+Aa-
    Zalo

    Giải mã những huyền bí xung quanh hiện tượng “mưa rửa đền”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện tượng “mưa rửa đền” từ xưa tới nay luôn được người dân thêu dệt với rất nhiều những hiện tượng tâm linh kỳ bí.

    (ĐSPL) - Hiện tượng “mưa rửa đền” từ xưa tới nay luôn được người dân thêu dệt với rất nhiều những hiện tượng tâm linh kỳ bí.

    Trải qua năm tháng, nó càng được bồi đắp và tôn sùng như một hiện tượng tâm linh có thật với những câu chuyện nửa kỳ ảo, nửa ma quái. Tuy nhiên, sự thực về hiện tượng “mưa rửa đền” có đúng là như vậy? Dưới góc nhìn khoa học, chúng ta cần phải nhìn nhận hiện tượng này ra sao? 

    Đúng vào thời điểm cao trào của hội Gióng (Gia Lâm, Hà Nội) thì trời thường có mưa đột ngột                                                  (Ảnh: Múa cờ lệnh – nghi thức rất quan trọng ở lễ hội Gióng).

    “Mưa rửa đền”

    Thực tế hiện tượng “mưa rửa đền” xuất hiện ở khắp mọi miền đất nước và thường gắn liền với một di tích, đền chùa nào đó. Dấu hiệu nhận biết “mưa rửa đền” là vào trước những hôm chính hội của một lễ hội nào đó thường có một trận mưa to, gió lớn lạ kỳ. Những trận mưa này xuất hiện đều đặn theo chu kỳ hàng năm nên dân gian gọi đó là “mưa đón Thánh về dự hội”. Tương truyền, những ngôi đền nào có hiện tượng này thì tính linh thiêng càng cao.

    Một trong những ngôi đền nổi tiếng đó chính là đền Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội).

    Phó trưởng ban Quản lý di tích đền Gióng, ông Đinh Minh Tỉnh cho biết: “Lễ hội đền Gióng tổ chức vào ngày 09/04 âm lịch hàng năm. Do chính hội rơi vào giữa mùa hè nên trời rất oi bức, khó chịu. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, dù có nắng đến đâu chăng nữa thì trước hôm chính hội cũng có trận mưa to, gió lớn kéo về. Điều lạ ở chỗ, những trận mưa này kéo dài không lâu, chỉ khoảng mấy tiếng đồng hồ là tạnh. Hôm sau, lại nắng như đổ lửa. Chưa dừng lại ở đó, cứ đúng giờ ngọ (12h trưa) ngày chính hội, khi dân làng đang diễn trò đánh trận giả để tái hiện chiến công của Đức Thánh thì trời đang nắng như vậy bỗng mây đen ở đâu kéo về, trời đổ mưa trong một thời gian ngắn rồi trở lại bình thường. Đến tối tiếp tục có một cơn mưa nữa. Chúng tôi gọi đó là “mưa rửa đền” để đón thánh về và tiễn thánh đi”.

    Ngôi đền Hồng Xâm (thờ Triệu Đà – tức Triệu Vũ Đế, ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cũng có trường hợp tương tự. Các cụ cao niên trong làng kể lại, tục truyền ngôi đền nằm trên trán của một con rồng nước. Thân rồng ôm lấy chùa phía sau đền (bởi nhìn xung quanh làng là rãnh nước bao quanh, chùa nổi lên trên đó). Cái giếng trong chùa chính là rốn rồng. Theo lời các cụ thì đền thờ Triệu Vũ Đế vô cùng linh thiêng, huyền bí. Cứ vào hôm trước ngày chính hội, bao giờ cũng có mưa to, gió lớn nổi lên và người ta truyền nhau là hôm đó Thánh về dự hội.

    Cụ Nguyễn Ngận, 73 tuổi, thủ từ đền Hồng Xâm nhớ lại: "Ngôi đền này không năm nào trước khai hội là trời không mưa, có những năm gió thổi mạnh, gào rít. Hội đền diễn ra từ 1/4 - 3/4 Âm lịch, thường sẽ mưa trước đó một ngày. Nhưng hôm sau khai hội, trời không một bóng mây, khô ráo khác thường. Chính vì vậy, câu chuyện trời mưa trước ngày hội luôn được người dân quê tôi nhắc đến và coi đó như một điềm lành. Trời mưa là để rửa đền”. Trong khi đó ông Tạ Quang Thảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cũng thừa nhận: “Tôi sinh ra và lớn lên tại đây, ngôi đền này có từ rất lâu rồi. Mỗi khi khai hội đền Hồng Xâm là trời lại mưa. Có nhiều năm, sau ngày tan hội trời cũng mưa. Chúng tôi cũng không thể lý giải vì sao lại có câu chuyện lạ như vậy?".

