn tán về cái ngày sinh ra cụ. “Trai mùng một, gái ngày rằm”, không ít người ái ngại sợ rằng lớn lên cậu bé sẽ phá phách, ương bướng khiến song phụ vất vả, khổ cực. Thậm chí, khi đó, dân làng còn ngạc nhiên khi cậu bé vừa mới sinh đã tỏ ngay sự ngông bướng của mình bằng cách không chịu mở mắt và không thèm mở miệng khóc như những đứa trẻ sơ sinh khác.
Đền thờ cụ Trứ tại Kim Sơn (Ninh Bình). |
Người nhà lôi hết nồi đồng, mâm thau ra khua gõ liên hồi, cậu cũng điềm nhiên mặc kệ. Chỉ đến khi cả đám người trong nhà đã mỏi rã rời, xuôi tay, lắc đầu thì cậu mới dõng dạc cất tiếng khóc đầu tiên oang oang như tiếng chuông đồng.
Sử sách có chép lại, người cha của đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Ông vốn hiếm muộn, khi đó đã ngót nghét lục tuần mới có được cậu con trai nối dõi. Là một nhà Nho hay chữ, nghĩ đây cũng là một điềm báo điều hỷ, ông bèn ra thư phòng lấy giấy bút đặt tên cho con trai. Ông chọn cho cậu quý tử bướng bỉnh tên huý là Củng theo chữ Nho có nghĩa là bền chặt, vững vàng, còn tên chữ là Trứ nghĩa là rõ ràng, nổi trội.
Cậu bé đó chính là Uy Viễn Tướng công Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Trứ tương lai và cũng là nhà thơ trác việt kiêm “tay chơi” số một thời đó. Nổi tiếng thông minh, trí tuệ, trọng nước yêu dân. Nhưng cái sự ngông của cụ thì có lẽ chẳng ai có thể sánh bằng.
Ông Cấn Văn Bình chia sẻ: “Theo lời truyền, trước khi sang thế giới bên kia, cụ dặn con cháu không nên bày vẽ tổ chức tang lễ để khỏi tốn kém, làm khổ dân làng. Con cháu hãy cứ để cụ nằm nguyên trên chõng như khi đang ngủ, thả xuống huyệt là xong.
Nhưng khi đó, người dân cũng chẳng ai biết con cháu cụ có thực hiện đúng lời di huấn hay không. Cụ mất, theo niên biểu ghi là ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858). Tuy nhiên, trong gia phả chép lại, cụ mất đúng ngày rằm. Chính vì điều này khiến người đời lại thêm một lần kinh ngạc. Cụ lựa đúng ngày Sóc (mùng một) để chào đời và rồi chọn đúng ngày Vọng trăng tròn (15 âm lịch) để về với tổ tiên”.
80 tuổi vẫn dâng sớ xin cầm quân đánh giặc
Thuở nhỏ, cụ Nguyễn Công Trứ học rất giỏi, thông minh, sáng dạ hơn người nên được người dân gọi với cái tên “thần đồng”. Tuy nhiên, tính tình nghịch ngợm, lì lợm chẳng giống ai. Đến năm 10 tuổi, cậu bé theo cha về Hà Tĩnh, sống ở làng Uy Viễn, Nghi Xuân, quê nội. Tại đây, những giai thoại về sự ngông bướng một cách trí tuệ của cụ Trứ mới bắt đầu được sử sách ghi chép lại.
Vừa về quê nội không lâu, cha đẻ của Nguyễn Công Trứ cho con mình đến học một thầy đồ gần nhà. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, vị thầy đồ này đã phải từ chối dạy. Bởi cậu bé Củng Trứ lỗi lạc và kiệt xuất đến nỗi thầy đồ không còn chữ để dạy nữa. Thế rồi thầy hướng gia đình cho cậu lên tỉnh theo học thầy giỏi hơn.
