+Aa-
    Zalo

    Giải mã lời thề trong phái “Võ bùa” và sự thật về âm - dương công

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đến nay, Thất Sơn thần quyền có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Sức sống và dòng chảy của nó trong dân gian có sức mạnh kỳ lạ và chưa có một lời giải hợp lý.

    Kỳ 8: Dòng chảy ngầm thách thức võ thuật cùng bí mật về những môn sinh luyện Võ Bùa

    [mecloud]gERaDBV5Oq[/mecloud]

    Thất Sơn thần quyền cho đến nay có lịch sử tồn tại hàng trăm năm. Sức sống và dòng chảy sinh tồn của môn võ này trong dân gian có sức mạnh kỳ lạ. Tuy nhiên điều khó hiểu nhất, kỳ bí nhất là tại sao trong hàng trăm năm đó, bức màn bí mật về “thần quyền” chưa có một sự lý giải hợp lý? Hay nói một cách khác, chưa có ai thực sự có câu trả lời hay cất công nghiên cứu một cách nghiêm túc về dòng võ này. Chính điều đó đã thôi thúc PV báo ĐS&PL cất công tìm hiểu thực tế và từ những nhân chứng sống, hòng tìm đáp án. Thực tế, chính các học trò lâu năm ở hàng cao thủ cũng có nhận thức về nguồn gốc môn phái khác nhau. Vì sao lại như thế?


    Bức màn bí ẩn từ nguồn gốc môn phái

    Có một điều kỳ quặc là trong suốt quá trình thực hiện loạt bài này, khi tiếp xúc với các môn sinh thuộc hàng cao thủ lâu năm ở môn Võ Bùa, chúng tôi nhận thấy những môn sinh này đều nhận thức về nguồn gốc môn phái rất khác nhau. Có nhiều nguyên nhân lý giải, nhưng có một nguyên nhân chung, được cho là hợp lý là phần nhiều những cao thủ này được học từ nhiều thầy dạy khác nhau. Trong số họ lại đa phần là học trò cũ của các học trò thế hệ đầu, hoặc thứ hai của Chưởng môn nhân Nguyễn Văn Cảo, những người này lại không nắm rõ nguồn gốc môn phái.

    Đặc điểm của các học trò môn Võ Bùa là hầu hết rất cung kính và nể sợ các vị sư phụ của mình nên không mấy người dám hỏi thẳng, hoặc cụ thể chính xác về nguồn gốc của môn phái. Học trò đời sau truyền cho học trò sau nữa cảm nhận và suy nghĩ về nguồn gốc của môn này theo suy đoán của họ – vì họ không dám hỏi trực tiếp.

    Mặc dù vậy, khi tiếp xúc với Chưởng môn tạm thời anh D. (Hà Đông, Hà Nội) chúng tôi được biết thầy Nguyễn Văn Cảo (Ba Cảo) lại hoàn toàn là người bình thường, nghĩa là cụ không hề hà khắc hay “thần bí” như những lời đồn đoán. Theo anh D., cụ Ba Cảo xưa là một người kín đáo, nhưng cụ lại rất bao dung. Sở dĩ có sự sợ hãi không cần thiết, vì yếu tố của môn chính là phần “âm công” khá huyền bí, khiến các học trò dè dặt không dám hỏi hoặc mọi việc cứ đồn đoán truyền miệng nhau. Cũng chính từ đó tạo thành bức màn bí mật bao trùm trong môn phái mà khó ai có thể lý giải.

    Không chỉ nguồn gốc mà ngay cả trong việc thi triển những chiêu thức trong môn phái hay “xuất quyền” cũng rất khác nhau. Thế nên, nhiều câu chuyện khá bi hài đã xảy ra trong môn phái, tức là môn sinh cùng một môn phái chỉ nhận ra nhau khi thượng đài hoặc có những cuộc tỉ thí ác liệt. Cũng giống nhiều môn phái khác, các đệ tử rất ghét và thù địch những ai dám thẳng thắn nói hoặc bình luận về những điểm yếu, điểm mê hoặc của họ. Tuy nhiên, những người thật tâm muốn tìm hiểu chính xác môn này, khi tiếp cận vị chưởng môn đã nhận được giải đáp đầy đủ. Khi tiếp xúc với các môn sinh của môn phái mới nhận ra, họ cũng là những người theo nghiệp võ, tu rèn theo những ràng buộc nhất định, nên hầu như họ chẳng có một chút huyền bí hay dị nhân gì như những lời đồn thổi từ giang hồ.

    Tâm Linh Tối Cao hay đẳng cấp thượng thừa chưa ai đạt được?

    Khi nói về Thất Sơn thần quyền, đã có rất nhiều các bài viết, những diễn đàn tham gia luận giải về môn phái khá bí hiểm này, bởi vì như chúng tôi đã đề cập ở các kỳ trước, môn phái này không công khai và cũng không hề được liên đoàn võ thuật Việt Nam chấp nhận. Tiếp cận về môn phái mỗi người đều có những cách tiếp cận khác nhau. Do đó để có cái nhìn đầy đủ về môn phái này thì chưa ai có thông tin toàn diện, tổng thể.

    Thực tế, có nhiều ý kiến khác nhau về môn phái, bài xích có, bôi nhọ có, cách nhìn lệch lạc cũng có. Thậm chí nhiều người khai thác thiên về phần “âm công” của môn phái mà vẫn không đạt được mục đích, sự rõ ràng nên thành ra môn phái càng trở nên kỳ bí dưới con mắt của người đời.

    Sau nhiều lần tìm hiểu kỹ, trò chuyện và gặp từng nhân vật tu luyện lâu năm trong Thất Sơn thần quyền, chúng tôi mới nhận thấy dòng chảy cực lớn của môn võ này trong nhân gian. Đến nay, chính bản thân người luyện võ cũng không biết được chính xác có bao nhiêu hệ phái của Thất Sơn thần quyền được phát triển. Lý do là bởi Thất Sơn thần quyền không đại diện cho một vùng đất, một địa phương nào, nó đơn giản hòa nhập vào đời sống dân gian và cứ thế tồn tại.

    Theo những cao thủ như ông Lại Văn An, vợ chồng Tuấn, Chinh, anh D.- Chưởng môn tạm thời..., những tài liệu nghiên cứu của họ về nguồn gốc môn phái đến nay cũng khá đa dạng và đầy đủ. Theo một cách lý giải khác, người ta còn hay gọi Thất Sơn thần quyền là võ nhà chùa, vì thấy nhiều vị sư tập. Điểm khác biệt về quyền của môn tâm linh này so với Thiếu Lâm Tự là nó không có hình thế cụ thể để “bắt chước” theo. Các chiêu thức của nó tùy thuộc vào tâm thức của môn sinh trong khi thực hành mà xuất ra nên dù có tới hàng chục ngàn đệ tử nhưng đảm bảo không ai đi quyền giống ai. Chỉ có một người khẳng định có thể khiến cho hàng loạt đệ tử ra sân nhập thần và xuất quyền cùng một cách thức như nhau, đồng đều như các phái võ hay biểu diễn... đó là ông Nguyễn Văn Cảo, còn gọi là Ba Cảo.

    Có rất nhiều lưu truyền xung quanh môn phái này. Được biết, từ Ba Cảo, môn phái này đã âm thầm đóng góp không nhỏ tinh hoa cho rất nhiều đệ tử ở khá nhiều lĩnh vực. Xa hơn nữa, ở vùng Bảy Núi, phái môn này đã đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo một bộ phận thanh niên yêu nước biết đến Quyền và Thuật để chống Pháp, chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Tuy là môn phái có biểu hiện rõ nhất về Quyền và Thuật, nhưng giá trị tinh hoa của nó lại nằm ở yếu tố Tâm Linh Tối Cao, điều mà các đệ tử dòng võ này khó lòng đạt tới, mặc dù họ đều hiểu rằng, có cảnh giới đó trong tinh hoa môn phái.

    Hiện tại, rất hiếm hoi có thể tìm thấy một đệ tử của môn này chú tâm và có thể đạt cảnh giới đó. Hầu hết họ chỉ chú trọng vào Quyền và Thuật, do đó, thái độ xem trọng, nể vì cũng thường dành cho những người có biểu hiện về Quyền giỏi hoặc Thuật giỏi.

    Đã từng “suýt” được đưa ra mắt chính thức?

    Theo anh D., Thất Sơn thần quyền đã một thời từng được ông H.V.G một cán bộ công tác trong ngành thể thao văn hóa đề xuất để ra mắt công chúng và chính thức bước vào ngôi nhà võ thuật cổ truyền dân tộc Việt Nam, nhưng chính vì không thể lý giải vấn đề “âm công” huyền bí nên Thất Sơn thần quyền tiếp tục nằm trong bức màn tâm linh bí ẩn.

    Bàn thờ “Lỗ ban” - một trong những vật thờ thiêng mà nhiều chi phái không lý giải được.

    Âm Dương quyền cấp 2, một thế võ nhưng có nhiều cách triển khai khác nhau.

    LẠI CƯỜNG

    Kỳ 9: Hành trình xuất ngoại và những cuộc tỉ thí quyền thuật làm kinh ngạc Tây phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/giai-ma-loi-the-trong-phai-vo-bua-va-su-that-ve-am---duong-cong-a99017.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.