+Aa-
    Zalo

    Giải mã sự thật về cát lợn quý báu chữa bách bệnh xôn xao dư luận

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều bạn đọc cho rằng, cát lợn chỉ là búi lông lợn khó tiêu hóa và tích tụ lại sau nhiều năm, không đáng quý và cũng chẳng chữa được bách bệnh như dư luận đồn thổi.

    Nhiều bạn đọc cho rằng, cát lợn chỉ là búi lông lợn khó tiêu hóa và tích tụ lại sau nhiều năm, không đáng quý và cũng chẳng chữa được bách bệnh như dư luận đồn thổi.

    Vật lạ trị giá tiền tỷ

    Gần đây, nhiều gia đình ở Đắk Lắk, Nghệ An... khi mổ thịt lợn đã phát hiện cát lợn, hay còn gọi là trư cát trong dạ dày. Nhiều thông tin cho rằng đây là vật thể quý hiếm, chữa được bách bệnh và có giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Theo đó, phần lớn các gia đình phát hiện cát lợn đều cẩn thận rửa sạch, cất kỹ. Cũng không ít người biết thông tin về dị vật được cho là quý báu đều lặn lội từ TP.HCM ra và trả giá hơn 3 tỷ đồng.

    Trước thông tin này, độc giả Hoàng Anh bày tỏ sự "ghen tỵ": "Sao lại sung sướng vậy trời! Bỗng dưng không đâu lại có "tiền" trên trời rơi xuống. Tôi thật ghen tỵ với mấy gia đình. Nhà tôi cũng nuôi heo sao chưa bao giờ gặp được trường hợp này".

    "Đúng là nghèo muôn năm, giàu bất chợt! Anh chị vất vả quá rồi nên ông trời thương, tặng cho vị thuốc quý đây mà! Giá như tôi cũng được như vậy nhỉ!" - Bạn đọc Phương Anh viết.

    Tuy nhiên, bên cạnh số ít độc giả ao ước có được may mắn như trên, nhiều thành viên khẳng định cát lợn quý hiếm, chữa bách bệnh chỉ là tin đồn nhảm. Bạn đọc Hà Anh viết: “Mấy hôm nay thấy trên mạng rần rần tin cát lợn quý hiếm, tôi cũng phải tìm hiểu. Tôi thấy hiện tại chưa có tài liệu khoa học, bằng chứng hay thông tin chính thống nào chứng minh tác dụng chữa bách bệnh của trư cát. Vì thế, mọi người không nên tin tưởng, bỏ ra mấy tỷ để mua vật thể lạ này”.

    “Chẳng có loại thuốc nào trị được bách bệnh, dư luận cứ đồn thổi để làm tăng giá trị của nó. Hiện tại, bản thân chưa thấy cát lợn chữa được bệnh gì. Mình đoán đây là u xơ của lợn” - Độc giả Thùy Dương bình luận.

    Vật lạ phát hiện trong dạ dày heo nghi cát lợn

    Thậm chí, độc giả Nguyễn Hưng nhận định cát lợn có thể quý nhưng không hiếm, bởi gần đây nhiều gia đình ở Đắk Lắk, Nghệ An liên tục phát hiện, nếu hiếm thì tỉ lệ sẽ thấp vô cùng.

    Chưa biết giá trị thực, một số tìm đến các gia đình có cát lợn và sẵn sàng trả vài tỷ đồng để mua nó. Nhiều độc giả mô tả việc bỏ số tiền lớn ra để mua vật thể lạ này không đáng, bởi tác dụng của trư cát chưa rõ thực hư thế nào.

    Thành viên Hạnh Trần bày tỏ quan điểm: “Tôi không thể hiểu được, tại sao lại có người trả giá đến 3 tỷ đồng chỉ để mua trư cát. Nó chẳng có tác dụng gì, thông tin chữa bách bệnh chỉ là tin đồn, không đáng tin cậy. Những người thừa tiền mới bỏ ra số tiền lớn như thế để mua một vật thể chưa biết rõ giá trị”.

    Cát lợn chữa bách bệnh là không có cơ sở

    Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc tin rằng cát lợn là kết quả của quá trình tích tụ những thứ dạ dày lợn không thể tiêu hóa và vật thể này chỉ xuất hiện khi lợn được nuôi lâu năm.

