(ĐSPL) -Đó là phát biểu của Luật sư Đỗ Cao Thắng, nguyên Chánh toà Kinh tế (Toà án nhân dân tối cao) về tình trạng "ngâm án" được ví như những nút thắt ở cấp giám đốc thẩm.
|
LS Đỗ Cao Thắng: Ngâm án, không ngoại trừ yếu tố tiêu cực |
PV: Ông có thể lý giải yếu tố cốt lõi được coi là "điểm nghẽn", "nút thắt" trong các vụ án ở cấp giám đốc thẩm?
- Có rất nhiều nguyên nhân cho việc chậm trễ này, không chỉ riêng TAND Tối cao mà là cả nước. Nhưng theo tôi, nguyên nhân nổi cộm vẫn là do nguồn nhân lực thiếu. Chỉ tính riêng TAND Tối cao cũng chỉ có mấy chục người, chỉ bằng một tòa tỉnh trong khi lại phải "gánh án" của cả nước ắt không tránh khỏi chuyện này. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ yếu tố tiêu cực...
PV: Xin ông nói rõ hơn về yếu tố tiêu cực này?
- Chẳng hạn như lo sợ bị hủy án nhiều, rồi có thể là do mục đích này, mục đích khác, rất khó nói nhưng tựu trung lại là không ngoại trừ vì động cơ cá nhân, động cơ không trong sáng khiến cho án bị "ngâm".
Bên cạnh đó, còn không ít thẩm phán chưa đề cao trách nhiệm, sợ "dính" án hủy sẽ không được tái bổ nhiệm. Vì thế họ chưa chủ động liên hệ, đôn đốc trong trường hợp các cơ quan hữu quan chậm trả lời. Thậm chí, có trường hợp ngay trong cùng đơn vị hành chính nhưng thẩm phán cũng không trực tiếp làm việc mà thụ động chờ kết quả. Lãnh đạo tòa án của một số đơn vị chưa sâu sát trong quản lý, chưa tích cực đôn đốc thẩm phán giải quyết. Thẩm phán khi gặp những vụ án phức tạp chưa chủ động báo cáo lãnh đạo để bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có người lại chờ lãnh đạo cho ý kiến.
Tuy nhiên, để làm rõ thì lại rất khó, phải có cơ sở để chứng minh chuyện đó. Nói vậy, không phải không có tiêu cực, có nhưng chỉ là số nhỏ, vấn đề làm sao vạch ra, đưa ra ánh sáng mới là chuyện khó.
|
Tình trạng "ngâm án": Không ngoại trừ yếu tố tiêu cực!(Nguồn minh hoạ: Báo Pháp luật TP.HCM)
|
PV: Theo ông, ngoài ra còn có những "điểm nghẽn" nào cần nhắc tới ở mảng giám đốc thẩm?- Có chứ, chẳng hạn như có trường hợp thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ án thì được điều động sang đơn vị khác, chuyển công tác, hết nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu, nên giao hồ sơ thẩm phán khác dẫn đến án bị quá hạn kéo dài. Ngoài ra, có nhiều trường hợp sự phối hợp của một số cơ quan, tổ chức chưa tốt hoặc chưa tích cực hợp tác với tòa án trong việc cung cấp văn bản, tài liệu hoặc chậm tham gia Hội đồng định giá, giám định; nhiều trường hợp do thiếu quy định và hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc nhận thức và áp dụng chưa thống nhất nên chưa thể xét xử.
PV: Liệu có biện pháp hữu hiệu nào nhằm giảm thiểu tình trạng "ngâm án" ở cấp giám đốc thẩm như hiện nay, thưa ông?
- Cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng để giải quyết vấn đề trước mắt, tôi đồng thuận với ý kiến, kiến nghị lãnh đạo TAND cấp tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, nghe các thẩm phán có án quá hạn báo cáo, tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật. Những vụ án vướng mắc về nghiệp vụ, cần phải sớm có hướng dẫn kịp thời. Nếu thiếu thẩm phán thì đề nghị điều động, biệt phái hoặc đề nghị Chánh án TAND Tối cao giải quyết. Với những thẩm phán để án quá hạn trên một năm cần kiểm tra làm rõ, nếu do lỗi chủ quan vì thiếu trách nhiệm phải kiểm điểm, xử lý nghiêm.
Xin cảm ơn ông!
“Xử giám đốc thẩm, tái thẩm sai chưa được đề cập xử lý” "Phải nhìn thẳng vào sự thật rằng chất lượng công tác giải quyết khiếu nại giám đốc thẩm vẫn chưa ngang tầm, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Lượng đơn khiếu nại vẫn cao và chưa có chiều hướng giảm nhưng tỉ lệ trả lời đơn khiếu nại lại vẫn thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra; có trường hợp kháng nghị giám đốc thẩm tái thẩm quá hạn, gây phương hại đến quyền lợi công dân thế nhưng vấn đề xem xét trách nhiệm của người có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm quá hạn, cũng như việc xử giám đốc thẩm, tái thẩm sai chưa được đề cập xử lý".
|
Trần Quyết - Ong Ly
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-tinh-trang-ngam-an-khong-ngoai-tru-yeu-to-tieu-cuc-a22560.html