Mới đây, 387 học sinh trường Ischool Nha Trang phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa tại trường. Hiện các ca đang điều trị là 211 bệnh nhân, ghi nhận 1 ca tử vong.
Tối 22/11, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh nhân cho thấy, tác nhân gây bệnh là khuẩn Salmonella, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh.
Khuẩn Salmonella gây bệnh như thế nào?
Sáng 22/11, bác sĩ Trương Hữu Khanh – phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM chia sẻ với Tuổi Trẻ Online cho biết, khuẩn Salmonella thường thấy trong các thực phẩm bẩn. Thực phẩm càng bẩn thì vi khuẩn này càng nhiều và mức độ ngộ độc càng cao.
Người ăn phải thức ăn có khuẩn này thường sẽ có biểu hiện giống như tất cả các ca ngộ độc khác như nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt… sau vài tiếng đồng hồ, nặng hơn là nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Khanh lưu ý, khuẩn Salmonella không phải là vi khuẩn thương hàn như nhiều người nghĩ.
So với những khuẩn khác, khuẩn Salmonella không phải là tác nhân quá nguy hiểm (mức trung bình) nhưng điều này còn phụ thuộc vào cơ địa và cách xử trí ban đầu, cấp cứu,… Nếu để người nhiễm khuẩn này tiêu chảy, nôn ói quá nhiều, dẫn đến mất nước, cấp cứu chậm trễ thì nguy cơ tử cvong cao. Do đó, khi trẻ có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy… cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ Khanh chia sẻ, trong nhiều năm làm lĩnh vực truyền nhiễm, ông từng gặp nhiều bệnh nhi riêng lẻ nhiễm khuẩn Salmonella ở mức độ nặng nhưng được cứu chữa kịp thời. Những trường hợp nhiễm khuẩn Salmonella đồng loạt, số lượng nhiều đều ở mức độ nhẹ.
Khuẩn Salmonella có trong loại thực phẩm nào?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, khuẩn Salmonella được tìm thấy ở nhiều loại thực phẩm, bao gồm các loại thịt: bò, lợn, gà, trong trái cây, rau mầm, trứng và các loại rau khác hay thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như bơ hạt, bánh nướng cấp đông,…
Bên cạnh đó, CDC Hoa Kỳ cũng cho biết thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn cũng lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm, môi trường, người với người và động vật.
Vật nuôi và động vật có thể tiếp xúc tại các vườn thú, trang trại, hội chợ, trường học và nhà trẻ cũng có thể mang vi khuẩn Salmonella và các vi trùng có hại khác.
Trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một số tình trạng bệnh lý (chẳng hạn bệnh tiểu đường, bệnh gan hoặc thận và ung thư) hoặc do các phương pháp điều trị sẽ có khả năng nhiễm khuẩn Salmonella nghiêm trọng hơn.
Phòng tránh khuẩn Salmonella bằng cách nào?
Để phòng tránh nhiễm khuẩn, các bác sĩ khuyên các mọi người ăn chín uống sôi. Đặc biệt, với thực phẩm như trứng, rau người dung nên nấu chín kỹ, sửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn trước khi chế biến. Rau xanh nên được ngâm bằng thuốc tím.
Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, xử lý phân, rác triệt để, hợp vệ sinh, phòng chống ruồi. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tạo tập quán đi tiêu đúng quy định, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng.
Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vận dụng nhà bếp.
Để riêng thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng với các thực phẩm khác trong giỏ hàng tạp hóa và trong tủ lạnh. Sử dụng thớt và đĩa riêng cho nông sản và thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng.
Không đặt thức ăn đã nấu chín lên đĩa trước đó đã đựng trứng sống hoặc đồ ăn chưa nấu chín từ các loại thịt, hải sản.
Trần Ngọc (T/h)