    Trong điều kiện nuôi nhốt, lợn ăn phải lông của mình. Theo tôi, trư cát chẳng qua chỉ là lông lợn không tiêu hoá được mà tích tụ lại trong nhiều năm. Điều này cũng từng xảy ra đối với con người. Thực tế, năm 2013, báo chí đưa tin về một bé gái 5 tuổi ở Bình Thuận có thói quen ăn tóc. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ đã lấy ra một búi tóc quấn với kẹo cao su nặng khoảng 200g. Vì thế, cát lợn có tác dụng chữa bệnh là hư cấu” - Bạn đọc Dung Tran Tien phân tích.

    Bạn Hoàng Xuân Thủy đồng tình: “Đó là các sợi lông mà con lợn ăn phải không tiêu hóa được quyện lại thành búi, tùy theo thời gian mà cát lợn có những kích cỡ khác nhau. Hiện tượng này không có gì lạ, chúng ta có thể gặp nhiều ở các loài động vật khác như hươu, nai, trâu, bò,...”.

    Nhiều độc giả nêu ý kiến hiện chưa có tài liệu, bằng chứng hay thông tin chính thống nào nói về giá trị kinh tế cũng như giá trị y khoa của cát lợn. Vì thế, người dân cần lưu ý nhờ chuyên gia đánh giá nếu có ý định mua cát lợn hay lưu giữ nó.

    Ý kiến chuyên gia

    Bằng kinh nghiệm thực tế, lương y Đỗ Sơn Hà cho rằng có một số người nhầm tưởng trư cát là một loại thuốc quý tựa như chu sa. Chu sa là các vị thuốc trọng trấn an thần có tác dụng chữa bệnh hay giật mình mê sảng, là loại khoáng vật, thành phần chủ yếu là sunfua thủy ngân (HgS) và một số tạp chất khác. Chu sa ở dạng bột mịn. Do có sự nhầm lẫn trư cát với chu sa nên cứ tưởng trư cát có tác dụng chữa bệnh như chu sa.

    Thực tế cho thấy nếu mổ lợn trong dạ dày phát hiện vật lạ tạm gọi là cát lợn có thể đó là một khối u do một số khoáng chất tích tụ lâu ngày trong cơ thể mà có. Quan sát bề ngoài, khối u này được bao bọc bằng các lớp mỡ, khi bóc bỏ lớp mỡ đó là một khối có màng bọc, cắt khối đó bên trong có chất sệt màu xanh mùi tanh, chất sệt màu xanh đó là xác của bạch cầu và xác vi khuẩn. Do đó, khối u này là mồ chôn xác bạch cầu, vi khuẩn.

    Mặt khác, nếu khối u đó bên ngoài mọc lông, bóc bỏ lớp lông đó mà là một khối rắn có màu nâu sẫm thì đó chính là các khoáng chất gắn kết với nhau hình thành sỏi. Còn lớp lông đó có thể là do các vi khuẩn cùng loại bám vào sỏi để sống liên kết biến dạng mà thành.

    Cũng theo ông Hà, Đông y xuất phát từ Trung Hoa từ xa xưa, do đó người Trung Hoa đã biết cách sử dụng trư cát vào chữa bệnh nhưng chủ yếu mang tính độc chiêu bí truyền không mang tính phổ biến, vì thế ít tài liệu đề cập tới tác dụng của trư cát.

    Trao đổi với phóng viên về những thông tin xoay quanh câu chuyện tìm thấy cát lợn trong dạ dày heo, Tiến sĩ Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc bệnh viện Việt Đức nhận định: Việc phát hiện vật thể lạ trong dạ dày của lợn có nhiều nguyên nhân có thể là cục đá, hay cục sỏi do quá trình ăn uống không tiêu được nên tích tụ lại trong dạ dày. Ông cũng khẳng định, trên thực tế cát lợn không có vai trò trong việc chữa bệnh như một số thông tin lan truyền trên mạng.

    Trước đó, chia sẻ với phóng viên báo Đời sống & Pháp luật, thạc sĩ, lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung cho biết trong đông y không sử dụng bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn. Do đó, thông tin cát lợn là vị thuốc quý có giá trị hàng tỷ đồng chỉ là tin đồn nhảm. Theo chuyên gia này, đông y chỉ sử dụng sỏi mật của trâu và bò để làm thuốc trị đột quỵ ở người, có tên là ngưu hoàng - một vị thuốc quý, đắt tiền. Riêng lợn, người ta không sử dụng sỏi này để làm thuốc. Vật thể lạ tìm thấy gần dạ dày lợn ở Hà Nội có thể là do thức ăn không tiêu tích tụ lại.

    Hoàng Anh 

     Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-su-that-ve-cat-lon-quy-bau-chua-bach-benh-xon-xao-du-luan-a260806.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan