Nhiều thầy cúng, thầy bói khi đến làng đã từng phán thế của làng Đôm – Bán rơi vào tâm của sự cằn cỗi nên muốn giàu có sẽ rất khó khăn.
“Con rồng” bị “chém” làm đôi, phần đầu hướng về phía làng Đôm, phần đuôi hướng về làng Bai. Nhát kiếm định mệnh của tộc trưởng đã tạo nên dòng sông ngăn cách hai làng, đó chính là sông Bưởi bây giờ.
Những ngày nước cạn người dân thường đi trên “lưng” đuôi rồng đá để qua sông. Ảnh TG |
“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
Người dân xã Định Cư vẫn tin chính kiếm ấy đã chặt đứt “long mạch”của làng. Vì thế, hai làng trong một xã nhưng có sự phân biệt giàu nghèo rất rõ ràng. Truyền thuyết kể lại rằng, đầu “rồng” hướng về phía làng nào thì làng đó sẽ bị đói, vì con “rồng” sẽ ăn hết lương thực. Bởi thế, người dân ở đây từ khi sinh ra vẫn cho rằng: Hễ là người Tam Đôm, Tam Bán là coi như đã ký tên vào “án” nghèo truyền kiếp.
Xã Định Cư, cách thị trấn Vụ Bản của huyện Lạc Sơn chưa tới 10km. Thế nhưng, cuộc sống của người dân ở đây lại có một sự tương phản giàu nghèo khá rõ nét.
Toàn xã có 15 làng, với gần 100\% dân số là người Mường, họ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng 6 làng trong số đó còn hết sức khó khăn. Trong khi 9 làng còn lại (làng Mương, Hạ, Chóng cùng 6 làng Bai) lại ăn nên làm ra, nhà cửa khang trang mọc lên san sát, trâu bò, gà lợn đầy chuồng.
Đặt chân về xứ sở nuôi “rồng” này, từ những dấu tích còn sót lại, chúng tôi dễ dàng xác định được tên, địa giới hành chính của từng làng, xã. Bởi lẽ, tên gọi cũng như câu chuyện “giết rồng” vẫn được lưu truyền rộng rãi trong đời sống của người dân.
Nghịch lý giàu nghèo được người dân ở đây giải thích là do vùng đất này bị “động long mạch”. Đây chính là cớ để người dân bản Mường lý giải cho sự phân định giàu nghèo. Phần đầu của “rồng”, hướng về làng Đôm – Bán nên dân ở đây trở nên nghèo khó vô cùng.
Không chỉ là những câu chuyện có trong truyền thuyết, cuộc sống hàng ngày cũng có rất nhiều minh chứng thể hiện sự giàu nghèo ở xã Định Cư. Theo cụ Thành, nó gần như đã “ngấm vào máu” của người dân ở đây.
Cụ chia sẻ thêm: “Tôi chỉ lấy ví dụ, làng Bai Khưa (hay người dân ở đây gọi là làng Lở) được cho là khó khăn nhất có vị trí rất khắc nghiệt. Làng đó nằm ngay lưng chừng núi đá, đối diện với muôn vàn khó khăn như điện, nước, đất đai, hoa màu... thoạt nhìn ai cũng nghĩ là làng đó nghèo.
Tuy nhiên trên thực tế, đời sống sinh hoạt của bà con làng Bai Khưa khấm khá hơn rất nhiều so với dân sống ở địa bàn làng Đôm – Bán. Chỉ với gần 30 hộ dân nhưng người làng Bai Khưa hầu hết đều có nhà xây kiên cố, hoặc cũng có nhà sàn lợp ngói, điện nước sinh hoạt đầy đủ, ruộng đồng xanh tốt.
Trong khi đó, đối lập hẳn với làng Bai Khưa, hơn 400 hộ dân sống ở khu vực làng Đôm – Bán, cuộc sống người dân khá khó khăn. Đặc biệt chỉ mới cách đây vài năm, khu vực này còn phải sống trong cảnh 4 không: Không điện, không đường, không trường, không trạm”.
Khó khăn về điện, đường nên giáo dục, y tế ở những làn này cũng chịu nhiều thiệt thòi. Thành thử nhân khẩu, hộ khẩu trực thuộc xã Định Cư, nhưng con em đi học hay ốm đau, bệnh tật, người dân Tam Đôm phải “chuyển khẩu” sang xã Xuất Hóa gần hết.
Theo Ông Bùi Thanh Lên, Bí thư Chi bộ thôn Bán Ngoài, cho biết: “Khu vực Tam Đôm và một phần của làng Bán không có đường để vào làng vì bị sông Bưởi chia cách. Cả khu vực làng Đôm – Bán nằm biệt lập với các làng xung quanh, mọi người vẫn gọi đó như là vùng ốc đảo của xã. Khổ nhất vào mùa mưa, nước sông dâng lên người dân phải đi vòng qua đường bờ ruộng của dân ở xã Xuất Hóa, để vào trung tâm xã Định Cư”.