Ông Cấn Văn Bình trao đổi với PV báo ĐS&PL. |
Câu chuyện mà đến nay các cụ già làng Uy Viễn vẫn thường kể lại cho con cháu là màn đối đáp “vô tiền khoáng hậu” của cụ Nguyễn Công Trứ với một nhà sư nổi tiếng hách dịch. Ngày đó, làng Uy Viễn có một ngôi chùa lớn. Vị sư trụ trì ở đây là người nhiều chữ, uyên thâm nhưng nổi tiếng kiêu ngạo. Vị này thường tự cho mình là nhất thiên hạ, xem thường cả Nho Củng vốn từ lâu đã nổi tiếng thần đồng khắp vùng. Biết vậy, Nguyễn Công Trứ cũng hiếu thắng tìm dịp gặp thử tài cao thấp.
Nhân một hôm nghỉ học từ tỉnh thành về thăm nhà, cụ Trứ bèn tìm tới chùa để thắp hương cầu Phật. Đến nơi, thấy ngoài sân, trong điện không có ai, cụ Trứ lại đang khát nên đi thẳng vào bếp chùa để tìm nước uống. Ở đây, cụ gặp sư trụ trì đang lúi húi bên bếp. Quay lại nhìn người lạ, vị sư buông ra một câu không mấy hiếu khách: “Khách khứa kể chi ông núc bếp”. Cụ Trứ nhìn quanh, thấy một cái vại ở góc bếp, liền ứng khẩu đối lại: “Trai chay mà có vại cà sư?".
Ông Cấn Văn Bình bảo: “Câu này thực ra được nói lên rất vô tình, nhưng vị sư kia lại cho rằng cụ Trứ thâm ý châm biếm mình có tư tình với bà vãi, nên chắp tay nhìn lên tượng Phật đọc một câu như thanh minh cho sự đứng đắn của mình: Xin chứng minh cho, Nam mô A Di Đà Phật. Cụ Trứ liền chỉ vào cái kiềng trên bếp và cất tiếng đối lại: “Có giám sát đó, Đông Trù Tư mệnh Táo quân!”. Đông trù Tư mệnh Táo quân là thần coi bếp, cầm giữ bản mệnh của gia chủ. Bên mời Phật, bên nhờ thần ra minh chứng, lại Đông đối với Nam thì thật là tài”.
Đến đây thì vị sư vừa tức, vừa hoảng, không ngờ gặp phải đối thủ trẻ tuổi mà cao cường đến vậy liền hạ một chiêu cuối cùng, vừa vỗ ngực ta đây vừa hăm dọa đối thủ: “Thuộc ba mươi sáu quyển kinh, chẳng thiên địa thánh thần nhưng khác tục”.
Cụ Trứ liền đáp lại rằng: “Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người!”. Tới đây vị sư đành nín thinh, chấp nhận thua cuộc, từ đó không dám cao ngạo nữa. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đây, Nguyễn Công Trứ đắc thắng ra về, nhưng vừa bước đến giữa sân thì hai con chó nhà chùa xổ ra cắn như kiểu để trả thù cho chủ. May có chú tiểu ngăn mãi mới được. Nho Củng dừng lại nhìn quanh chùa rồi ngâm hai câu như một lời nhắn gửi: “Bụt cũng hiền lành, sư cũng khá/ Còn hai con chó chửa từ bi”.
Theo chuyên gia Cấn Văn Bình, do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều đại Gia Long và Minh Mạng nên đã xảy ra liên tiếp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó. Năm 1827, ông dẹp Khởi nghĩa Phan Bá Vành; năm 1833 dẹp Khởi nghĩa Nông Văn Vân, năm 1835 dẹp giặc Khách. Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, cụ Trứ khi đó đã 80 tuổi nhưng vẫn dâng sớ xin vua cho đi đánh giặc. Không được chấp nhận, vì tuổi già yếu nhưng điều đó nói lên khí phách của một anh hùng thời đại và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt.
VĂN CHƯƠNG - MAI HẰNG
Xem thêm video: Phôi tượng ám ảnh về một cậu bé trên bụng mẹ
[mecloud]NV70gpsjkX[/mecloud]