Buôn lậu thuốc lá trở thành thứ hàng hóa siêu lợi nhuận do tránh được thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa nên khó khăn trong công tác xử lý đối tượng chính.
Buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp
Tại Tiền Giang: Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch, mở 3 đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả trên địa bàn tỉnh.Qua 3 đợt cao điểm kiểm tra, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, xử lý 73 vụ vi phạm, thu phạt gần 250 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 3,9 nghìn bao thuốc lá giả, nhập lậu.
Mới đây nhất, ngày 14/11/2024, Đội QLTT số 3 nhận được chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tổ chức kiểm tra đột xuất 01 hộ kinh doanh tạp hóa Q.K tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.
Tại đây, đội QLTT đã phát hiện, ngăn chặn 200 bao thuốc lá giả mạo nhãn hàng hóa về tên, địa chỉ của Công ty Thuốc lá Sài Gòn và giả mạo nhãn hiệu “SAIGON SILVER” đã được đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam. Tại huyện Tân Phú Đông, Đội QLTT số 2 cũng đã phát hiện 01 cơ sở buôn bán 250 bao thuốc lá điếu hiệu JET.
Tại Quảng Ninh: Triển khai Kế hoạch số 952/KH-QLTTQN ngày 10/10/2024 của Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng, chống thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu; các Đội QLTT đã tuyên truyền, ký cam kết chấp hành pháp luật trong kinh doanh thuốc lá đối với 260 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh; phát hiện, xử lý 54 vụ, phạt tiền 244.000.000 đồng, buộc tiêu hủy 3.959 bao thuốc lá điếu nhập lậu có trị giá 163.698.000 đồng. Lũy kế 11 tháng đầu năm, Cục kiểm tra, xử lý xứ lý 77 vụ vi phạm về kinh doanh thuốc lá, phạt tiền 380.000.000 đồng, buộc tiêu hủy 6.158 bao thuốc lá điếu nhập lậu trị giá theo giá niêm yết là 280.210.000 đồng.
Điền hình, chiều ngày 09/7/2024, tại Khu 5, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, Đội QLTT số 1 kiểm tra, tạm giữ 1.540 bao thuốc lá điếu nhập lậu (xuất xứ Trung Quốc) do đối tượng Bùi Hải Nam (sinh năm 1985; địa chỉ: Khu 7, phường Ka Long, thành phố Móng Cái) tàng trữ, vận chuyển. Xét vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội QLTT số 1 đã bàn giao hồ sơ, tang vật và đối tượng cho Công an thành phố Móng Cái khởi tố theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh mặt hàng thuốc lá điếu, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý 42 vụ vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phạt tiền 252.250.000 đồng, buộc tiêu hủy 10.010 sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trị giá 662.885.000 đồng.
Tại Đà Nẵng: Trong năm 2024, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra 82 đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối thuốc lá; qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 81 đơn vị, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 251 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 700 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu hiệu Esse Menthol, Esse Change, Jet, Esse Special Gold,.... Các hành vi vi phạm đã xử lý gồm: Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; Không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá; Không báo cáo về tình hình, kết quả kinh doanh và hệ thống phân phối của thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá theo quy định; Kinh doanh không đúng đối tượng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp;…
Riêng trong đợt cao điểm quý 4/2024, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 28 vụ việc buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, thu nộp ngân sách nhà nước 58.000.000 đồng, buộc tiêu hủy hơn 200 bao thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.
Đa dạng các giải pháp để phòng, chống thuốc lá nhập lậu
Thuốc lá lậu vào Việt Nam gây ra những thiệt hại nghiêm trọng không chỉ về kinh tế, mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cho biết, ước tính bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước thất thoát khoảng 10.000 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá gây ra.
Tại cuộc tọa đàm vào ngày 19/11 vừa qua, khi nói về công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn điều tra (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đánh giá: Buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.
Thượng tá Lê Thiện Thành kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu.
Đặc biệt, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng, chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.
Thuốc lá nhập lậu ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối trong nhiều thập kỷ qua, xuất phát từ đặc thù phức tạp về cư trú và địa hình với đường biên giới dài, nhiều sản phẩm thuốc lá lậu rất dễ mua và được người tiêu dùng quen sử dụng.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có lộ trình, chính sách thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa các mục tiêu của Chính phủ đặt ra cũng như hạn chế người dùng và hạn chế được nguy cơ thẩm lậu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước do chênh lệch về giá quá cao.
Trước mắt, trong thời điểm những tháng cuối năm 2024, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; Cục QLTT các tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nắm chắc hoạt động kinh doanh thuốc lá trên địa bàn thành phố. Kịp thời phát hiện, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Thực hiện công tác kiểm tra đột xuất khi tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời phản ánh của tổ chức, cá nhân tố giác các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá trên địa bàn.