Cây cầu treo mới được xây dựng bắc qua sông Bưởi nối làng Đôm – Bán với các làng khác. Ảnh TG |
Giải mã lời đồn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở vùng đất xứ Mường xa xôi này, 6 làng Đôm – Bán, bị coi như một “điển hình” về nghèo đói của xã. Trong khi, Hòa Bình có nhà máy thủy điện lớn nhất nhì cả nước thì ở đây lại không có điện. Bất chấp thực tế, xã Định Cư không phải là một xã vùng cao, cũng không phải là vùng sâu của huyện Lạc Sơn nhưng điện không thể về tới Tam Đôm, Tam Bán.
Giải thích với chúng tôi về những bất cập này, ông Lên nói: “Trước đây do địa hình các làng này nằm khá biệt lập với các làng khác giao thông đi lại khó khăn nên điện lưới không thể kéo vào được. Theo tôi được biết, nhiều năm nay chính quyền xã cũng đã làm đơn xin xét duyệt lên cấp trên để kéo điện về cho cuộc sống của người dân bớt khó khăn hơn.
Đặc biệt năm vừa qua, khu vực làng Đôm – Bán cũng đã được liệt vào vùng khó khăn, vùng được hưởng chính sách 135 của xã. Hy vọng rằng, từ những chính sách ưu đãi, hỗ trợ này, cuộc sống của người dân làng Đôm – Bán sẽ được thay đổi”.
Mặc dù làm việc chăm chỉ, quanh năm hì hục cày cấy vất vả, thậm chí người dân còn tích cực luân canh cây trồng, thế nhưng, cái nghèo vẫn bám riết người dân làng Đôm – Bán. Nhiều người vẫn lầm tưởng, mảnh đất này dữ, bị động “long mạch” nên mới sinh ra cái nghèo như vậy. Vì thế, nhiều gia đình đã họp nhau lại, bàn bạc cùng tìm hướng giải quyết.
Anh Bùi Văn Tâm, một người dân làng Đôm, cho hay: “Bản thân người dân vẫn tin, mảnh đất này bị “động long mạch” từ đời tổ tiên, vì thế cuộc sống nghèo khổ bị kéo dài dù làm đủ mọi cách. Từ đây, một kế hoạch “trấn yểm long mạch” nhanh chóng được người dân đưa ra.
Đầu tiên, người dân mời ngay một vị thầy mo cao tay về để “trấn yếm” mảnh đất dữ để giải phóng cho “long mạch” của làng. Tuy nhiên, hàng chục thầy cúng, thầy mo đến rồi đi. Hàng trăm lá bùa nhằng nhịt được dán khắp nơi, nhưng “long mạch” chẳng thấy được “trấn yểm” chút nào. Người dân nghèo thì vẫn hoàn nghèo”.
Cho là “rồng thiêng” linh ứng, về báo oán dân làng Đôm – Bán nên cuộc sống của người dân bao đời nay không giàu lên được, người dân bực bội bàn nhau đập bỏ đầu “rồng”.
Sau khi bàn bạc, thống nhất giữa già làng, trưởng bản và đông đảo người dân, những thanh niên trai tráng được giao thực hiện nhiệm vụ. Mất 3 ngày đập phá những “dấu tích” được coi là phần nửa đầu của con rồng đã hóa đá bị phá bỏ. “Vì thế, hiện nay dấu tích rồng đá chỉ còn phần đuôi và nằm vắt qua sông Bưởi hướng về phía làng Bai anh Tâm cho biết.
Khi chúng tôi hỏi về chuyện hy hữu nói trên, ông Lên khẳng định: “Tôi cũng đã từng được nghe câu chuyện về sự tích “rồng đá” nhưng thú thật đó chỉ là truyền thuyết. Nhiều thầy cúng, thầy bói khi đến làng đã từng phán thế của làng Đôm – Bán rơi vào tâm của sự cằn cỗi nên muốn giàu có sẽ rất khó khăn. Nhưng theo tôi nghĩ, do địa hình khá tách biệt, địa thế không thuận lợi nên kinh tế của các làng đó khó có điều kiện để phát triển.
Ngay như chuyện điện, đường, trường, trạm là những thứ thiết yếu, mà đến nay làng Đôm – Bán vẫn chưa được đầu tư đầy đủ. Cũng may là mấy năm trở lại đây, do nằm trong diện ưu tiên hưởng chính sách vùng khó khăn, nên điện và đường đã cơ bản được xây dựng. Đời sống người dân cũng được nâng lên.
Còn chuyện nhờ đập đi phần đầu của con rồng, thì cuộc sống người dân mới thay đổi. Theo tôi, đó chỉ là sự an ủi của người dân, để suy nghĩ của họ được tự tin và thông thoáng hơn mà thôi”.