    Trong khi đó ở ngôi đền Mường Chiềng Ngam (bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) lại có một sự tích ly kỳ khác. Các cụ già tại bản Hồng Tiến kể lại rằng, khi xưa, có một nàng tiên vô cùng xinh đẹp, trong một lần xuống trần dạo chơi đi qua vùng núi Chiềng Ngam đã ngay lập tức bị mê hoặc bởi cảnh đẹp nơi này. Nàng mải mê chạy nhảy trên đồng cỏ đuổi bướm, hái hoa, vào rừng hát ca cùng chim muông, xuống suối nô đùa cùng cá tôm. Mải đắm mình giữa thiên nhiên đầy thơ mộng, trời tối lúc nào, nàng không hề hay biết. Cửa trời đã khép chặt bỏ lại nàng tiên bé bỏng trong màn đêm giá lạnh. Nàng ngồi khóc dưới núi Phà Én cho đến khi tan vào đá núi. Nơi nàng ngồi khóc, đùn lên một gò đất cao. Trên đó, mọc lên một cây thị lớn, chính là cây thị trước đền Mường Chiềng Ngam. Người dân nơi đây cho rằng, những trận “mưa rửa đền” ở đây là do nước mắt của nàng tiên năm xưa bị lạc ở cõi trần. Đền Mường Chiềng Ngam mở cửa đón khách trong dịp lễ hội hang Bua được tổ chức từ 21 đến 23 tháng Giêng hàng năm. Nhưng, việc “cúng đền” thường được dân làng tiến hành trước đó vài ngày.

    Trùng hợp ngẫu nhiên hay do sự tính toán của người xưa?

    Từ những huyền tích được truyền tai nhau như vậy, qua năm tháng, yếu tố ly kỳ càng được bồi đắp và biến những câu chuyện về “mưa rửa đền” thành những câu chuyện tâm linh có thật. Một số người tin rằng, có một sức mạnh tâm linh vô hình nào đó đã về chứng nhận lòng thành của nhân dân và sự chứng nhận đó được biểu hiện thông qua những trận mưa kỳ lạ như vậy.

    Ông Đinh Minh Tỉnh, Phó ban quản lý khu di tích đền Gióng cho hay: “Câu chuyện kỳ lạ về những trận “mưa rửa đền” là có thật. Tuy không phải năm nào cũng chính xác từng giờ, từng phút nhưng người dân tin rằng, lòng thành của họ đã được ghi nhận. Dân gian có câu, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên chúng tôi tin vào những sự kiện như vậy dù cho chưa có luận giải khoa học nào giải đáp thỏa đáng những thắc mắc đó cả”. Trong khi đó, cụ Nguyễn Ngận, 73 tuổi, thủ từ đền Hồng Xâm cũng đồng tình với ý kiến này khi cho rằng: “Chuyện ngôi đền năm nào trước hội, sau lễ cúng trời cũng đổ mưa chúng tôi đều đã chứng kiến. Tại sao như vậy thì chả ai hiểu nổi. Tuy nhiên, chúng tôi có niềm tin rằng, đó là do thánh về nhập hội nên cứ hễ mưa là dân chúng rất vui mừng, năm đó sẽ mưa thuận gió hòa để nhân dân làm ăn, buôn bán”. 

    Tuy nhiên, TS. Vũ Văn Bằng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Nước và Môi trường, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, lại cho rằng: “Các cụ ngày xưa trước khi xây dựng đền, chùa thường xem xét ngày, tháng, năm rất cẩn thận. Mục đích của việc xây những công trình tâm linh theo tiết khí và thiên văn là để cầu mưa thuận gió hòa, giải hạn cho dân. Với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, các cụ dựa vào một yếu tố về mặt khoa học như: Thời tiết, khí hậu để có được thời điểm xây dựng cũng như thực hiện lễ hội phù hợp. Thời tiết vận động theo tiết khí nên có thể lịch sử của việc xây chùa trùng vào ngày khai hội, chống hạn hán. Kinh nghiệm sống của các cụ là như vậy”.

    TS. Bằng cũng cho biết thêm, nhiều lễ hội trên cả nước cũng có trường hợp mưa trước chính hội. Có hiện tượng này là bởi, thông thường các lễ hội hay diễn ra vào dịp đầu năm mới. Tháng Giêng, tháng Hai là thời điểm mùa xuân, mưa nhiều, số ngày mưa trong tháng rất lớn, vì thế tần suất ngày mưa xuất hiện vào ngày lễ hội là rất cao. Lễ hội diễn ra vào dịp cuối năm cũng vậy. Vì thế, nó có những trùng hợp ngẫu nhiên chứ không hề có yếu tố tâm linh trong vấn đề này.

    Có nguồn gốc từ các lễ hội cổ của cư dân nông nghiệp?

    Trong khi đó, GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam thì cho biết: “Hiện tượng “mưa rửa đền” là một sự kiện văn hóa bắt nguồn từ những lễ hội cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Tôi chưa xác định chính xác nó bắt nguồn từ đâu nhưng thiết nghĩ, nó có sự liên quan tới tín ngưỡng cầu nước của người xưa. Đối với cư dân nông nghiệp thì nước là một vấn đề sống còn. Không phải ngẫu nhiên nhiều lễ hội nổi tiếng, nếu suy nguyên các thành phần dưới góc nhìn dân tộc học thì nó đều có nguồn gốc từ hình thức cầu mưa. Vì thế, việc coi “mưa rửa đền” là một sự kiện may mắn có thể cũng biểu hiện cho tư tưởng cổ như vậy”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-nhung-huyen-bi-xung-quanh-hien-tuong-mua-rua-den-a84208.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan