“Kilo” là tên NATO dùng để gọi lớp tàu ngầm “Varshavyanka” do Liên Xô trước đây và nay là Nga chế tạo.
Cho dù NATO gọi tàu ngầm này là lớp Kilo, song người Nga vẫn thích gọi bằng cái tên “Varshavyanka” hơn. Điều này gợi lại ký ức về dự án chế tạo tàu ngầm mà Liên Xô muốn trang bị cho các nước thuộc khối Hiệp ước Vacsava.
|
Tàu ngầm Kilo: "Sát thủ vô hình" và "Hố đen trong lòng đại dương". |
Năm 1980, chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên thuộc dự án 877 được bàn giao cho hải quân Liên Xô. Từ năm 1980-1993, Liên Xô sau đó là Nga đóng thêm 16 chiếc nữa trong khuôn khổ dự án này. Trong khuôn khổ dự án 877E, Liên Xô đã cung cấp cho Rumani một tàu ngầm Delfinul 521 (12/1986) và Ba Lan một tàu ngầm số hiệu 291 (1986). Đến năm 1997, theo đơn đặt hàng của Trung Quốc, Nga đã nghiên cứu phát triển tàu ngầm lớp Kilo thế hệ mới thuộc dự án 636 (Project 636). Tính đến nay đã có 43 tàu ngầm lớp Kilo 877/E/EKM và 12 tàu ngầm lớp Kilo 636 đang có trong trang bị của Hải quân Nga và một số nước, trong đó tàu ngầm lớp Kilo 636 mới chỉ có trong trang bị của Hải quân Trung Quốc (10 chiếc) và Angeri (2 chiếc). Hải quân Nga đã đặt hàng 6 tàu ngầm lớp Kilo 636, dự kiến bắt đầu đưa vào trang bị từ năm 2014.
"Sát thủ vô hình"
Tàu ngầm lớp Kilo 636 được thiết kế làm nhiệm vụ chống tàu ngầm và tàu mặt nước, trinh sát, tuần tra, gây nhiễu và chế áp thông tin liên lạc của đối phương. Đây là một phương tiện hiệu quả để bảo vệ các căn cứ hải quân, khu vực bờ biển và đảm bảo thông tin liên lạc. Tàu có tiềm năng hiện đại hóa cao, cho phép tích hợp các hệ thống vũ khí tối tân, bao gồm cả tên lửa đối hạm Klub, giúp mở rộng đáng kể phạm vi tiến công mục tiêu.
|
Tàu ngầm lớp Kilo 636 được thiết kế làm nhiệm vụ chống tàu ngầm và tàu mặt nước, trinh sát, tuần tra... |
Tàu có chiều dài 73,8 m, rộng: 9,9 m, mớn nước: 6,2-6,5 m, lượng choán nước (khi nổi): 2.300-2.350 tấn và 3.000-4.000 tấn (khi lặn). Tốc độ hành trình lớn nhất: 10-12 hải lý/giờ (khi nổi) và 19 hải lý/giờ (khi lặn); tầm hoạt động của tàu khi ở chế độ thông hơi (ở tốc độ tiết kiệm 7 hải lý/giờ) đạt 7.500 hải lý và khi lặn liên tục (ở tốc độ tiết kiệm 3 hải lý/giờ): 400 hải lý. Tàu sử dụng động cơ diesel-điện, công suốt 5.900 mã lực (4.400 kW); có thể hoạt động ở độ sâu lớn nhất 300 m, độ sâu hoạt động thông thường: 250 m, độ sâu hoạt động với kính tiềm vọng: 17,5 m. Dự trữ hành trình: 45 ngày.
|
Lễ thượng cờ tàu ngầm HQ-183 TP Hồ Chí Minh. |
Tàu ngầm lớp Kilo Việt Nam đặt mua của Nga là tàu ngầm thông thường diesel-điện thế hệ 3. Năm 2009, Việt Nam đã ký với Nga hợp đồng mua 6 tàu lớp Kilo, gồm cả đào tạo kíp thủy thủ. Ngày 7/11/2013, Nga đã bàn giao kỹ thuật chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên mang tên HQ-182 Hà Nội cho Hải quân Việt Nam. Chiếc thứ hai mang tên HQ-183 TP Hồ Chí Minh cũng đang được hoàn thiện. Các tàu còn lại là HQ-184 Hải Phòng, HQ-186 Khánh Hòa, HQ-185 Đà Nẵng và HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu, dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam trước năm 2016.
|
Tàu ngầm Hà Nội và tàu ngầm Thành phố Hồ Chí Minh. |
Ưu điểm vượt trội của tàu ngầm Kilo thế hệ mới là có tiếng ồn nhỏ, chạy êm. Chính vì vậy, Hải quân Mỹ đã đặt tên cho tàu ngầm lớp Kilo là “hố đen trong lòng đại dương” (black hole in the ocean) hay còn có biệt danh khác là “sát thủ vô hình”. Ngoài các hệ thống vũ khí hiện đại, tàu ngầm Kilo Hà Nội lần đầu tiên được thiết lập các hệ thống thiết bị mới nhất bảo đảm khả năng sống còn của kíp thủy thủ và các hệ thống máy tính tối tân.
Vũ khí lợi hại
Một trong số các hệ thống vũ khí dự kiến lắp trên tàu ngầm Kilo Hà Nội là tổ hợp tên lửa đa năng Klub-S, NATO đặt tên là “SS-N-27 Sizzler”, bao gồm tên lửa đối hạm 3M-54E1 và tên lửa tiến công bộ 3M-14E.
|
Tổ hợp tên lửa Klub-S có thể sử dụng 5 loại tên lửa tiến công các mục tiêu trên biển và trên bộ. |
Cả hai loại tên lửa này đều có khả năng tiến công các mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cao, từ cự ly 275 km. Tổ hợp tên lửa Klub-S có thể sử dụng 5 loại tên lửa tiến công các mục tiêu trên biển và trên bộ, bao gồm: tên lửa hành trình siêu âm tiến công tàu mặt nước 3M-54E, mang đầu đạn xuyên giáp nổ mảnh trọng lượng 200 kg, vận tốc Mach 2.9, tầm bắn 200 km; tên lửa hành trình đối hạm cận âm 3M-54E1, tầm bắn 300 km, đầu đạn nặng 400 kg, tốc độ Mach 0.8, có khả năng đánh chìm tàu sân bay đối phương; tên lửa hành trình tiến công bộ 3M-14E, đầu đạn nặng 400 kg, tầm bắn 275 km; tên lửa chống tàu ngầm 91 RE1, tầm bắn 50 km và 91 RE2, tầm bắn 40 km.
Hiện nay, tên lửa hành trình đối hạm cận âm 3M-54E1 được trang bị phổ biến cho các loại tàu ngầm lớp Kilo, riêng tên lửa hành trình tiến công bộ 3M-14E, ngoài Hải quân Nga, chỉ có tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ, Angeri và Việt Nam trang bị tổ hợp tên lửa này.
Các tên lửa 3M-54E1 và 3M-14E sử dụng nhiên liệu rắn cho giai đoạn phóng và hành trình; giai đoạn cuối sử dụng động cơ tuốc bin phản lực. Tên lửa được phóng từ các ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn, từ độ sâu khoảng 35-40 m, hành trình tự hoạt theo một quỹ đạo đã được chọn trước với tốc độ lên đến 240 m/s. Sauk hi được phóng, tên lửa sẽ bay ở cao độ 20 m nhưng đến gần mục tiêu sẽ chuyển sang bay lướt trên mặt biển ở độ cao khoảng từ 5-10 m. Các tên lửa trang bị hệ thống radar chủ động ARGS-14E, trọng lượng 40 kg, được kích hoạt ở đầu giai đoạn bay cuối của tên lửa. Khi còn cách mục tiêu khoảng 20 km, radar sẽ quét, phát hiện mục tiêu, lựa chọn các phương án bay sau đó cung cấp quỹ đạo chính xác cho tên lửa tiến công.
|
Tàu ngầm Kilo Hà Nội có thể được trang bị ngư lôi dẫn hướng âm thanh thụ động Type 53-65 KE, đường kính 533 mm, tầm hoạt động 19 km. |
Tàu ngầm Kilo Hà Nội có thể được trang bị ngư lôi dẫn hướng âm thanh thụ động Type 53-65 KE, đường kính 533 mm, tầm hoạt động 19 km, tốc độ hành trình lớn nhất khoảng 81 km/h, mang đầu đạn nổ phá nặng 307 kg, đủ khả năng đánh chìm bất kỳ tàu chiến nào. Tàu ngầm cũng có thể được trang bị ngư lôi TEST-71 MKE, có chế độ dẫn hướng kép bằng sóng siêu âm chủ động và vô tuyến, cho phép ngư lôi chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu khác. Ngư lôi có tầm hoạt động 24 – 40 km/h, tốc độ hành trình 20 km/h, mang đầu đạn nặng 205 kg. Ngoài ra, tàu ngầm có thể được trang bị ngư lôi “siêu khoang” VA-111 Shkval. Khi hoạt động, ngư lôi di chuyển dưới nước bên trong một “siêu khoang” được tạo ra từ bọt khí cho phép triệt tiêu gần như toàn bộ lực ma sát của nước lên thân, cho phép ngư lôi đạt tốc độ tới 370 km/h, tốc độ cho đến nay không một loại ngư lôi nào trên thế giới có thể so sánh được. VA- 111 Shkval mang đầu đạn nặng 700 kg, có thể tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước cỡ lớn chỉ bừng một phát bắn. Thậm chí, nó có thể gây hư hại lớn, làm mất khả năng chiến đấu tàu sân bay. Biến thể mới của ngư lôi VA- 111 Shkval là Shkval 2 sử dụng động cơ đẩy vectơ nên có tầm hoạt động xa hơn. Ngoài ra, tàu ngầm Kilo Hà Nội còn có thể được trang bị 24 thủy lôi, thực hiện nhiệm vụ rải thủy lôi phong tỏa các khu vực đường biển.
Được trang bị các hệ thống vũ khí uy lực mạnh và hệ thống thiết bị điện tử hiện đại, hoạt động trên nền tảng tự động hóa cao, tàu ngầm Kilo Hà Nội có khả năng đối phó hiệu quả với nhiều mục tiêu khác nhau dưới nước, trên mặt nước và trên bộ. Theo thông tin từ chuyên gia nhà máy đóng tàu Admiralty, tàu ngầm Kilo Hà Nội là tàu ngầm đầu tiên được áp dụng nhiều công nghệ mới, nên nâng cao hơn sức mạnh tác chiến so với các tàu ngầm lớp Kilo hiện có. Việc đưa tàu ngầm lớp Kilo vào trang bị sẽ nâng cao khả năng tác chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-tau-ngam-kilo-sat-thu-vo-hinh-a28207.html