+Aa-
    Zalo

    Giải mã những “ám hiệu đặc biệt” khi chia tiền hối lộ giữa sếp và cấp dưới vụ “chuyến bay giải cứu”

    (ĐS&PL) - Nhận tiền hối lộ từ lãnh đạo công ty tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước, cựu Phó phòng Phòng vận tải hàng không chuyển tiền cho cấp dưới kèm ký tự ám hiệu.

    Ở giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 17 bị can. Trong số đó, bị can Nguyễn Mạnh Trường (cựu Chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam) bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

    Trong giai đoạn 1 vụ chuyến bay giải cứu, tòa án đã phạt Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, án tù chung thân do có hành vi nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng trong quá trình cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước.

    Còn Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Bộ Giao thông Vận tải bị phạt 4 năm tù vì nhận hối lộ 2 tỷ đồng. Tại giai đoạn 2, ông Quang tiếp tục bị đề nghị truy tố về hành vi đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên.

    Ám hiệu khi chuyển tiền hối lộ

    Theo thông tin từ bản công bố kết luận điều tra vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2, Vũ Hồng Quang  có nhiệm vụ tiếp nhận, xem xét ra Quyết định cấp phép bay cho các Hãng hàng không thực hiện các chuyến bay "Combo" do doanh nghiệp tổ chức sau khi có sự phê duyệt của văn phòng chính phủ và Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.

    Trong quá trình các doanh nghiệp triển khai thực hiện chuyến bay "Combo" đưa công dân về nước, có một số chuyến bay doanh nghiệp không thuê được tàu bay cỡ lớn để chở hết số lượng khách được duyệt nên phải thuê hai tàu nhỏ dẫn đến phát sinh chi phí, trong khi vẫn còn ghế trống khách. Để có thêm lợi nhuận, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Giám đốc Công ty Bluesky) và Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Việt) đã trao đổi, thỏa thuận và được Vũ Hồng Quang đồng ý cấp phép bay theo số lượng khách vượt so với văn bản đã được duyệt với chi phí 2.000.000 đồng/1 khách.

    Bi can Vũ Hồng Quang đã nhận 4 năm tù trong giai đoạn 1 vụ án chuyến bay giải cứu.

    Bi can Vũ Hồng Quang đã nhận 4 năm tù trong giai đoạn 1 vụ án chuyến bay giải cứu.

    Thực hiện thỏa thuận, Vũ Hồng Quang đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Trường (chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) triển khai cấp phép bay trái quy định cho 1.019 khách, theo yêu cầu của Hằng và Mạnh, nhận hối lộ tổng số tiền hơn 1,9 tỷ (nhận 1,8 tỷ đồng của Hằng và nhận 170 triệu đồng của Mạnh).

    Sau khi nhận tiền, Quang đã chủ động chuyển khoản 4 lần, chia cho Trường tổng cộng 244 triệu đồng đồng. Cụ thể, ngày 16/11/2022, chuyển khoản số tiền 81 triệu đồng đồng, nội dung chuyển "Blue over 162"; ngày 22/11/2022, chuyển khoản số tiền 70 triệu đồng, nội dung chuyển "Blue 19.11 over 140"; ngày 23/11/2022, chuyển khoản số tiền 22 triệu đồng, nội dung chuyển "Lu Hanh Viet over 43"; ngày 29/11/2022, chuyển khoản số tiền 71 triệu đồng, nội dung chuyển "Blue over 142" (các nội dung chuyển khoản nghĩa là chuyển tiền cho Nguyễn Mạnh Trường theo số khách được cấp phép bay vượt so với văn bản của cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt cho 2 công ty Bluesky và Công ty Lữ Hành Việt).

    Như vậy, bị can Nguyễn Mạnh Trường đã nhận hối lộ 244 triệu đồng để đề xuất và triển khai cấp phép bay quá số lượng so với văn bản được duyệt cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Vũ Hồng Quang. Hành vi đưa hối lộ của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Nguyễn Tiến Mạnh và hành vi nhận hối lộ của Vũ Hồng Quang đã bị xét xử ở Giai đoạn 1 vụ án, nên không xem xét trong vụ án này.

    Nâng giá "chuyến bay giải cứu"

    Kết luận điều tra vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 thể hiện, tháng 9/2020, bị can Quang liên hệ, nhờ Phạm Trung Kiên giúp để có được văn bản chấp thuận cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Kiên đồng ý và thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.

    Sau đó, Vũ Hồng Quang nói với bị can Nguyễn Mạnh Cương, khi đó là Trưởng phòng Thương mại điện tử của một hãng hàng không và Vũ Hoàng Dũng, lao động tự do, biết việc Quang có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ với mức phí từ 2.000 - 3.000 USD/công dân.

    Vụ án giai đoạn 1 được xét xử từ năm 2023.

    Vụ án giai đoạn 1 được xét xử từ năm 2023.

    Nhóm Cương, Dũng thông báo lại việc này với các giám đốc doanh nghiệp tư nhân làm dịch vụ đưa người về nước tránh COVID-19 và đề nghị họ tập hợp danh sách công dân có nhu cầu. Tuy nhiên, chi phí đội lên từ 100 – 500 USD/người so với mức giá Vũ Hồng Quang đưa ra. Đến lượt mình, các giám đốc tư nhân tiếp tục kê cao hơn mức Cương, Dũng đưa ra từ 100 – 500 USD/người xin về nước để được hưởng lợi.

    Cơ quan điều tra cáo buộc, Nguyễn Mạnh Cương đã chuyển gần 3,9 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên và đổi lại, có được văn bản chấp thuận cho 388 công dân về nước. Qua đây, cựu Trưởng phòng của Vietjet hưởng lợi hơn 2 tỷ đồng. Còn Vũ Hoàng Dũng cũng chuyển hơn 2,3 tỷ đồng cho Vũ Hồng Quang để hối lộ Phạm Trung Kiên. Anh ta nhận về văn bản chấp thuận cho 236 công dân hồi hương, hưởng lợi 2,8 tỷ đồng.

    Ngoài ra, hàng loạt bị can khác là giám đốc các doanh nghiệp có dịch vụ đưa công dân về nước trên các chuyến bay giải cứu cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên. Hành vi này của Kiên đã bị xử lý ở giai đoạn 1 vụ án nên không xem xét tiếp.

    Ngược lại, bị can Vũ Hồng Quang tiếp tục bị đề nghị xử lý do có hành vi mới là thỏa thuận, đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên 10 triệu đồng/công dân về nước. Tổng cộng, ông Quang đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng và qua đây hưởng lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/giai-ma-nhung-am-hieu-ac-biet-khi-chia-tien-hoi-lo-giua-sep-va-cap-duoi-vu-chuyen-bay-giai-cuu-a469977.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan